Lời BTT: Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày mất của Đức Cha Alexandre J.P. Marcou Thành, Giám mục tiên khởi của Phát Diệm(07.12.1939-07.12.2019), Ban truyền thông xin giới thiệu tới quý độc giả bản tiểu sử: "Đức Giám mục thứ nhất- Alexandre J.P. Marcou (Thành)" trích từ “Lịch Sử Giáo Phận Phát Diệm” của Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ (1918-2002), Roma 2001.
ĐỨC GIÁM MỤC THỨ NHẤT
ALEXANDRE J.P. MARCOU (THÀNH)
(1857-1939)
Thân thế
|
Nhà thờ giáo xứ quê hương Đức Cha Thành ở Lunel (Hérault), tỉnh Montpellier miền nam nước Pháp |
Tuần báo công giáo “Le Sanctuaire” dành cho các “trẻ em giúp lễ” (les Enfants de Choeur) có kể lịch sử Đức Cha Alexandre Marcou (Thành), in thêm hình nhà thờ Chính Tòa Phát Diệm. Lịch sử lược thuật cách tổng quát: Đức Cha Alexandre Marcou, xuất thân tại Lunel (Hérault) ngày 10-05-1857. Ngài học thần học tại Chủng viện Thừa sai và tại Roma. Thụ phong Linh mục ngày 21-12-1879, rồi năm sau được gửi đi Hà Nội. Ngày 04-02-1880, đi giảng đạo tại Kẻ Trừ (1881-1885).
Sau đó được bổ nhiệm Giám đốc Đại chủng viện (1885-1888). Rồi Chính xứ Nhà Thờ Chính tòa Hà Nội (1892). Được Đức cha già Đông (Gendreau) chọn làm Giám mục Phó, hiệu tòa Lysiade (18-05-1895) và tấn phong Giám mục ngày 15-10-1895. Hai Đức Giám mục Đông và Thành bàn nhau chia Giáo phận Hà Nội thành hai, giáo phận Phát Diệm hồi đó gọi là giáo phận Đàng Ngoài Duyên hải (Tonkin Maritime) và trao cho Đức Cha Alexandre Marcou đảm nhiệm.
Ngài chọn khẩu hiệu Giám mục: “Illuminare Sedentes in tenebris: Soi sáng cho những ai còn ngồi trong bóng tối tăm”.
Sự nghiệp
Giáo phận Phát Diệm, được tách ra khỏi Giáo phận Mẹ Hà Nội, năm 1901, đã thành địa phận độc lập từ tháng giêng năm 1902. Tất cả Giáo phận mới này đều cảm tạ Thiên Chúa vì đã cho Giáo phận: một Giám mục gương mẫu cho hàng Linh mục, một Giám mục cổ võ hàng Giáo sĩ bản quốc, công trình của ngài cải tiến đời sống tận hiến, công cuộc truyền giáo, vấn đề giáo dục, nhân đạo.
1. Một tấm gương soi chung cho Hàng giáo sĩ Pháp- Việt
|
Gậy chủ chăn của Đức Cha Thành |
Đời sống thánh thiện của hàng giáo sĩ là mối quan tâm lớn nhất của Đức cố Giám mục Alexandre Marcou Thành. Những lời khuyên nhủ, các Thư luân lưu, các bài giảng trong tuần cấm phòng; nhất là đời sống thánh thiện cá nhân của Ngài là những tấm gương trong suốt lôi cuốn hàng giáo sĩ về đời sống đạo đức trang nghiêm. Xã hội xa xưa của Việt Nam để lại hai tai họa triền miên: nghiện rượu và cờ bạc. Đức cố Giám mục Thành từ khi nhận giáo phận mới đã lưu ý đến vấn đề này, kể cả trong những dịp lễ trọng phụng vụ quanh năm… không khi nào ngài cho dọn một chai rượu trên bàn ăn các linh mục ngoại quốc và bản xứ. Thấy Đức Cha bài trừ các tệ đoan, rồi cả những tổ chức cờ bạc cũng dần dần biến mất.
