10h:37 (GMT+7) - Thứ bẩy, 21/09/2024 Theo dõi MXH:

"Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì" (Lc 3,10-18)

Mấy Thư Chung về sự Chầu lượt của Đức Cha Alexandre Marcou Thành-Giám mục tiên khởi Phát Diệm

10h:18 (GMT+7) - Thứ hai, 24/02/2020

 Tiếp theo bài Ôn lại tiểu sử Đức Giám mục thứ nhất: Alexandre J.P. Marcou (Thành) nhân ngày giỗ lần thứ 80, Ban Truyền thông xin trân trọng giới thiệu một vài trích đoạn "Mấy Thư Chung về sự Chầu lượt", rút ra từ Thư Chung Địa phận Thanh (Phát Diệm) của Ngài, gồm 3 quyển, được xuất bản những năm 1920-1923. 

  Đây là những trang tư liệu rất quý giá do "cố Tây" (người Pháp) viết bằng chữ Quốc ngữ cách nay trên một thế kỷ. Để quý độc giả tiện theo dõi, chúng tôi chỉ xin tô đậm một vài đoạn quan trọng cũng như chú thích thêm một vài từ cổ trong văn bản.

    BTT  

 

 

MẤY THƯ CHUNG

Về sự chầu lượt

 

I

Vậy mới được sắc Tòa thánh ban cho địa phận ta một ơn riêng này, là những ngày các xứ chầu lượt các ngày lễ cả quanh năm, như đã chỉ trong lịch, thì Tòa thánh ban indu[1] đầy cho các kẻ xưng tội chịu lễ và đọc kinh như ý Đức Giáo Hoàng cùng viếng nhà thờ đang khi chầu Mình Thánh trọng thể ngày đã chỉ trong lịch. Các ông[2] phải rao ơn trọng này cho con chiên bổn đạo được biết và nức lòng chịu lễ cho đông và chầu Mình Thánh cho sốt sắng ngày bản xứ chầu lượt.

Vả lại khi gần đến ngày xứ nào chầu lượt, thì thày cả xứ ấy phải rao trong nhà thờ ngày lễ cả trước, và tống tờ cho các họ xa gần biết cho sớm. Rồi đến ngày chầu, phải dọn nhà thờ và bàn thờ cho trọng thể hết sức, cắm cờ, giải màn, treo ảnh, xếp hoa v . v …, phải ra bảng cắt người nhà và bổn đạo từng lớp từng phiên, để giờ nào lúc nào cũng có người chầu Mình Thánh liên; các thày cả phải làm gương cho bổn đạo, mà năng đến chầu Mình Thánh Đức Chúa Jêsu, kêu van cầu xin Người ban cho bản xứ được mọi sự lành, và cho cả và Hội Thánh được sự bằng yên.

Mỗi một lớp sẽ đọc những kinh gì, như lần hạt, ngắm đàng câu rút[3], kinh cầu Lái[4] Tim Đức Chúa Jêsu v . v. hay là kinh khác, thì mặc ý thày cả sẽ chỉ trước, nhưng mà lớp nào cũng phải để cho mọi người yên lặng một chốc, cho được nguyện ngắm trong lòng về phép cực trọng Mình Thánh Đức Chúa Jêsu, đừng để cho người ta đọc kinh lớn tiếng luôn luôn. Nhân thể thày khuyên các ông thỉnh thoảng tập tành bổn đạo cho biết đàng nguyện ngắm, nhất là khi chầu Mình Thánh chung hay riêng, vì chưng sự đọc kinh bề ngoài thật là việc rất lành, nhưng mà có sự suy nghĩ thầm thĩ bên trong, thì những kinh đọc bề ngoài mới đáng Đức Chúa Lời nghe.

Ngày chầu lượt phải để Mình Thánh trên nhà chầu từ lúc làm lễ đoạn cho đến chập tối; hoặc có ông nào muốn để Mình Thánh chầu trước khi làm lễ, thì cũng ban phép, nhưng mà chốc ấy khi làm lễ phải giữ các lễ phép đã dạy trong sách chữ đỏ về sự làm lễ trước Mình Thánh.

