“Tin Mừng vẫn là một, Chúa Kitô vẫn là một, nhưng cần một nhiệt huyết mới, một phương pháp mới, và diễn tả mới”. Gợi lại những lời trên đây của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Cha Đa-minh Nguyễn Văn Mạnh, Giám mục Giáo phận Đà Lạt, đã trình bày chủ đề “Tân Phúc Âm hóa chính con người linh mục” để giảng phòng cho Linh mục đoàn Giáo phận Phát Diệm trong Tuần tĩnh tâm thường niên 06-11/12/2021.
Theo Đức Cha Đa-minh, mục đích của tuần tĩnh tâm là nhằm khơi thắm lại hồng ân chức thánh linh mục mà quý cha đã lãnh nhận và giúp quý cha trở nên một con người mới, để thấm nhiễm và lan tỏa Tin Mừng, khiến người thời nay có thể hiểu và đón nhận Tin Mừng. Do vậy, Đức Cha đã khai triển chủ đề giảng phòng một cách phong phú và sâu rộng qua 10 đề tài: 1) Đổi mới tư duy về chức thánh linh mục; 2) Đổi mới tổ chức; 3) Đổi mới sứ mạng; 4) Đổi mới công tác; 5) Đổi mới giáo huấn; 6) Đổi mới phụng tự; 7) Đổi mới lãnh đạo; 8) Đổi mới nhiệm sở; 9) Đổi mới đời sống; 10) Đổi mới thần tượng.
Trước hết, Ngài giải thích sự khác biệt giữa chức tư tế cộng đồng và chức tư tế thừa tác do việc đặt tay. Cần phải tránh các thái cực để có ý thức đúng về ơn gọi và chân tính riêng của mỗi người. Nếu cào bằng tất cả thì đâu là sự khác biệt của bí tích truyền chức so với bí tích rửa tội mà mọi kitô hữu đã lãnh nhận? Trái lại, bí tích truyền chức đã “đóng dấu ấn mới, đã làm ra con người mới, có chân tính mới, phẩm giá mới, có chức năng mới đến nỗi có thể nói mọi đầu gối phải quỳ xuống, vì từ nay con người này có quyền của Thiên Chúa và của Đức Kitô, có thể tha tội và dâng lễ cứu độ, giao hòa con người với Thiên Chúa”. Do vậy, các linh mục được mời gọi đổi mới tư duy về căn tính linh mục của mình, để thực thi sứ mạng Chúa đã trao ban cách xứng hợp và trọn hảo.
Về việc đổi mới tổ chức và sứ mạng, mỗi linh mục cần ý thức các mối tương quan của mình trong khi thi hành sứ vụ. Linh mục có mối tương quan tùy thuộc, liên đới, cộng sự và vâng phục Đức Giám Mục của mình; đồng thời, linh mục cần ý thức và xây dựng tương quan giữa các linh mục với nhau, đó là tình huynh đệ linh mục do bí tích. Trong khi thi hành sứ mạng của mình, linh mục không tìm “ngồi chỗ ngon”, nhưng điều cốt yếu là phải có thái độ và tư thế của người mục tử là luôn sẵn sàng phục vụ con người. Do vậy, trong tương quan với giáo dân, linh mục cần hiểu và tôn trọng người giáo dân và cần ghi nhớ rằng trước mặc Thiên Chúa, mọi người có phẩm giá bình đẳng. Ngài trích dẫn và nhấn mạnh lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng: “Chức tư tế thừa tác là phương tiện Chúa Giêsu dùng để phục vụ dân Ngài, nhưng phẩm giá cao cả của chúng ta bắt nguồn từ phép rửa tội mà mọi người có thể lãnh nhận. Việc đồng hoá người linh mục với Đức Kitô là đầu -nghĩa là nguồn mạch chính của ân sủng - không có nghĩa là đặt người linh mục lên trên những người khác” (Niềm Vui của Tin Mừng, số 104).
