ĐỨC GIÁM MỤC GIOAN MARIA PHAN ĐÌNH PHÙNG
(1891-1944)
Đức Giám mục Gioan Maria Phan Đình Phùng là vị giám mục Việt Nam đầu tiên xuất thân từ quê hương Phát Diệm, nhưng cũng là vị giám mục đầu tiên quản nhiệm ít ngày nhất. Ngài được bổ nhiệm ngày 02-06-1940 và ra đi vĩnh viễn ngày 28-05-1944, nghĩa là làm giám mục chẵn 4 năm, nhưng nhận quyền cai quản giao phận mới được 5 tháng.
Sinh trưởng tại làng Kiến Thái, xứ Trì Chính, cuối năm 1891, trong gia đình gồm 7 anh chị em: 3 trai và 4 gái. Phan Đình Phùng là con thứ 3. Thuở nhỏ, chú được thân phụ dậy học tại nhà. Lên 10, chú được cha mẹ phó thác cho Cha già Cung, chính xứ Hướng Đạo, cách Trì Chính khoảng 3 cây số. Năm 12 tuổi, chú được gửi vào Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc. Từ nhỏ, chú là con người đức hạnh, nhu mì, đồng thời có trí thông minh trội vượt, nên được ban giám đốc chủng viện đề nghị cho đi du học tại Đại Chủng viện Penang, Mã Lai. Đại chủng viện này được Hội Thừa Sai Ba Lê xây cất gần các giáo phận truyền giáo vùng Viễn Đông, để đào tạo chủng sinh của nhiều quốc gia trong vùng.
(Tiểu chủng viện Phúc Nhạc)
(Tiểu chủng viện Phúc Nhạc 1926- Cha Phùng đứng hàng sau ngoài cùng phía trái)
Năm 1913, Đức Giám mục Phát Diệm gọi thầy Phùng về làm giáo sư Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc. Năm 1921, thầy được thuyên chuyển về Đại Chủng viện Thượng Kiệm và tiếp tục học Thần học, chuẩn bị lãnh các chức thánh. Ngày 05-04-1924, thầy Phan Đình Phùng thụ phong linh mục, rồi trở về dậy tại Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc. Năm 1932, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư Đại Chủng viện. Năm 1935, Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đặt ngài làm Tổng đại diện, kiêm Giám đốc Đại Chủng viện, kiêm Giám đốc Hội Thầy Giảng, kiêm Giám đốc Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm.
(Đại chủng viện Thượng Kiệm)
Với bằng ấy trách nhiệm đè nặng trên vai, Cha Phan Đình Phùng không ta thán, nhưng trong thầm lặng ngài cố chu toàn nhiệm vụ một cách rất bình thường. Ngài rất cương trực, không thích ồn ào hoặc tươi cười lớn tiếng. Ngài để bộ râu cằm dài, tay hay vuốt chòm râu đó khiến thiên hạ suy đoán ngài cầm hãm nụ cười tự nhiên, không để dễ dàng bộc lộ tình cảm, vì thế, có vẻ nghiêm khắc. Ngài thường dùng đôi giầy có đế bằng cao-su không gây tiếng động. Khi còn là giám thị tại tiểu chủng viện, các chú chủng sinh sợ nem nép, vì không biết ngài xuất hiện lúc nào. Tuy nhiên, trên thực tế, ngài rất nhân từ, hiền hậu và ăn nói êm đềm.
(Sau ngày tấn phong Giám mục)
Ngày 02-06-1940, Cha Phan Đình Phùng nhận sắc chỉ Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám mục phó, hiệu tòa Marciare, với quyền kế vị. Lễ tấn phong giám mục của ngài ngày 03-12-1940 diễn ra rất long trọng tại Nhà thờ Chính toà Phát Diệm. Về phía giáo quyền, có 10 vị giám mục tại Đông Dương tham dự. Về phía dân sự, có Đô đốc Decoux, Thống đốc Grandjean, Thống sứ Bắc Kỳ. Ngoài ra, còn rất đông các quan chức, các linh mục, đại diện các dòng tu nam nữ và chừng bốn năm vạn giáo dân. Sở dĩ lễ tấn phong giám mục Đức Cha Phan Đình Phùng có nhiều thượng khách Pháp-Việt tới dự, vì 2 chính quyền Pháp-Việt muốn nhân dịp đại lễ này sẽ gắn mấy huy chương cho Đức Giám mục Nguyễn Bá Tòng. Để tưởng thưởng công lao của Đức Cha Tòng đã đắp đê Kim Tùng hầu bảo vệ mùa màng và đem lại công ăn, việc làm cho dân nghèo, Triều đình Huế tặng thưởng cho ngài Nam Long Bội tinh và Kim khánh, chính phủ Pháp tặng ngài Bắc Đẩu Bội tinh.
(Sau lễ tấn phong Giám mục)
Tiếc thay, thời gian Đức Cha Phan Đình Phùng chính thức quản nhiệm giáo phận chỉ được 5 tháng, kể từ ngày Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đi nghỉ hưu ở Xuân Đài, Bùi Chu ngày 28-12-1943.
Ngày 28-5-1944, Đức Cha Phan Đình Phùng qua đời đột ngột tại Dòng Châu Sơn, sau khi chủ sự lễ khấn dòng cho các tu sĩ.
Đứng về phương diện trần gian, Đức Cha Phan Đình Phùng chưa kịp làm được những công trình lớn lao cho giáo phận. Nhưng với con mắt đức tin, chúng ta tin vào chương trình quan phòng của Thiên Chúa. Trong thời điểm ấy, Chúa muốn gửi đến cho Giáo phận Phát Diệm một vị chủ chăn hết sức đạo đức, sống âm thầm tin yêu, để cầu nguyện cho con cái, cho giáo phận theo đúng khẩu hiệu đời giám mục của ngài là «Lậy Chúa, con yêu mến Chúa».
(Nơi an nghỉ của Đức cố Giám mục Gioan trên gian cung thánh nhà thờ chính tòa Phát Diệm)
Lịch sử là bài học Chúa dậy cho nhân loại qua dòng thời gian thường nhật. Chúa cầm cương mọi biến chuyển của dòng đời nhân loại. Chúa nhìn cả hiện tại, cả tương lai. Do đó Chúa trông thấy trước những ngày tháng loạn ly, những xao động của thời cuộc chinh chiến sắp tới. Chúa đã rút ngắn con đường thời gian của vị giám mục thánh thiện, hiền hoà và kêu gọi một vị chủ chăn khác cho Giáo phận Phát Diệm, một vị chủ chăn đầy dũng khí để cầm lái con thuyền giáo phận trong cơn sóng gió sắp ập đến.
Lược trích từ:
Lịch Sử Giáo Phận Phát Diệm, Vinh sơn Trần Ngọc Thụ, Roma 2001.