21 Nov. 1903.

II

Vậy từ năm kia Tòa thánh đã ra sắc chỉ giục bổn đạo năng chịu lễ, thì trong cả và Hội thánh được nhiều người nức lòng sốt sắng mà chịu lễ hằng ngày, hay là mỗi tuần lễ nắm ba lần, vì tin thật chẳng có phương pháp nào có sức chữa mọi tật nguyền linh hồn mình cho bằng phép cực trọng này. Ai kể cho xiết bao nhiêu kẻ đi đàng tội lỗi lâu năm rầy[5] đã ăn năn sửa mình lại hẳn hoi, bao nhiêu kẻ trễ nải biếng nhác các việc phần linh hồn, mà rầy đã nên siêng năng việc lành phúc đức, chỉ vì nhờ phép Mình Thánh Đức Chúa Jêsu bổ sức thiêng liêng, cho được thêm lòng kính mến Đức Chúa Lời và thương yêu người ta.

Địa phận ta Đức Chúa Lời[6] thương cũng có nơi người ta năng chịu lễ hơn khi trước, thì ta phải mừng cùng đội ơn Đức Chúa Lời, nhưng mà chớ lấy làm đủ, bởi vì cũng còn kẻ khô khan lắm, mải làm ăn phần xác, mê đắm xác thịt, hãy còn liều mình bỏ chịu lễ lâu ngày lâu tháng, thì ta phải động lòng thương những kẻ ấy, mà vừa cầu xin Đức Chúa Lời soi sáng mở lòng cho nó, vừa tìm cách liệu thế cho nó thêm lòng mộ mến phép Mình Thánh Đức Chúa Jêsu.

Vả lại Đức Giáo Hoàng nghĩ đến những ơn rất trọng bởi sự nặng chịu lễ mà ra, thì đã truyền cho Đức Carđinalê làm đầu Tòa áp việc indu viết thư cho các đấng Giám Mục mọi nơi, mà xin các đấng ấy thúc giục con chiên bổn đạo tấn tới về sự năng chịu lễ, vì nhớ lời Đức Chúa Jêsu đã phán rằng: “Tao[7] đến cho con chiên được sức mạnh trong linh hồn một ngày một hơn”.

Đức Carđinalê[8] đã viết thư ấy ngày 10 tháng tư tây năm 1907. – Nhân dịp có lời Tòa thánh dủ lòng thương dạy dỗ ta làm vậy, thì trước hết thày khuyên những kẻ đã dâng mình cho Đức Chúa Lời cách riêng, nhà thày nhà mụ[9], phải bỏ thói cũ mà vào lối mới Tòa thánh đã chỉ dẫn, hãy vui lòng vâng lời cha chung mà tập chịu lễ hằng ngày. Chớ bày lẽ dối trá quanh quéo mà chữa mình nữa. Chỉ có một đấng chính quyền dạy dỗ ta, cùng là đấng được ơn riêng Đức Chúa Lời ban cho được dạy những sự chân thật; đấng ấy đã phán dạy tỏ tường, thì chẳng có người nào phải vui lòng mau mắn vâng lời, cho bằng kẻ đã dâng mình cho Đức Chúa Lời.

Về phần bổn đạo những kẻ thong thả một chút và có thể đi xem lễ hằng ngày được, cũng nên chịu lễ hằng ngày nữa. Còn kẻ vất vả phương trở nhiều việc, hay là xa thày cả không có thể đi xem lễ hằng ngày được, thì chớ nhịn đói của ăn thiêng liêng này lâu ngày lâu tháng, kẻo thiệt phần linh hồn đời này và đời sau vô cùng.

Lại xin các thày cả cứ những lẽ đã giải trong thư chung về sự chịu lễ hằng ngày, mà cắt nghĩa cho bổn đạo hiểu biết cho tỏ, sự dọn mình chịu lễ nên là việc dễ dàng là thể nào, cho người ta bớt ngại và  thêm lòng trông cậy kính mến Đức Chúa Jêsu, và năng đến chịu lấy Mình Thánh Người.

Vậy trong thư Đức Carđinalê đã nói vừa rồi, Đức Giào Hoàng suy nghĩ rằng: nếu các bổn đạo mọi nơi hội họp cùng nhau cho đông mà than thở kêu van cho thảm thiết, như thể muốn ép lòng Đức Chúa Lời xin người đoái thương loài người, mà ban ơn cho được nhiều kẻ năng chịu lễ một ngày một đông hơn, ắt là Đức Chúa Lời lòng lành vô cùng sẽ nghe lời cầu xin tốt lành dường ấy; cho nên Đức Giáo Hoàng ước ao chớ gì trong các địa phận, hằng năm được ít là một nơi mở hội thiêng liêng cho trọng thể từ ngày thứ 6 sau lễ Santi[10] cho đến ngày lễ cả,(năm nay là từ ngày hai mươi mốt cho đến ngày hai mươi ba tháng năm).