Đức cố Giám mục Thành sống đời sống đức tin sâu xa, phòng ngài là một căn phòng bằng gỗ, chỉ có một cửa sổ lớn soi chiếu, ngoài chiếc ghế riêng tại văn phòng, không còn một thứ gì khác tiện nghi hơn( như ghế salon). Ngài có bác một cầu bằng gỗ nối liền phòng ngủ với nhà nguyện riêng, xây dựng gần đó, nhưng biệt lập. Mỗi buổi sáng, từ 5 giờ, đã thấy phòng ngài đốt sáng, chuẩn bị đi làm lễ, bất chấp tập quán của người dân bản xứ, ngày nào cũng thức dậy sớm đi nhà thờ hay đi làm. Khoảng 7giờ, Đức Cha ăn sáng, đọc nhật báo cho biết tin tức thời sự; rồi sau đó ngồi vào bàn giấy làm việc cho đến 13 giờ. Mỗi ngày, Đức cố Giám mục làm việc và đọc sách nguyện 18 giờ đồng hồ. Đến 7giờ 30 chiều, ngài đi bách bộ lên tới nghĩa địa Phát Thượng, theo lời khuyên của bác sĩ. Sau đó ăn cơm tối và đi ngồi toa giải tội cho giáo dân.
Hồi đó cả Tòa giám mục chưa có máy đánh chữ, Đức cha Thành viết rất nhiều thư bằng tay và cả những tờ Tường trình cho Tòa Thánh và Nhà Mẹ Hội thừa sai Ba lê về tình hình giáo phận. Chữ ngài viết tỷ mỉ, đằng tả, rõ rệt… một hôm, một Linh mục Pháp thấy chất đầy một đống các công việc ngài làm bằng tay lấy làm lạ và thưa Đức cha; ngài trả lời vắn tắt: “ làm như thế để bớt đền tội trong luyện ngục đời sau”. Rất nhiều tín hữu nhất là những người đã có tuổi kể lại hạnh phúc hồi xưa được “ Đức Cha giải tội”. Trong sổ Thống Kê gửi về Tòa Thánh Roma và Cha Tổng quyền Hội thừa sai Ba lê, Đức cố Giám mục kể lại mỗi năm, ngài đích thân ngồi tòa cho 15 ngàn hay 18 ngàn giáo dân Việt Nam. Thật ra, một di sản phong phú ngài để lại cho Giáo phận Phát Diệm mãi cho tới ngày nay là lòng tôn sùng Phép Thánh Thể. Mỗi năm, ngài dành 3-4 tháng liền để tổ chức các cuộc kinh lý trong giáo phận. Đức giám mục mang theo một số Linh mục, đến một địa điểm kén chọn, ở lại chừng 10 ngày cho tới 2 tuần lễ, dạy giáo lý cho các tầng lớp dân chúng, khuyên nhủ những đôi vợ chồng còn “ rối răm” về phép hôn phối, hay đức công bằng… ngài diễn giải bằng tiềng Việt đơn sơ, dễ hiểu, từ năm 1890, cũng như hồi xưa du học tại Roma, ngài có năng khiếu viết La ngữ thành thạo, và có một tền tảng vững chắc về Tín lý, thần học.
Một sự kiện đặc biệt trong tuần đại phúc mỗi xứ đạo, Đức cha Thành thường tổ chức một ngày đi viếng nghĩa địa của xứ đó. Đức cha làm phép “ Đất Thánh” cầu cho các Linh hồn. Khi trở về nhà thờ, một cha được chỉ định thuyết giảng về đề tài “ cầu hồn” ; sau đó chính Đức cha chủ sự thánh lễ cầu cho tiên nhân hàng xứ. Dân tộc Việt Nam, theo đạo Công giáo hay còn bên lương, rất sùng mộ đạo ông bà. Họ rất xúc động khi thấy Vị chủ chăn ngoại quốc mà tha thiết với tổ tiên, mồ mả cha mẹ anh em của họ, ra tận nghĩa địa thăm viếng, rồi sau đó hành lễ cầu nguyện.
2. Cổ võ việc thăng tiến Hàng giáo sĩ bản quốc
Hồi xưa, việc kén chọn hàng giáo sĩ Bắc Việt thường được tổ chức trong các trường công giáo tại các xứ đạo. Do đó vừa mới về nhận giáo phận, Đức cố giám mục Marcuo nghĩ ngay tới việc đào luyện các Linh mục tương lai người Việt, vì trong thực tế và thâm tâm của Vị Giám mục người Pháp đầu tiên này là làm sao có sẵn một hàng giáo sĩ đủ khả năng, để ngài có thể trao cho giáo sĩ Việt Nam những nhiệm vụ quan trọng, then chốt trong giáo phận. Hồi xưa các chú vào Tiểu chủng viện từ 20 tuổi, thường là các thầy giảng đi giúp xứ tuyển lựa. Nhưng về sau Đức cố giám mục Thành yêu cầu các Linh mục thừa sai đảm nhận việc này, còn ngài thì cố gắng tìm mọi phương tiện, để rồi, từ 1904 -1912, xây cất một Đại Chủng viện cho Giáo phận.
