TIA SÁNG CUỐI CÙNG TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC CHA LAMBERT
(Kỷ niệm 345 năm ngày mất, tưởng nhớ Đấng sáng lập Dòng Mến Thánh Giá)
Hồi nhỏ, tôi đã từng được ông nội cho xem hai tấm hình mô phỏng lại cảnh chết dữ và chết lành. Bức đầu tiên mô tả người hấp hối vừa ngoảnh mặt làm ngơ trước sự hiện diện của vị linh mục, lại vừa như quyến luyến lạc thú trần gian mà quỷ dữ phô bày lôi kéo. Hai quỷ dữ khác quanh quẩn lôi kéo người sắp lìa đời xuống Hỏa ngục, nơi quỷ vương Lucifer đang chực chờ. Trong khi đó, người thân và vị thiên thần bản mệnh che mặt khóc lóc bên người nguy tử trước cái chết cận kề của người thân yêu mất ơn nghĩa Chúa.
Tranh minh họa chết dữ (tội nhân không hối cải) và chết lành (người công chính).
Còn hình thứ hai, miêu tả cảnh chết lành thì trái ngược: người hấp hối với vẻ mặt hân hoan tay cầm Thánh giá, sốt sắng đón nhận những bí tích cần kíp sau cùng cho được rỗi linh hồn. Những người thân ở bên giường bệnh như có ý đang hiệp thông cầu nguyện cho người hấp hối được ơn chết lành. Quan trọng và linh thánh hơn đó là hình ảnh thiên thần cận kề bên bệnh nhân, một tay chạm vào bệnh nhân như động viên an ủi, tay kia chỉ lên trời như muốn nói đến niềm tin tưởng chắc chắn sẽ được vinh hiển trước nhan Ba Ngôi Thiên Chúa. Xa xa một thiên thần khác một tay cầm gươm, tay kia chỉ thẳng mặt tên quỷ đuổi nó cút xéo khỏi nơi đó.
Đến khi nhập dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, được học về tiểu sử Đấng Sáng lập, tôi lại được chiêm ngắm bức hình Đức cha Lambert trên giường bệnh. Ký ức tuổi thơ về hình ảnh chết lành càng làm tôi thêm ấn tượng. Bức hình họa lại Đức cha Lambert với khuôn mặt hơi gầy như hao mòn vì sứ vụ, duy đôi mắt vẫn rực sáng hướng về trời cao. Đôi tay ngài ôm chặt cây Thánh giá-biểu tượng Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí ngài. Bên ngài có hai vị linh mục, một vị đang cầm cuốn sách để đọc cho ngài nghe như bồi dưỡng thêm cho hành trình về quê trời. Một trong hai vị đó là Đức cha Lanneau, người cận kề bên Đức cha Lambert và đã thuật lại khá chi tiết trong những tháng ngày cuối đời của ngài. Dưới nền đen của bóng đêm dày đặc bừng lên ánh sáng của ngọn nến tỏa rạng soi tỏ khuôn mặt thần bí của Đức cha Lambert. Như vậy, bức hình mô phỏng phần nào hình ảnh Đức cha Lambert-vị thừa sai vĩ đại- trước giờ an nghỉ lành thánh.
Trong những tháng ngày cuối cùng trên dương thế, Đức cha Lambert chia sẻ với Đức cha Laneau rằng: “Chúa đã cất đi mọi an ủi nội tâm và chỉ để lại một tia sáng le lói ngăn cản ngài tuyệt vọng” [1].
Tia sáng ấy là gì mà lại có sức mạnh kỳ diệu đến thế? Phải chăng đó là tia sáng của đức tin, của niềm hy vọng vào Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh đã Phục Sinh? Phải chăng tia sáng ấy là sự ủi an cho môn đệ đã dành tình yêu phi thường cho Thầy Chí Thánh của mình?
