CHẦU THÁNH THỂ
NĂM 2025
Sống Năm Cầu Nguyện
để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025
******
Năm Cầu Nguyện chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 mang đến một cơ hội quý giá để chuẩn bị và đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa đích thực của Thánh Thể. Ðể cảm nghiệm đầy đủ mầu nhiệm lớn lao này, cần phải có ý hướng và thái độ thích hợp trong tâm trí mỗi khi chúng ta đến với Bí tích Thánh Thể. Những quyết định lớn nhỏ hằng ngày giúp các tín hữu nhận thức rõ hơn về điều được cử hành trong Thánh lễ, và do đó, sự ý thức và sự tham dự tốt hơn vào bàn tiệc Thánh Thể sẽ giúp họ lớn lên bằng cách làm cho họ ngày càng trở nên chứng nhân chân thực và đáng tin cậy hơn, trở nên "muối đất và ánh sáng thế gian" (Mt 5:13-16) cách hữu hiệu hơn.
Trong Năm Cầu Nguyện này, mọi cộng đoàn được mời gọi dành thời gian Chầu Thánh Thể, một yếu tố không thể thiếu để gặp gỡ Chúa. Mỗi cộng đoàn nên tìm ra những cách thức và thời gian phù hợp nhất để phát triển thực hành này, vốn mang lại rất nhiều hoa trái thánh thiện cho Giáo hội.
Đây là một bố cục Chầu Thánh Thể truyền thống có thể hữu ích trong việc thúc đẩy các tín hữu cầu nguyện và nhận ra sự hiện diện của Chúa, Ðấng đang chờ đợi chúng ta quay về với Người:
* Ðặt Mình Thánh Chúa: trong khi chờ đợi Chúa được đặt trên bàn thờ, sẽ rất tốt việc chúng ta tĩnh lặng hồi tâm, ý thức rằng mình sắp hiện diện trước mặt Chúa, sẵn sàng lắng nghe trong cầu nguyện những gì Chúa muốn nói với mình, và sẵn sàng đặt những lời cầu xin của mình dưới chân Chúa. Ðể thúc đẩy bầu khí cầu nguyện, việc đặt Mình Thánh Chúa có thể đi kèm với ca hát và xông hương, tất cả những yếu tố ấy giúp nhận ra tính đặc biệt của khoảnh khắc này, và nhận ra thần tính của Chúa hiện diện trong hình Bánh.
* Xin ơn tha thứ: khi đã đặt Mình Thánh Chúa xong, để chuẩn bị tâm hồn cách tốt nhất, bạn có thể dành một thời gian ngắn để cầu xin sự tha thứ cho tội lỗi của mình. Chúa biết các vết thương, các khuyết điểm, và tội lỗi của chúng ta: không ai có thể tự hào về bất cứ điều gì trước mặt Chúa, điều được yêu cầu nơi chúng ta là đặt mọi sự trước mặt Chúa, xác tín rằng lòng thương xót hải hà của Chúa có thể ôm lấy toàn bộ con người chúng ta.
* Cầu xin Chúa Thánh Thần: theo lời dạy của thánh Phaolô, khi chầu Thánh Thể, chúng ta cũng hãy cầu xin "Thần Khí của Thiên Chúa để biết những gì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta" (1Cr 2,12). Chỉ với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần trong chúng ta, ta mới có thể nhận ra sự hiện diện thực sự của Chúa trong hình Bánh. Vì vậy, thật tốt việc chuẩn bị tâm hồn chúng ta để gặp Chúa bằng cách kêu cầu Ðấng Bảo Trợ, có thể bằng bài hát, xin Ngài soi sáng tâm trí chúng ta bằng ân ban đức tin.
* Thinh lặng tôn thờ: khoảnh khắc trung tâm của việc Chầu Thánh Thể phải là thời gian đặc biệt dành cho việc thinh lặng cầu nguyện, cho cuộc đối thoại đặc biệt với Chúa Giêsu, trong đó trái tim Thiên Chúa nói với trái tim con người - cor ad cor loquitur - như thánh John Henry Newman dạy chúng ta. Lúc này, chúng ta có thể dâng lên Chúa những ý nguyện đặc biệt mà buổi Chầu Thánh Thể này hướng tới: chẳng hạn, cầu cho ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến, cầu cho các bệnh nhân, cho các gia đình.