|
Chân dung Đức Giám mục tiên khởi của Phát Diệm |
Ngoài ra, khi đã thụ phong Linh mục, đức cố giám mục Marcou đặt cả một hệ thống chỉ định vị trí cho các Linh mục trong giáo phận, khi có những cuộc họp công cộng: “ Giữa các Linh mục, đấng nào chịu chức “ Thầy Cả” trước thì ngồi trên, chịu chức thầy cả sau thì ngồi dưới. Kẻ nào chịu chức cùng một ngày, vị nào nhiều tuổi hơn thì ngồi trên” (6).
Chính nhờ Đức cố giám zmục Thành, một phần tuân theo Sắc lệnh Bộ Truyền giáo(16-01-1924) đã chỉ thị về vị thứ các Linh mục; một phần thấu hiểu tâm lý của hàng giáo sĩ địa phương, ngài đã đem lại cho chính hàng giáo sĩ, vừa ngoại quốc vừa bản xứ, một sự nhận xét rõ rệt và do đó đã gây nên mối tương quan thân thiện giữa hai bên Linh mục Pháp- Việt tại Phát Diệm, cũng như đã nêu gương sáng chói cho hàng giáo sĩ các giáo phận khác khi tới thăm Phát Diệm, hay là nghe đồn thổi về thái độ cao cả của vị giám mục ngoại quốc này dành cho hàng giáo sĩ Việt Nam tại đây !
Chính Đức cha giảng cấm phòng năm cho các linh mục Pháp- Việt: ra những huấn dụ, khuyến khích việc tông đồ, đã viết cuốn : “ Luật phép giúp Đấng làm Thầy”, các ngài phải trở nên thánh thiện và làm việc bổn phận, nhất là những huấn dụ về việc dâng thánh lễ và đọc kinh nhật tụng, sống đời trong suốt, nhất là thiết lập “ Hội các Linh mục chầu Mình Thánh”, “ Hội cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội”.
Cả lớp các Thầy giảng là thành phần thiết yếu trong việc truyền giáo, Đức cố giám mục Marcou cũng quan tâm tổ chức đời sống tinh thần; ở chung với nhau trong một cộng đoàn, có người được bầu làm thủ lĩnh, có thời khóa biểu hàng ngày: từ sáng sớm đọc kinh xem lễ, ban ngày đi dạy giáo lý, dạy học hay theo các linh mục đi thăm các họ đạo, coi sóc ruộng nương hoặc các cơ sở thuộc quyền sở hữu của nhà xứ.
3. Cổ võ đời sống nữ tu tận hiến
Khi mới thành lập giáo phận năm 1901, tại địa phương đã có sẵn ba Nữ tu viện Mến Thánh giá : Bạch Bát ( hay Bạch Liên), Phúc Nhạc và Thành Đức ( Cách Tâm), nhằm mục đích sẽ cải tổ Dòng Mến Thánh giá, từ năm 1901, ngài đã mua lại 8 sào đất thổ của Bà phó Tùy, làng Lưu Phương và đặt nơi đây làm trung tâm Dòng Mến Thánh giá giáo phận, đến năm 1903, ngài cho lệnh rời nhà Phúc Nhạc về Lưu Phương với số 6 nữ tu : các Chị Tiếp ( giám đốc), chị Sa, Chị Nụ, chị ,Nghĩa, chị Tam, Chị Ơn.
Công tác của chị em là in sách ( thời đó bằng chữ nôm và chữ nho), các đờn từ, văn tự … bằng chữ nho; còn sách đạo bằng chữ nôm : Sách kinh, sách bổn, lịch Công giáo, Sách tứ chung, Dẫn đàng giữ đạo, Sách cấm phòng, Ngắm 15 sự thương khó, giảng sự thương khó Đức Chúa Giêsu, Dẫn đàng nhân đức trọn lành (24 cuốn)… Nhà in tại Phúc Nhạc là chung cho 3 giáo phận Hà Nội, Hưng Hóa và Phát Diệm, sách in xong phải chờ cơ hội, chuyên chở bằng thuyền hay gánh từng chuyến.