Cuộc đời Đức cha Lambert là mẫu gương về đức tin và hy vọng cho người Kitô hữu, đặc biệt cho mỗi nữ tu Mến Thánh Giá. Với niềm xác tín mạnh mẽ vào Chúa Kitô, ngài không hề lùi bước trước những hiểm nguy, gian khó mà ngài đã gặp phải trong hành trình truyền giáo. Mặc cho những mũi tên nhắm vào ngài có khi do thời thế, có khi lại đến từ chính những người anh em song hành, ngài vẫn can đảm tiến bước và phó thác cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Trong đêm tối kinh hoàng nội tâm mà ngài đã trải qua trên giường bệnh, “mặc dầu tất cả các giác quan bị xáo trộn và khốn khổ, ngài vẫn bình an trong sâu thẳm của tâm hồn, phần xác bị dằn vặt nhưng phần hồn vẫn bình an”[2]. Như thánh Phaolô, ngài cảm thấy được hoàn tất trong thân xác ngài những đau khổ của Đức Kitô cho thân thể Người là Hội Thánh (Cl1,24). Sự kết hợp thần bí giữa ngài với Đức Kitô Chịu Đóng Đinh làm nảy sinh sức mạnh phi thường để ngài thông phần đau khổ với Thầy Chí Thánh. Ngài đón nhận tất cả để dâng lên Chúa hầu cứu vớt các linh hồn. Như thánh nữ Têrêsa Avila, thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu hay nhiều vị thánh khác, ngài trải qua cơn sầu khổ thiêng liêng trong những ngày cuối đời như chìm trong lò luyện cuối cùng của Thiên Chúa. Thiên Chúa không thử thách con người, khó khăn có chăng chỉ là cách huấn luyện của Thiên Chúa. Đức cha Lambert hẳn đã xác tín và sống như lời ngôn sứ Isaia nói: “Ai đi trong bóng tối, không một tia sáng nào chiếu rọi, hãy tin tưởng vào danh Đức Chúa và tìm nương tựa nơi Thiên Chúa mình thờ” (Is 50, 10).
Kết thúc cuộc đời đầy vinh hạnh và chiến đấu, Đức cha Lambert đã chết trong tình trạng khổ nhục về thể lý và tinh thần, còn tệ hơn những gì mà ngài đã tự tạo cho mình trong chuyến hành hương khổ nhục đến Rennes (năm 1655). Ngài đã đón nhận tất cả để minh chứng một tình yêu phi thường dành cho Thiên Chúa, vì đối với ngài yêu mến Chúa Giêsu trong cơn tăm tối là một bí mật tuyệt vời[3]. Ngài từng chia sẻ rằng: “Khi hoàn toàn tuân theo ý Chúa, còn cái chết nào đáng được ca tụng hơn và thầm kín hơn bằng bị ám sát, bằng bị chết đói, chết trong cùng cực, bệnh hoạn hay do bị đầu độc vì Thiên Chúa. Những cái chết đó thật diệu kỳ và đầy hồng ân, bởi vì những cái chết đó đều cao quý trước mặt Thiên Chúa và bị che khuất trước mắt người đời…Ôi lạy Chúa, con thấy sự tôn phong ấy thật đẹp đẽ biết bao!”[4]. Ánh sáng le lói mà ngài thấy trong đêm tối nội tâm kinh hoàng chính là niềm tin, niềm hy vọng ngài đặt trọn nơi Thiên Chúa. Ánh sáng ấy đã dẫn ngài tới cội nguồn ánh sáng là chính Chúa-suối nguồn bình an và hạnh phúc.
Một chút tâm tình tưởng nhớ về những ngày cuối đời của Đức Cha Lambert trong dịp kỷ niệm (15.6) ngày ngài được về cùng Thiên Chúa là dịp để tôi tự vấn về cùng đích đời mình. Trong ơn gọi của người nữ tu Mến Thánh Giá, làm sao tôi có thể giữ ngọn đèn đức tin cháy sáng, vững bước theo linh đạo của Đấng Sáng Lập dù nhiều khi phải đi trong đêm tối với muôn vàn khó khăn thử thách? Và làm sao tôi có thể đem tia sáng cuối cùng của Đấng Sáng Lập đến chiếu soi cho những tâm hồn đang rơi vào cảnh bế tắc, tuyệt vọng, mất phương hướng để họ có thể bình an đối diện với thập giá cuộc đời?
Thiết nghĩ, nếu cuộc đời tôi luôn hướng tới cùng đích đời mình là chính Chúa, nếu tôi luôn lựa chọn Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí mình, hẳn tôi sẽ hân hoan tiến bước trong niềm hy vọng và đạt tới bình an đích thực.
Hạt cát trong sa mạc
****************************
[1] Thư của Đức Cha Lanneau gửi các Giám đốc Chủng viện, Siam, 02.11.1679. AMEP, c.860, tr.25.
[2]nt
[3]Đào Quang Toản, Bài Viết Của Đức Cha Lambert-Tác động của tình yêu tinh tuyền, LHNB, Tp.HCM, 2012, tr38-39.
[4]Francoise Fauconnet-Buzelin. Đức cha Pierre Lambert De La Motte. Chuyển ngữ Cao Kỳ Hương (Hà Nội: Tôn Giáo, 2023), tr.367. (AMEP, T.121,tr. 649)