Sự thinh lặng này có thể được xen kẽ với những bài thánh ca ngắn - thậm chí một kinh cầu - hoặc một vài bài đọc ngắn, lấy từ Kinh Thánh hoặc từ lời dạy của các thánh; cũng vậy, có thể rất hữu ích việc đọc Kinh Mân Côi trước Thánh Thể, ý thức rằng chúng ta đang cầu khẩn với Mẹ là đấng đã đón nhận lời Chúa trước tiên - để Thiên Chúa nhập thể đem lại Ơn Cứu Chuộc - và Mẹ đang hiện diện với chúng ta, tôn thờ Con của Mẹ trong hình Bánh.
* Phép lành Thánh Thể: buổi cử hành kết thúc bằng việc ban phép lành Thánh Thể cho các tín hữu. Phép lành này, mặc dù luôn giữ tính cách bí tích, nhưng độc đáo so với tất cả các loại chúc lành khác (chẳng hạn việc chúc lành với nước thánh, với thánh tích các thánh, qua lời chuyển cầu của Ðức Trinh Nữ Maria, v.v...), bởi vì trong phép lành này Chúa hiện diện với Thân Mình Người một cách đích thực, thật sự và theo bản thể. Với phép lành Thánh Thể, Chúa đến với chúng ta cách rất đặc biệt, ôm lấy mọi người hiện diện và kéo mọi người đến với Người. Giây phút này có thể được coi là đỉnh cao của nghi thức tôn thờ, đỉnh cao của cuộc đối thoại vốn diễn ra thầm lặng trước Chúa Giêsu và giờ đây, như mặt trời chiếu sáng, truyền hơi ấm của Người vào tâm hồn chúng ta.
* Cất Mình Thánh Chúa vào Nhà Tạm: được làm phong phú nhờ ân ban nhận lãnh qua phép lành, giờ đây chúng ta đồng hành với việc cung kính cất Mình Thánh Chúa vào nhà tạm, chúng ta đứng lên và nếu có thể thì hát một bài thích hợp để chào Chúa. Tất cả những điều này sẽ giúp chúng ta nhớ rằng Chúa Giêsu Thánh Thể luôn chờ đợi chúng ta trong nhà tạm: Người thường xuyên hiện diện trong các nhà thờ của chúng ta, và ngay cả khi không có ai đến cầu nguyện với Người, thì Người vẫn ở đó, náo nức muốn ngỏ lời với tâm hồn của các tín hữu đến với Người. Ngay cả trong những ngày bận rộn và đôi khi mất tập trung, chúng ta hãy nhớ đến viếng Thánh Thể, dành ra dù chỉ vài phút để ca ngợi, tạ ơn hoặc phó thác những thiếu thốn và đau khổ của mình. Chúa là Ðấng chắc chắn "biết những gì bạn cần trước khi bạn cầu xin" (Mt 6,8), Người sẽ không chậm trễ lắng nghe chúng ta. (Trích "Xin dạy chúng con cầu nguyện" - Tài liệu sống Năm Cầu Nguyện để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025. Linh mục Giuse Lê Công Ðức, PSS. chuyển ngữ tiếng Việt).
KHỞI ĐẦU SỨ VỤ TRONG THÁNH THẦN
Tháng 01/2025
Lưu ý: Được sự hướng dẫn của Đức Cha Phêrô, giám mục giáo phận, Ban loan báo Tin Mừng giáo phận chúng con soạn 1 giờ chầu Thánh Thể. Mỗi tháng sẽ có 1 đề tài khác nhau theo sự hướng dẫn của UBLBTM trực thuộc HĐGM Việt Nam. Các Ban chúng con sẽ gửi lên trang của giáo phận Phát Diệm và nhóm zalo của linh mục đoàn giáo phận để quý cha và quý cộng đoàn dễ dàng cập nhật. Các giáo xứ và các cộng đoàn dùng giờ chầu này để hướng dẫn cộng đoàn trong các giờ chầu.