Công tác thứ hai : may đồ lễ. Cha chính Sơn ( cố Bareille) mua cho nhà dòng một cái máy may, Phát Diệm phải gởi hai chị lên nhà may Kẻ Sở học chuyên nghiệp mấy tháng. Ngoài các đồ thánh như khăn vai, khăn thánh; còn có áo Đức Bà… đều sản xuất tại đây. Các xứ đạo mua nhiều để làm quà, phát phần thưởng, làm quà tặng các Linh mục dịp thụ phong, dịp cấm phòng hàng năm.
Công tác thứ ba: làm thuốc viên. Thời xưa chưa có thuốc từ Au châu gởi qua, cần thiết chữa bệnh, người ta làm rất nhiều thuốc viên, thuốc này bào chế theo các đơn do các linh mục thời xưa để lại, như thuốc trừ phong hoàn, đơn cứu khổ hoàn, đơn cứu khí, đơn trấn kinh, gió đen, lục nhất, kim đĩnh…nhà chung gởi đơn thuốc ra Nam Định, nhờ cha già Nghiêm mua cho, đem về cho các chị Dòng Mến Thánh giá Lưu Phương bào chế, tán, viên; mỗi năm làm hai kỳ. Thầy Phêrô Khang đã giúp Cha Thánh Ven (Ve'nard) ngày xưa, ngày nay làm “ phòng bộ “ Đức Cha Thành, được chỉ định mỗi ngày sang tu viện Lưu Phương, chỉ bảo cho các chị em làm việc. Công tác tiến triển chừng ba năm, về sau chị Tiếp qua đời, chị Sa lên thay và làm giám đốc; chị mở cửa tu viện, nhận thêm người mới vào nhà Mẹ Lưu Phương. Tới năm 1913, Cố chính Sơn mới xây thêm ngôi nhà thờ mới và năm 1920, Đức cha De Cooman Hành lại rỡ đi, xây ngôi nhà tối tân, kiểu Âu châu, năm 1968 bị bom Mỹ phá hủy bình địa.
4. Công cuộc truyền giáo.
|
Giếng rửa tội quê hương Đức Cha Thành |
Giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) hồi xưa mênh mông bát ngát, miền bắc giáp Trung Hoa dân quốc, Mạn Nam giáp tỉnh Nghệ An, tính ra 12 tỉnh. Do đó đức giám mục Gendreau Đông cứ 7-8 năm mới tổ chức đi kinh lý giáo phận một lần. Còn Đức giám mục Marcou Thành, khi vừa được bổ nhiệm Giám mục, đã chọn đời sống chủ chăn của ngài qua khẩu hiệu : “ Soi chiếu cho những ai còn ngồi trong bóng tối tăm”. Và đặc tính lo lắng cho người bên lương trở về Giáo hội là một điểm son nổi bật của đời ngài, và có khi ngài là vị giám mục ngoại quốc đầu tiên thành công nhất trong hàng giáo phẩm hồi đó có công mở rộng biên cương nước Chúa tại Việt Nam. Mới làm giám mục Phó Hà Nội, nhưng biết trước sự phận chia Phát Diệm, ngài đã sai một số linh mục ưu tú Hội thừa sai Ba lê xuống giáo phận mới, và sai đi truyền giáo tại Châu Lào giảng đạo cho dân xứ Ai Lao. Đến khi chia giáo phận Phát Diệm xong rồi, Đức cha Marcou Thành xuống mãi tỉnh lị Thanh Hóa, một hai định lập tòa giám mục tại đó. Nhưng vì thấy tỉnh lị Thanh Hóa còn quá ít dân số công giáo, ngài định bỏ Thanh Hóa, di Tòa giám mục về Điền Hộ ( xa Phát Diệm 7 cây số) nơi mà Hà Nội cũng do Đức cha Marcou Thành khởi xướng, đã mua sẵn hơn 100 mẫu ruộng để làm vốn nuôi sống giáo phận mới. Sau cùng, ngài mới nhất định dừng chân tại xã Phát Diệm, nơi ngài đã hội kiến với Cha Trần Lục, lúc bấy giờ đã gần hoàn thành việc xây cất quần thể Thánh đường thời danh duy nhát theo lối kiến trúc Á đông.
Sau khi nhận chức Giám mục tân Giáo phận Đàng Ngoài duyên hải( từ năm1924 đổi là Phát Diệm), ngài vẫn sai các cha thừa sai Pháp lên miền thượng du Ai Lao giảng đạo, tất cả hội thừa sai Ba lê đã hy sinh 8 linh mục tại đó. Thượng Lào là một dân tộc theo Phật giáo từ lâu đời, lại là một nơi quá xa xôi, khí hậu rừng núi, người ngoại quốc dễ bị bệnh sốt rét rừng và bỏ xác nơi đây.