Về việc dâng lễ, linh mục cần phải có lòng nhiệt thành với Thánh lễ và Thánh Thể. Cần phải tập chú vào việc mình cử hành và phải xác tín việc cử hành Thánh lễ là gốc rễ, là trọng tâm, là đỉnh cao của chức vụ linh mục. Do vậy, linh mục cần luôn có sự chuẩn bị chu đáo, nhất là chuẩn bị tâm hồn, cho việc cử hành Thánh lễ. Bên cạnh đó, linh mục cần ý thức sứ mạng ngôn sứ của mình. Linh mục là người môn đệ được sai đi rao giảng. Do vậy, linh mục cần dành nhiều thời gian và tâm huyết cho việc soạn giảng. Cần phải hết sức chú ý đến tầm quan trọng của bài giảng lễ, để “không phô trương kiến thức riêng, không dùng hoa ngữ và luận lý khôn ngoan đời này, nhưng khiêm tốn như người đã có đôi tai môn đệ, thân mật như bạn đồng liêu trao đổi với nhau về giáo huấn của Thầy mình”. Điều này quí cha tham dự cũng cảm nhận được nơi phong cách giản dị mà hóm hỉnh của Đức Cha giảng phòng.
Về việc đổi mới lãnh đạo, linh mục cần luôn ghi nhớ “lãnh đạo là phục vụ”. Mẫu gương phục vụ là chính Đức Giêsu, Đấng đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người (x. Mc 10,45). Hai phương thế quan trọng mà các linh mục cần làm để thực hiện các cuộc cải cách trong giáo xứ của mình, đó là phụng vụ và đời sống đạo đức. Linh mục thực thi quyền lãnh đạo thiêng liêng của mình bằng cách cử hành phụng vụ hết sức sốt sắng, để qua những cử hành của mình, giáo dân cảm nghiệm được “cảnh vực thần linh”. Bên cạnh đó, đời sống đạo đức góp phần quyết định vai trò lãnh đạo và phục vụ của linh mục. Linh mục được mời gọi bắt chước gương cha thánh Gioan Maria Vianney: “Người đã khóc lóc cầu nguyện, ăn chay hãm mình cho con chiên…”. Linh mục cần có cái nhìn rộng mở, nghĩa là phải ý thức mình có một “nhiệm vụ quốc tế”, phải có tâm hồn tông đồ cho cả thế giới và cho tất cả loài người. Phỏng theo cách nói của cha Yves Congar, linh mục cần luôn tâm niệm: “thế giới mênh mông là giáo xứ của tôi” và dù mình là cha sở của một giáo xứ nhỏ thì “giáo xứ của tôi là cả một thế giới mênh mông”.
Sau cùng, linh mục cần đổi mới thần tượng, nghĩa là linh mục đi theo Đức Kitô, Thần Tượng duy nhất và đích đích thực. Linh mục hãy luôn đưa mắt đăm đăm nhìn lên Đức Kitô để bắt chước Ngài và kết hiệp với Ngài, hầu tuy còn sống trong thân xác, nhưng linh mục không còn sống nữa mà là chính Chúa Kitô sống trong linh mục. Đây cũng là điều quan trọng nhất mà Đức Cha Đa-minh cầu chúc cho quý cha khi kết thúc tuần tĩnh tâm là phải chiêm ngưỡng Đức Giêsu Kitô, vị Thượng Tế muôn đời “để luôn thấy Người hằng sống và đang chỉ dẫn cho chúng ta những con đường mới mẻ để thi hành chức năng linh mục phù hợp với hoàn cảnh hiện nay”. Trong thánh lễ kết thúc tuần tĩnh tâm, sáng thứ Bảy, 11.12.2021, Đức Tổng Giám mục Giuse cũng nhắc lại tư tưởng này và Ngài mời gọi các linh mục hãy luôn đăm đăm nhìn lên Chúa Kitô không chỉ ở trong nhà nguyện mà mọi nơi mọi lúc để có thể đạt tới đúng mục đích cuộc đời.
Quả thật, các đề tài giảng phòng của Đức Cha Đaminh rất phù hợp với bối cảnh Giáo phận trong lộ trình thực hiện Dự án mục vụ 10 năm và trong lúc Giáo phận hòa cùng với Hội Thánh hoàn vũ thực hiện một cuộc canh tân để hướng tới một lối sống hiệp hành trong Hội Thánh, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội Thánh của thiên niên kỷ thứ ba” (x. Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục, số 1).
Kết thúc tuần tĩnh tâm, quý cha ra về với con người đã được đổi mới, đã được khơi thắm lại hồng ân linh mục, và nhất là với “nhiệt huyết mới, một phương pháp mới, và diễn tả mới”, quý cha sẽ lên đường thực thi sứ mạng của mình và đem lại nhiều hoa trái cho Chúa và Hội Thánh.