Mà trong quãng ba ngày ấy các thày cả sẽ phải giảng mỗi một ngày hai lần về phép cực trong Mình Thánh Đức Chúa Jêsu, nhất là về những điều phải giữ cho được dọn mình chịu lễ nên.

Ba ngày ấy sẽ chầu Mình Thánh trọng thể, mà khi ấy trước khi hát Tantum ergo[11] thì sẽ đọc kinh in sau này: Lạy ơn Đức Chúa Jêsu…..

Sáng ngày lễ cả các thày cả sẽ phải giảng về bài Evan[12] ngày hôm ấy, bởi vì trong bài ấy Đức Chúa Jêsu tỏ ra lòng ước ao khao khát cho bổn đạo năng chịu lễ quá sức. Đức Chúa Jêsu ở lại ngày hôm ấy nên làm lễ trọng, và được phép chầu Mình Thánh cả ngày, cùng phải giục bổn đạo chịu lễ cho đông. Sau hết chiều tối ngày hôm ấy, trước Tantum ergo thì sẽ hát kinh Te Deum[13].

ấy là các việc từ rầy mà đi sẽ làm hằng năm sau lễ Santi trong nhà thờ Phát Diệm là nhà thờ chính địa phận này, cho được theo ý Đức Giáo Hoàng hết lòng.

Còn các xứ khác nơi nào làm được các việc cũng như nhà thờ Phát Diệm thì cũng nên làm. Đức Giáo Hoàng muốn giục bổn đạo sầm uất[14] ăn mày thông công trong dịp rất tốt lành dường ấy, thì đã ban những indu sau này cho kẻ đến nhà thờ khi làm việc chung trong ba ngày ấy:

  1. – Ban indu bảy năm và bảy mùa mỗi một ngày một lần trong cả ba ngày.
  2. – Ban một indu đầy cho kẻ xưng tội đoạn sẽ chịu lễ một lần trong vòng ba ngày ấy, ngày nào cũng được mặc ý mình, và sẽ cầu nguyện như ý Đức Giáo Hoàng.
  3. – Ban một indu đẫy nữa cho những kẻ xưng tội đoạn sẽ chịu lễ ngày lễ cả  chung làm một vuối nhau trong nhà thờ chính địa phận hay là nhà thờ các xứ, và cầu nguyện như ý Đức Giáo Hoàng.

        Bấy nhiêu indu muốn chỉ cho các linh hồn nơi lửa giải tội cũng được.

           Vì vậy ngày lễ cả trước tuần chầu các thày cả phải đọc và cắt nghĩa thư này trong nhà thờ, cùng xê[15] xếp mọi sự cho con chiên bổn đạo đến thông công các việc cho đông, nhất là xưng tội chịu lễ.

10 Maiô[16] 1908.

III

Ngày 10 tháng Aprilis[17] năm 1907, Tòa áp việc indu thừa lời Đức Giáo Hoàng, thì đã viết thư xin các đấng giám mục mở hội thiêng liêng, cho được kính mừng phép Mình Thánh cách trọng thể cho đủ 3 ngày, để lấy dịp ấy mà giục bổn đạo năng chịu lễ một ngày một hơn.

Trong thư ấy đã chỉ 3 ngày liền sau lễ Santi, là ngày thứ 6, thứ 7, và ngày lễ cả cho được làm việc ấy. Nhưng mà đến sau có kẻ tâu Tòa thánh rằng: nhiều nơi người ta quen chầu lượt các lễ cả, mỗi xứ một ngày, thay mặt cả và địa phận, cho nên nếu Tòa thánh rộng phép cho các xứ được cứ ngày chầu lượt này, mà nhân thể cũng làm việc kính Mình Thánh ba ngày, và ăn mày các ơn Tòa thánh đã ban 10 Aprilis 1907, thì tiện cho các bổn đạo và các thày cả lắm, lại càng được nhiều người ăn mày các ơn ấy.

Vậy Tòa thánh xét lời các đấng ấy đã tâu, thì lấy làm phải và ưng cho; nghĩa là địa phận nào đã có lối chầu lượt thì được ơn rộng này, là không còn phải cứ tuần lễ Santi mà làm việc kính Mình thánh ba ngày, một cứ ngày bề trên đã chỉ cho được chầu lượt, thì cũng được ăn mày các phép indu Tòa thánh đã ban, như thày đã kể trong thư chung trước này.

