Tiếp theo bài cảm nhận của một Tân tòng về Mùa Chay, BBT xin giới thiệu quí độc giả phần tiếp theo về Lễ Phục Sinh.
Khi xưa Nàng cứ nghĩ Giáng sinh là lễ quan trọng nhất của người Công giáo. Bởi thấy ngay từ tháng 11 nhiều trung tâm mua sắm đã bày bán hàng quà Giáng sinh với nhiều hình thức bắt mắt, từ cây thông, Ông già Noel đến hàng chữ MERRY CHRISTMAS – Mừng Chúa giáng sinh. Ở các xứ đạo và khuôn viên nhà thờ càng thấy rõ và phong phú, lòng người, nhà nhà kết đèn hoa, làm hang đá giả cùng với những bản nhạc du dương trầm bổng. Dẫu không phải là Kitô hữu, người ngoại đạo cũng rất ưa thích những bản thánh ca lâu nay như Con quỳ lạy Chúa, Dư âm mùa Noel, Tình người ngoại đạo, Tà áo đêm Noel, Bóng nhỏ giáo đường, Bài Thánh ca buồn, Hai mùa Noel, Đêm đông….Nàng còn nhận ra một nét đẹp của giáo dân trong những ngày lễ trọng này là khi rước lễ,dù đông hàng ngàn, thậm chí hàng vạn người nhưng không ai chen lấn xô đẩy, trật tự xếp hàng lên với tâm trạng nghiêm cẩn, cung kính và lòng thành để đón Chúa vào lòng…
Trong đêm 24 rạng sáng ngày 25 tháng 12 Người Công giáo cũng như người không Công giáo, đan tay nhau với những bộ quần áo đẹp nhất tiến về Thánh Đường. Giáng sinh đã làm cho mọi người gần nhau hơn.
Qua Mùa Chay Nàng mới biết lễ PHỤC SINH là ngày lễ lớn nhất đối với người Công giáo cũng như mọi Ki tô hữu. Nhìn bên ngoài ngày lễ này không tưng bừng nhộn nhịp như lễ Giáng sinh.
Bởi nếu Đức Kitô không sống lại loài người sẽ không được cứu rỗi như lời Thánh kinh đã viết: Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy thì lời của chúng tôi trống rỗng và đức tin của anh em cũng trống rỗng. Nếu Đức Kitô không trỗi dậy thì lòng tin của anh em thật hão huyền và anh em hãy còn sống trong tội lỗi của anh em (1 Cn 15: 14-17). Niềm tin sâu sắc của Ki tô hữu là “Không có Phục sinh thì không có Kitô giáo” (GLHTCG 639). Nói cách khác Phục sinh là lễ trọng trên tất cả lễ trọng khác, vì là ngày Chúa chiến thắng sự chết.
Gia đình tác giả Phạm Hải Triều (đứng giữa), quê giáo xứ Đồng Chưa, giáo phận Phát Diệm; ảnh chụp tại giáo xứ Phùng Khoang-Hà Nội.
Sau những tháng ngày âm u, ẩm thấp, bầu trời lúc nào cũng như sà xuống mặt đất. Đến lễ Phục sinh ta thấy bầu trời cao xanh, nắng ấm chan hòa, khuôn mặt của mỗi Kito hữu hân hoan, nhiều bữa tiệc được mở ra mà chủ yếu là các loại bánh ngọt giàu chất bò sữa. Ở Việt Nam sau những ngày ăn chay, kiêng thịt, vào lễ Phục sinh nhà nào cũng mổ gà, lợn hoặc mua thịt bò, dê về chế biến, con cháu quây quần mừng Chúa sống lại.
Được học và giảng dạy môn Sinh- Địa, Nàng càng thấy tạo hóa thật tuyệt vời, to như con voi - bé như con kiến đều rất hoàn hảo. Với con người Thiên Chúa đã tạo dựng một cách càng hoàn hảo, đến nỗi một cái ruột thừa nếu không đau cũng chẳng thừa chút nào. Và Thiên Chúa cũng mong mỏi, yêu cầu con người cái đầu là để nghĩ những điều tốt lành, nhân đức. Đôi tay để làm những điều thiện và đôi chân để đi rao giảng tin mừng và tìm đến những nơi bệnh tật giúp đỡ, an ủi họ. Bởi trong Mười điều răn của Thiên Chúa chỉ có ba điều dành cho Chúa, còn bảy điều dành cho loài người. Đó là không được trộm cắp, gian tham, căm thù, giết người, giết thai nhi, ly dị, gian dâm, thay vợ đổi chồng, ham mê của cải vật chất, làm chứng gian, bóc lột người khác.
Dâm ô thác loạn và dửng dưng trước sự nghèo đói, đau khổ của anh chị em đồng loại là có tội với Thiên Chúa. Chúa đã phục sinh mang tới một hi vọng cho nhân loại - Trời mới và đất mới mở ra….
Nàng cũng thấy màu tím khuôn viên nhà thờ đã được thay bằng màu đỏ vui mừng và màu xanh hi vọng. Hoa hồng đủ các sắc màu được cắm và sắp đặt rất nghệ thuật. Các bài kinh và những ca khúc ngập tràn, hài hòa như khuôn mặt rạng rỡ của các giáo dân.
Hôm nay, Nàng và Chàng trong bộ trang phục đẹp, giản dị ở tuổi trên dưới bảy mươi, nắm tay nhau đến nhà thờ trong niềm hân hoan.
ALLELUIA. ALLELUIA !
ALLELUIA!
Trích Hồi ức "Bãi Biển Nương Dâu" của tác giả Hải Triều.