DIỄN TIẾN KHAI MẠC GIỜCHẦU
- Dấu thánh giá, các kinh ngày thường (Tuỳ thói quen và hoàn cảnh mỗi nơi)
- Hát kinh xin ơn Chúa Thánh Thần (Cộng đoàn đứng. Hát gần cuối thì chủ sự tiến ra bàn thờ cùng với hai thừa tác viên giúp chầu. Khi chủ sự tiến lên mở của Nhà Tạm thì cộng đoàn quì).
- Khi chủ sự đặt Mình Thánh Chúa (Cộng đoàn quì và hát 1 bài về Thánh Thể. Khi xuống xông hương Thánh Thể, chủ sự lùi lại để bỏ hương, không đứng quay lưng lại Thánh Thể).
- Dẫn vào giờ chầu: Lạy Chúa Giê-su Thánh thể, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện nơi bí tích Thánh Thể tình yêu. Với niềm xác tín đó, chúng con đang hướng lòng lên Chúa, chúng con đặt niềm tin yêu nơi Chúa, chúng con ước ao được chiêm ngắm Chúa, được đón nhận sức mạnh từ nơi Chúa, nhờ có sức mạnh của Chúa chúng con tìm được bình an, niềm vui để sẵn sàng loan báo niềm vui Tin Mừng của Chúa giữa mỗi trường xã hội và hoàn cảnh sống của mỗi người chúng con. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần để Ngài hướng dẫn chúng con giúp chúng con tìm được ý Chúa, phân định lẽ khôn ngoan, điều phải trái, những gì là ý Chúa muốn, những gì không phải ý Chúa mà chỉ là ý riêng mình? Và những chọn lựa giữa xã hội vàng thau lẫn lộn để chúng con biết gạn đục khơi trong tìm ra chân lý mà can đảm sống theo sự thật và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa trong thời đại hôm nay. Lạy Chúa xin mở lòng trí, mở tai chúng con để chúng con biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa mời gọi.
- Cộng đoàn hát 1 câu riêng và một câu điệp khúc bài: “LẮNG NGHE LỜI CHÚA” Tg. Linh mục Nguyễn Duy) – Cộng đoàn ngồi
- Mời cộng đoàn đứng lắng nghe Lời Chúa:
Bấy giờ, Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ.2 Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói.3 Bấy giờ, tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!”4 Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”
5 Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ,6 rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”
7 Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy,9 và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.”10 Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
11 Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người. (Mt 4, 1-11).
7- Chúng ta xin ơn trong giờ chầu này: Xin cho con biết thi hành sứ vụ Chúa trao theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.
8- Suy niệm Lời Chúa
1. Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng trong Thánh Thần. Thánh Mát-thêu tường thuật “Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa.” (Mt 4, 1). Chúa Thánh Thần không chỉ hiện diện lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu nhưng Ngài hiện diện ngay từ khi khởi đầu công trình sáng tạo: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1, 1-2).
- Ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục đồng hành và hướng dẫn Hội Thánh trên con đường sứ vụ. “Chúa Kitô đã sai Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha đến để Ngài thực hiện công trình cứu chuộc trong các tâm hồn và thúc đẩy Giáo Hội phát triển thêm mãi” (Sắc Lệnh Ad Gentes, 4).
- Chúa Thánh Thần vẫn đồng hành và hướng dẫn từng người chúng ta và đổ vào lòng chúng ta một tinh thần truyền giáo mà chính Chúa Giêsu đã đón nhận. Ngài chuẩn bị một cách hữu hình cho hành động truyền giáo, cũng như không ngừng dùng những phương thế khác nhau để theo sát và hướng dẫn các hoạt động này (x. Sắc Lệnh Ad Gentes, 4).
Câu hỏi gợi ý suy tư: Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ của mình trong Chúa Thánh Thần. Tôi có khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng trong Chúa Thánh Thần không?
Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp
2. Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ bằng cầu nguyện và phân định. Nhiều người nghĩ rằng việc truyền giáo đầu tiên là làm điều gì (hoạt động) nhưng không phải như thế. Việc truyền giáo đầu tiên là cầu nguyện như thế nào. Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ của mình bằng một cuộc cầu nguyện và phân định dài ngày. Trong khi cầu nguyện Chúa Giêsu nhận ra các mưu chước của ma quỷ và Ngài đã chiến thắng. Những cám dỗ của ma quỷ rất tinh vi và hợp lý nhưng chứa đựng nọc độc hủy hoại sứ vụ là: khiến người môn đệ thi hành sứ vụ theo ý riêng chứ không theo ý Thiên Chúa, nghĩa là làm điều mình muốn chứ không làm điều Chúa muốn. Thật vậy, cầu nguyện và phân định là hai thực tại liên hệ sâu thẳm với nhau và không thể tách rời. Sự phân định chỉ có thể thực hiện trong cầu nguyện và chỉ trong cầu nguyện mới có sự phân định rõ ràng đâu là ý Chúa và đâu là ý của con người hay ý của sự dữ.
- Không phải chỉ có Chúa Giêsu mới khởi đầu sứ vụ của mình bằng cầu nguyện và phân định mà tất cả các môn đệ chân chính của Ngài đều như thế. Giáo hội, qua Sắc Lệnh Truyền giáo Ad Gentes, lưu ý chúng ta một điều rất quan trọng là: “nhà trưyền giáo phải là con người cầu nguyện; phải được nung đúc bằng tinh thần can đảm, yêu thương và tự chủ…; phải lấy tinh thần hy sinh mang trên mình cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để sự sống Chúa Giêsu tác động trong những người họ được sai đến; vì lòng nhiệt thành với các linh hồn, họ phải tự nguyện hy sinh mọi sự và tận hiến chính bản thân cho các linh hồn” (Sắc Lệnh Ad Gentes, 25).
- Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với chúng ta trong đời sống và giúp chúng ta cầu nguyện sao cho đẹp lòng Thiên Chúa. “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8, 26-27).
Câu hỏi gợi ý suy tư: Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ của mình bằng cầu nguyện và phân định. Tôi có khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng trong bằng cầu nguyện và phân định không? Tôi thường cầu nguyện điều gì với Chúa? Có bao giờ tôi cầu nguyện cho các nhà truyền giáo và công việc truyền giáo của Hội Thánh không?
Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp
3. Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ bằng cách làm theo ý Thiên Chúa
- Cám dỗ lớn nhất của người môn đệ truyền giáo là thi hành sứ mệnh theo ý riêng hơn theo ý Thiên Chúa. Thất bại lớn nhất của người môn đệ truyền giáo là, qua những việc mình làm, “danh tiếng” của mình được nhiều người biết đến nhưng Danh Đức Giêsu thì không được loan truyền. Nói cách khác, thất bại lớn nhất của người môn đệ truyền giáo là chỉ làm “sáng danh mình” chứ không làm sáng danh Chúa!
- Trong sứ vụ của Chúa Giêsu, Ngài đã cầu nguyện và nhận biết thánh ý của Thiên Chúa, thì ngay lập tức Ngài chọn lựa làm theo ý Thiên Chúa, cho dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Chính Ngài đã nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 3). Các cám dỗ ma quỷ đưa ra cho Chúa Giêsu cũng chính là các dỗ trong hành trình sứ vụ: 1) cám dỗ thỏa mãn vật chất: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi”; 2) cám dỗ thỏa mãn quyền lực và danh vọng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”; 3) cám dỗ thỏa mãn thói tham lam của cải thế gian: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.”
Câu hỏi gợi ý suy tư: Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ của mình bằng cách làm theo ý Thiên Chúa. Tôi khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng cách làm theo ý ai? Tôi thi hành sứ vụ theo sát hướng dẫn của Hội Thánh hay chỉ theo một cách qua loa? Tôi đang tìm cách để sứ vụ của tôi thi hành ngày càng bám sát giáo huấn của Hội Thánh hay tôi đang tìm lý do để sứ vụ ấy ngày càng xa lạ với những điều Hội Thánh dạy?
Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp
9- Cộng đoàn đọc kinh cầu nguyện cho sứ vụ loan báo Tin Mừng (Cộng đoàn quì):
Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng, Cha yêu thương sáng tạo và cứu độ muôn loài, Cha đã sai Con Một làm người ở giữa chúng con.
Người đã hy sinh chịu chết và phục sinh, để quy tụ tất cả nhân loại vào Nước Cha. Cha đã gửi Thánh Thần đến để xây dựng một cộng đồng nhân loại mới biết yêu thương và hiệp nhất theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Giờ đây, chúng con cảm tạ Cha vì hồng ân cứu độ Cha đã thương ban cho chúng con. Xin Cha thắp lên ngọn lửa tin yêu trong tâm hồn chúng con.
Xin Cha dạy chúng con biết chiêm ngắm và bước theo Đức Kitô trên con đường loan báo Tin Mừng cho muôn dân nước. Xin dạy chúng con luôn biết yêu thương và phục vụ, biết chia sẻ của cải tinh thần và vật chất cho người nghèo khổ, bất hạnh và biết góp phần vào việc mở mang Nước Cha.
Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria rất thánh Mân Côi, xin Cha làm cho chúng con trở nên những chứng nhân Tin Mừng, hôm nay và mãi mãi. Amen.
10- Cầu nguyện:
- Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúa khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng trong Chúa Thánh Thần. Còn chúng con hay chủ quan cậy dựa vào sức mình khi làm việc hay quyết định một điều gì đó, kể cả khi thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Vì vậy chúng con sẽ rất dễ kiêu căng, tự mãn khi thành công và chán nản thất vọng khi gặp khó khăn thử thách hay thất bại. Xin Chúa dạy chúng con biết khởi đầu mọi công việc bằng cách cầu xin ơn Chúa Thánh Thần để Ngài soi sáng cho chúng con biết việc phải làm và làm đẹp lòng Chúa.
- Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúa khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng cầu nguyện và phận định. Xin Chúa giúp chúng con biết xác tín vào sức mạnh của lời cầu nguyện để khi thực thi sứ vụ chúng con biết phân định đâu là ý Chúa, cái gì là ý riêng mình, từ đó chúng con biết chọn lựa điều đẹp ý Chúa để thực thi sứ vụ cho dù đôi khi chúng con phải chịu thử thách, gặp khó khăn, phải lội ngược dòng để cho ý Chúa được thực thi và loan báo giữa xã hội hôm nay.
- Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúa khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng cách làm theo ý Chúa. Chủ nghĩa cá nhân và cái tôi ngày hôm nay đang là một lối sống mà nhiều người đang áp dụng. Chính vì điều này đã dẫn tới chiến tranh, hận thù khắp nơi trên thế giới. Môi trường thiên nhiên ngày càng bị huỷ hoại gây ra thiên tai bệnh dịch khắp nơi. Những giá trị nền tảng tốt đẹp nơi các gia đình và xã hội đang dần bị đánh mất thay thế bằng chủ nghĩa thực dụng, nguy hiểm hơn là con người ngày càng xa cách và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống. Xin Chúa giúp chúng con là những môn đệ của Chúa biết khiêm nhường, nhẫn nại để thực thi thánh ý Chúa trong cuộc đời và sứ vụ của mỗi người chúng con.
- Hát kết thúc Chầu như thường lệ (Lưu ý: Chờ hát gần hết câu 1 của Kinh tạ ơn Thánh Thể thì chủ sự mới đúng lên bỏ hương. Khi bỏ hương chủ sự lùi lại để bỏ hương, không quay lưng lại Thánh Thể. Khi đọc lời nguyện cầu cho ĐTC và lời nguyện kết chầu, chủ sự ĐỨNG.
Ban LBTM giáo phận Phát Diệm