Địa phận ta vốn đã có thói chầu lượt, cho nên từ ngày tết năm nay mà đi, hễ xứ nào đến lượt chầu, thì hai ngày trước phải làm các việc đã chỉ trong thư chung 10 Maiô 1908, để bổn đạo  vừa được ăn mày các indu đầy indu phần về sự kính Mình Thánh ba ngày nữa.

Vậy ta phải suy rằng: Tòa thánh hằng giục người ta thêm lòng kính trọng mộ mến phép Mình Thánh Đức Chúa Jêsu làm vậy, ắt là ta cũng phải chịu khó khuyên giục bổn đạo năng chầu Mình Thánh, năng đi lễ, và nhất là năng chịu lễ hơn khi trước thì mới phải.

Phát Diệm 9 Februariô[18] 1909.

                          Trích Thư Chung Địa phận Thanh, quyển thứ I, trang 238-239.

Trong địa phận này đã có phép chầu lượt các ngày lễ cả quanh năm; và khi đến lượt xứ nào chầu, thì cũng phải làm việc kính trọng thể phép Mình Thánh ba ngày, (như đã dạy trong thư chung năm 1908, quyển thứ I trang 238). Có nhiều xứ các ông hết lòng chịu khó cho bổn đạo đến ăn mày thông công cho đông, dọn nhà thờ trọng thể, răn bảo các điều v.v…, song le[19] cũng có xứ còn thiếu về đàng ấy, thật chưa kể được là hết sức mình, hoặc là vì không làm việc kính Mình Thánh đủ ba ngày như đã dặn trong thư chung, cho nên không được mấy người bổn đạo chịu lễ và chầu Mình Thánh trong dịp ấy.

Chớ gì ba ngày chầu Mình Thánh này nên như ngày cấm phòng vậy cho bổn đạo giãn việc phần xác một chút, mà đến nhà thờ mỗi một ngày hai ba giờ cho được nghe lời khuyên bảo về những cách kính trọng mộ mến phép Mình Thánh Đức Chúa Jêsu.

                                                                                                      Septembrê[20] 1911.

                     Trích Thư Chung Địa phận Thanh, quyển thứ II, trang 472-473.

 


[1] Indu: nghĩa là ơn đại xá, ơn toàn xá, ơn tha tội (trong tiếng Pháp là indulgence).

[2] Các ông: trong bối cảnh ở đây hiểu là các linh mục.

[3] Câu rút: nghĩa là Thánh giá (croix).

[4] Lái tim: tiếng cổ nghĩa là trái tim.

[5] Rầy: bây giờ

[6] Đức Chúa Lời: Đức Chúa Trời.

[7] Tao: ta

[8] Carđinalê: Đức Hồng Y (cardinale).

[9] Nhà mụ: nhà các nữ tu.

[10] Lễ santi: bắt nguồn từ tiếng La Tinh “Sancti Corpus Christi” là lễ trọng để kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu. 

[11] Tantum ergo: bài hát chầu Thánh Thể do thánh Tôma Aquinô viết năm 1264.

[12] Evan: Bài Tin Mừng, bài Phúc Âm (Evangelium).

[13] Te Deum: Bài chúc tụng Thiên Chúa ra đời khoảng năm 387.

[14] Sầm uất: sốt sắng.

[15] Xê xếp: thu xếp.

[16] Maiô: tháng Năm.

[17] Aprilis: tháng Tư.

[18] Februariô: tháng Hai.

[19] Song le: tuy nhiên.

[20] Septembrê: tháng Chín.