Nguyên tại tỉnh Thanh Hóa gồm 13 phủ, huyện, nhưng hồi đó mới thành lập đước 6 xứ đạo. Đức cha già Thành định phân chia các xứ đạo ra cho tiện việc điều khiển, giao thông và như thế cứ 3 năm Giám mục giáo phận hứa tới kinh lý một lần. Thể lệ việc lập xứ mới, nhất là trong các hạt khác, nơi mà đông dân số công giáo, phải tuân theo các chỉ thị Tòa giám mục Miền Trung châu Bắc Việt :
1. Họ nào xin lập nhà xứ, phải làm đơn xin và tuân theo các chỉ thị Tòa giám mục
2. Phải có nhà thờ chắc chắn, có thể để Mình Thánh và dung nạp được dân số trong xứ đạo.
3. Phải có ít ra hai mẫu ruộng để chi phí dầu đèn, nến sáp Chầu Mình Thánh và sửa chữa nhà thờ khi cần thiết.
4. Phải có ít ra 1 mẫu ruộng thổ, để làm nhà xứ : phòng cha xứ và nhân viên trực thuộc. Phòng tiếp khách phải làm ngoài cổng nhà xứ, ngoài ra hàng xứ phải mua sẵn ít là 6 mẫu ruộng để trong năm nuôi cha xứ và nhân viên (7).
Xong mọi sự, cha xứ mới phải tuyên thệ trước mặt Đức giám mục và có sẵn trong tay văn kiện cần thiết, văn tự về điền thổ, ruộng nương, tài sản của xứ mới.
Sự sắp xếp chu đáo các công tác trong giáo phận, nhất là ý chí của Đức cha Marcou Thành quyết tâm thực hiện khẩu hiệu : “ soi chiếu cho những ai còn ngồi trong bóng tối tăm” với sự hy sinh bao nhiêu nhân lực, tiền của, mạng sống các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân; nhất là đời sống thánh thiện, trong sạch cá nhân Đức cố giám mục Marcou Thành đã thành công trong việc đưa từng ngàn từng vạn linh hồn lương giáo trở lại thờ phượng Chúa, và như thế đưa Phát Diệm lên giáo phận đầu tiên trao cho Hàng Giáo Sĩ Việt Nam, năm 1933.
Trong Thư Viện Hội thừa sai Ba lê, người ta còn giữ bản Thống Kê tỉ mỉ chính Đức cha Marcou Thành đã làm để trình Tòa Thánh, so sánh tình hình Giáo phận Phát Diệm theo hai niên hiẹu 1902 tức là một năm sau ngày thành lập và năm 1931 nghĩa là hai năm trước khi có Giám mục Việt Nam tiên khởi, nói thế khác, đây là thống kê nói riêng về sự nghiệp của Đức cha Marcou Thành :
|
Năm 1902
|
Năm 1931
|
Dân số Công Giáo
|
80.000
|
140.000
|
Linh mục thừa sai
|
7
|
35
|
Linh mục Việt Nam
|
53
|
137
|
Các thày giảng
|
138
|
227
|
Nữ Tu ngoại quốc
|
8
|
23
|
Nữ tu Việt Nam
|
78
|
184
|
Chủng Viện
|
1
|
3
|
Xứ đạo-Nhà thờ
|
325
|
420
|
Quản giáo (Dạy bổn)
|
339
|
756
|
Học Sinh
|
6.626
|
24.670
|
Trường tiểu học
|
0
|
80
|
Số xưng tội
|
173.000
|
548.086
|
Số chịu lễ
|
22.000
|
2.321.435
|
Rửa tội trẻ em bên lương
|
(từ 1902-1931)
|
253.313
|
Rửa tội người lớn
|
(từ 1902-1931)
|
22.555
|
Tổng số dân tỉnh Ninh Bình : 500.000; công giáo : 140.000, nghĩa là thống kê cao nhất Việt Nam, cứ 5 người bên lương, thì có 1 công giáo. Chúng ta chứng kiến cả một sự nghiệp vĩ đại, trong vòng 29 năm trời (1902-1931) từ ngày chưa có Giám mục bản quốc, một mình Đức cha Marcou Thành đã đem cho Phát Diệm :
- Số Linh mục bản quốc từ 53 tới 137 vị.