 
BTT
CÁC TIN KHÁC
Tưởng nhớ Đức cố Giám mục Gioan B. Nguyễn Bá Tòng-Giám mục Việt Nam tiên khởi-nhân ngày giỗ 11.07
Tưởng nhớ Đức cố Giám mục Gioan B. Nguyễn Bá Tòng-Giám mục Việt Nam tiên khởi-nhân ngày giỗ 11.07
Tưởng nhớ Đức cố Giám mục Gioan B. Nguyễn Bá Tòng-Giám mục Việt Nam tiên khởi-nhân ngày giỗ
Chi tiết >>
Tưởng nhớ Đức cố Giám mục Louis De Cooman Hành nhân dịp 50 năm ngày giỗ
Tưởng nhớ Đức cố Giám mục Louis De Cooman Hành nhân dịp 50 năm ngày giỗ
Ngày 7 tháng 6 năm 1970, Đức Cha qua đời tại Pháp trong hương thơm thánh thiện. Hưởng thọ 89 tuổi, mãn 66 năm Linh Mục, 52 năm Giám Mục, 23 năm cai quản Giáo Phận Thanh Hóa.
Chi tiết >>
Tưởng nhớ Đức cố Giám mục Gioan Maria Phan Đình Phùng nhân ngày giỗ
Tưởng nhớ Đức cố Giám mục Gioan Maria Phan Đình Phùng nhân ngày giỗ
Đức Giám mục Gioan Maria Phan Đình Phùng là vị giám mục Việt Nam đầu tiên xuất thân từ quê hương Phát Diệm, nhưng cũng là vị giám mục đầu tiên quản nhiệm ít ngày nhất. Ngài được bổ nhiệm ngày 02-06-1940 và ra đi vĩnh viễn ngày 28-05-1944, nghĩa là làm giám mục chẵn 4 năm, nhưng nhận quyền cai quản giao phận mới được 5 tháng.
Chi tiết >>
Ôn lại Tiểu sử Đức Cố Giám mục Giuse Lê Quý Thanh nhân ngày giỗ 07-05
Ôn lại Tiểu sử Đức Cố Giám mục Giuse Lê Quý Thanh nhân ngày giỗ 07-05
Đức Cha Giuse Lê Quý Thanh, sinh ngày 19-3-1900 tại xã An Hoà, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ngài là em ruột Cha Phêrô Lê Quý Liêm (đã qua đời trong Nam, sau cuộc di cư năm 1954) và theo truyền tụng trong gia đình, ngài là cháu ba bốn đời của nhà bác học Lê Quý Đôn.
Chi tiết >>
Ôn lại Tiểu sử Đức Cố Giám mục Phaolô Bùi Chu Tạo nhân ngày giỗ
Ôn lại Tiểu sử Đức Cố Giám mục Phaolô Bùi Chu Tạo nhân ngày giỗ
Tuy nhiên chương trình của Thiên Chúa thì khác hẳn: hơn 40 năm trong chức vụ chủ chăn, ngài đã cầm cự với thời gian, với thời cuộc, luôn luôn phấn đấu kiên cường, trí khôn vẫn còn minh mẫn sáng suốt, và sức khỏe – tuy đã suy giảm nhiều – nhưng ngài vẫn minh chứng phong độ khí khái, dẻo dai! Con người thầm lặng, ít nói, nhưng nếu nói ra thì câu nào cũng như đinh đóng cột, và thế đứng của ngài lúc nào cũng bình chân như vại!
Chi tiết >>
Chân dung tiểu sử Đức Cha Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ
Chân dung tiểu sử Đức Cha Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ
Cho đến tận nay, vẫn nhiều người tới viếng và cầu nguyện bên mộ phận của Đức Cha Lê. Trên mộ, vẫn có những đoá hoa tươi và người qua kẻ lại vẫn ngả nón mũ để tỏ lòng kính trọng.
Chi tiết >>
Ôn lại tiểu sử Đức Giám mục thứ nhất: Alexandre J.P. Marcou (Thành) nhân ngày giỗ 80 năm của Ngài
Ôn lại tiểu sử Đức Giám mục thứ nhất: Alexandre J.P. Marcou (Thành) nhân ngày giỗ 80 năm của Ngài
Lời BTT: Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày mất của Đức Cha Alexandre J.P. Marcou Thành, Giám mục tiên khởi của Phát Diệm(07.12.1939-07.12.2019), Ban truyền thông xin giới thiệu tới quý độc giả bản tiểu sử: "Đức Giám mục thứ nhất- Alexandre J.P. Marcou (Thành)" trích từ “Lịch Sử Giáo Phận Phát Diệm” của Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ (1918-2002), Roma 2001.
Chi tiết >>
Tòa Giám mục Phát Diệm
75 Phát Diệm Đông – Kim Sơn – Ninh Bình
ĐT: (+84) 229 3862 058 – Fax: (+84) 229 3862 724
Email: tgmpdiem@gmail.com
Ban Truyền thông Phát Diệm
Email: bttphatdiem@gmail.com
Kết nối với chúng tôi
Copyright © 2011-2020 Ban Truyền thông Phát Diệm