- Số xứ đạo, nhà thờ từ 325 tới 420.
- Số dân Công giáo từ 80.000 đến 140.000, nghĩa là tăng lên 60.000 tín hữu, nhất là khi thấy cộng đoàn công giáo này tuân theo những gì Đức Giám mục đã nhắn nhủ, khuyên răn trong ba cuốn sách dày : “ Thư Chung Địa Phận Thanh”, in tại Hong Kong. Chính sách của ngài là những linh mục có tuổi, ngài đặt vào các chức vụ ( chính xứ, quản hạt, tổng quản giáo phận…) nghĩa là giữ các vị đó gần Tòa giám mục để làm cố vấn cho Đức cha khi cần thiết. Còn tất cả các Linh mục trẻ tuổi hơn, bất luận Pháp hay Việt Nam, Đức cha gửi ra “mặt trận” chỗ xa xăm, còn ít người tòng giáo, để các vị có dịp xung phong, với sức hăng say làm việc trong các xứ đạo, rửa tội cho các tân tòng hay trong các nhà trường. Sau 29 năm vất vả đã thu lượm :
- Số rửa tội cho trẻ em bên lương 253.313.
- Số rửa tội cho người lớn : 22.555.
- Số tín hữu chịu lễ từ 221.000 lên tới 2.321.435.
Kết quả rực rỡ này chắc đã làm thỏa mãn tâm hồn vị Giám mục đã chọn cho đời minh “ soi chiếu cho những ai còn ngồi trong bóng tối tăm”. Tòa Thánh La Mã, năm 1930, đời Đức giáo hoàng Plô XI, đã tặng thưởng Đức cha Alexandre Marcou Thành chức vụ “ Ngự tiền Tông Tòa” (Assistant au Trône Pontifical : ngồi chỗ danh dự bên cạnh tòa Đức giáo hoàng khi ngài chủ tế đại trào).
5. Vấn đề trường tư thục Công giáo
Năm 1901, khi phân chia Giáo phận Phát Diệm, trong toàn tỉnh Ninh Bình, trừ một số nhỏ trong các làng mạc, các ông đồ tổ chức cho một số nhỏ học sinh lui tới nhà mình học Hán văn; ngoài ra chỉ có Chủng viện Phúc Nhạc. Hầu như chín phần mười các trẻ em Việt Nam bị liệt vào số thất học. Do đó khi mới về nhận địa phận, Đức cố giám mục Marcou Thành đã nghĩ tới ngay phương thức cứu nguy tinh thần, nhưng phải tổ chức đường học vấn theo lối tây phương. Hai năm 1902-1903, Đức cha đã xây hai trường, một tại Phát Diệm và một tại Thanh Hóa, trao cho mấy Linh mục Pháp trẻ trung điều khiển và mở cho tất cả giới trẻ nam lương cũng như giáo. Đồng thời Đức cha còn mở thêm số trường học trong các xứ đạo và ủy thác cho các thầy giảng điều khiển.
Riêng cho nữ giới, phải mất thời gian đợi chờ lâu hơn, Đức cha Marcou Thành kêu gọi các chị em Dòng Saint Paul de Chartres, vì là Hội dòng đã tới Việt Nam từ đầu, Đức cha để cho các nữ tu có thời gian học tiếng Việt; trong khi đó, họ cũng bắt đầu thu thập các ơn kêu gọi nữ tu bản quốc. Về sau này, các nữ tu Việt Nam đã giúp một tay đắc lực trong việc giáo dục các con em người Việt Nam tại Phát Diệm.
Tại Thanh Hóa về sau, Đức cha Marcou Thành cũng đã xây cất một nhà thương cho các người mắc bệnh cùi, cách xa tỉnh lị chừng 3 cây số (1903). Ngài cũng đã dựng một nhà trường chăm sóc những trẻ em câm điếc. Sau cùng một nhà thương giao cho các nữ tu Saint Paul de Chartres, để cấp cứu các linh mục và tu sĩ trong giáo phận, cũng như đã xây bệnh viện cho các nhân viên Nhà Chung tại Phú Vinh, gần tòa giám mục Phát Diệm.
Nói chung, sự nghiệp của Đức cha Marcou Thành, nếu nói theo sự suy nghĩ thời nay, thì có người cho là bé nhỏ, chưa tương xứng với những nhu cầu hiện đại. Phải, nhu cầu hiện đại, ở đâu cũng vậy, nếu bây giờ mới xây cất thì rộng rãi hơn xưa, tiện nghi hơn xưa, đẹp đẽ hơn xưa. Tuy nhiên nói theo lịch sử, nhất là lịch sử đã 100 năm nay, hồi đó chưa có sẵn những dụng cụ kỹ thuật kiến trúc tối tân, chúng ta đứng trước những di tích lịch sử, như di tích quần thể Thánh đường Phát Diệm hiện còn đồ sộ nguy nga, với những nét cong kỳ diệu của lối kiến trúc Á châu, chúng ta mới cảm nghiệm sự cố gắng vượt mức của con người, mới ý thức lòng tôn sùng đạo đức của tâm hồn giáo dân thời xưa, họ quảng đại đoàn kết, chung vai sát cánh xây đắp một cơ đồ tuyệt tác, hiện còn đứng vững như để chứng minh, qua các thời đại, một tín ngưỡng kiên cường của giáo đoàn Phát Diệm của họ.
6. Về nhà Cha[1]
Người dân Phát Diệm, ý thức công ơn vô bờ bến của Đức cố giám mục Alexandre Marcou Thành đã làm cho họ: cả một đời gần 40 năm hăng say truyền giáo thi ân cho họ và con cháu họ; do đó, ngày 07-12-1939, khi hay tin Đức cố giám mục Thành đã tạ thế tại Thanh Hóa, hưởng thọ 82 tuổi, cả giáo phận Phát Diệm họp hội đồng bàn tính chương trình lễ an táng (9):
- Đức cha Nguyễn Bá Tòng ủy cha già Mai Đức Thạc, chính xứ Phát Diệm, đi trước vào Thanh Hóa xin xác Đức cố giám mục Marcou Thành đưa về an táng tại nhà thờ Chính tòa Phát Diệm. Thực ra, khi tới nơi cha già Thạc qua thăm nhà thờ chính tòa Thanh Hóa, thì thấy Cố chính Thảo (Poncet), tổng quản giáo phận đã cho lệnh Cha Nhạc, quản lý Nhà Chung, đang đào huyệt.
- Xin được xác Đức cố Giám mục Thành rồi, cha già Thạc quay về Ninh Bình. Thừa lệnh Đức cha Tòng, Cha chánh xứ Phát Diệm ghé qua tỉnh lị và đưa hung tin cho hai vị chủ tịch Pháp – Việt tỉnh nhà: ông Công Sứ và ông Tuần Sứ Ninh Bình. Rồi qua các xứ gần đường Ninh Bình- Phát Diệm: Tôn Đạo, Hòa Lạc, Hướng Đạo, Trì Chính báo cáo cho các họ, khi linh cữu đi qua, các xứ phải làm lễ bái mạng.
- Về đến Phát Diệm, Cha chính xứ triệu tập hội đồng hàng xứ, định đoạt hai việc : thứ nhất là khởi sự đào huyệt trong gian cung thánh Nhà Thờ Chính tòa. Việc này rất công phu, vì khi làm nhà thờ, người ta đã đổ bê tông dày 40 phân, làm cho việc đào huyệt trở nên rất khó lòng. Việc thứ hai là cỗ đòn danh dự, cỗ đòn mà 40 năm về trước, năm 1899, đã khiêng xác Cụ Sáu Trần Lục, Lễ bộ thượng thư; cỗ đòn làm bằng gỗ vàng tâm, chạm trổ mỹ thuật. Hồi xưa, sau đại lễ an táng Cụ Sáu, người ta tháo ra để trong nhà khóa lại. Nay lấy ra sơn phết như mới và chỉ định 32 đôi tùy, tức 64 người khiêng và phải là trùm trưởng mới được vinh dự khiêng. Còn chỉ định 8 phù cữu, phải là cựu chánh phó chương hay là bát cửu phẩm. ông chánh Tổng kiêm Chánh trương chấp hiệu, nghĩa là cầm trắc cho lệnh khiêng xác : một tiếng bỏ đi, hai tiếng rì rì mà lên, tiếng thứ ba, 32 đôi tùy “ sênh nhỏ” rồi mới khởi hành bước đi.
Sáng ngày 09-12-1939, Đức Khâm sứ Tòa Thánh Dreyer, các giám mục Louis De Cooman Hành (Thanh Hóa), François Chaize Thịnh (phó Hà Nội). Gioan B. Nguyễn Bá Tòng (Phát Diệm), Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn (Bùi Chu), Andrea Eloy Bắc (Vinh), Felicien Hedde ( Lạng Sơn) và Gioan Casado Thuận ( Thái Bình). Các Linh mục Pháp – Việt giáo phận Phát Diệm và Thanh Hóa, các Dòng tu nam nữ và rất đông giáo dân dâng lễ cầu cho Đức cố giám mục Marcou Thành.
Trước thánh lễ, Đức Khâm sứ Tòa Thánh Dreyer đọc bài điếu văn nói lên các công đức của Vị cố Giám mục lão thành đã làm cho Phát Diệm và đưa Phát Diệm thành giáo phận độc lập đầu tiên. Xong lễ chừng một tiếng đồng hồ, rước quan tài lên xe tang, có đoàn xe Phát Diệm phụng nghinh và đoàn xe Thanh Hóa kính tiễn. Quá 11 giờ xe linh cữu đến Ninh Bình, được hai quan Công sứ Pháp và Tuần phủ Việt Nam cùng các chức sắc Ninh Bình nghênh đón. Sau mấy phút, xe linh cữu quay bánh thẳng về Phát Diệm, ngang qua các xứ Tôn Đạo, Hòa Lạc, Hướng Đạo, Trì Chính, xứ nào cũng lập lễ kính viếng linh cữu. Đúng 12 giờ trưa, xe linh cữu tới cầu Trì Chính dừng lại, Hội tây nhạc Phát Diệm nổi bài chào lâm khốc. Dứt tiếng kèn chào, rước quan tài sang cỗ đòn danh dự đã đón sẵn, đặt quan tài vào trong đòn cữu, băng màn the vàng bốn mặt, chung quanh đốt 6 cây nến sáp, đóng cửa lại; hai trăm cây cờ tang đại diện các xứ trong giáo phận dàn thành hàng rào danh dự hai bên đường, các viên chức mặc áo tang, đội khăn trắng. Áo tang xếp hàng tư đi trước linh cữu. Các bà và toàn phụ nữ mũ mào, áo trắng đi sau linh cữu, mọi người cầm tràng hạt thầm đọc kinh. Các người không mặc áo tang đi hai bên lề đường ngoài hàng cờ.
Một giờ chiều tới nhà thờ đá, hạ linh cữu xuống, rước quan tài đặt giữa nhà thờ, đốt 6 cây hoàng lạp để hai bên quan tài, mọi người ngoài sân, nam tả nữ hữu, chật ních, bấy giờ được đọc kinh lớn tiếng mãi cho tới 6 giờ sáng ngày 11-12-1939.
|
Mộ Đức Cha Thành trên gian cung thánh nhà thờ chính tòa Phát Diệm |
Sáng sớm hôm sau, hiện diện tại chỗ là tất cả Giáo phận Phát Diệm, người ta rước linh cữu Đức cố giám mục Marcou Thành chung quanh ao hồ, trở về nhà thờ Chính tòa làm lễ qui lăng và hạ huyệt trong gian cung thánh. Đức cha Nguyễn Bá Tòng đọc bài điếu văn kể công danh đức cố Giám mục Marcou Thành, từ ngày chia giáo phận Phát Diệm ra khỏi Hà Nội, năm 1901. Gần 40 năm cai quản Giáo phận, xây dựng các cơ sở cần thiết, gia tăng con số giáo dân từ 80.000 tới hơn 120.000; để rồi hơn 30 năm sau (1901-1935) hoàn tất công nghiệp giáo phận Việt Nam tiên khởi. Rồi 30 năm sau nữa, lại phân chia giáo phận Thanh Hóa ra khỏ Phát Diệm. Đức giám mục truyền giáo: “ Chiếu ánh sáng Phúc âm cho những người còn ngồi trong bóng tối tăm” đã chạy đua suốt quãng đời 82 năm trần thế, xuôi ngược trong 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Ai Lao để đem tin mừng cứu độ cho trên dưới 3 triệu người sống trong ba địa hạt rộng lớn nói trên. Đọc lại lịch sử truyền giáo của tất cả Đông Dương hồi xưa, công lao của Đức cố giám mục Marcou Thành vẫn chiếm giải nhất. Không ai đã sống như ngài, không ai đã thành công như ngài : sự nghiệp của ngài không những còn in sâu trong các cơ sở ngài đã xây dựng, nhưng nhất là còn tồn tại sâu xa trong tâm hồn của từng trăm ngàn người còn sống cho tới ngày nay.
Trích từ:“Lịch Sử Giáo Phận Phát Diệm,” Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, Roma 2001.
[1] Tiêu đề do Ban biên tập đặt.