Chúa Nhật II Mùa Vọng (B)
Chủ đề :
Hoán cải : Niềm vui gặp Chúa !
Kính thưa quý cố ông bà và anh chị em,
Gặp gỡ là nhu cầu cuộc sống, vì nó làm cho con người nên giầu có và khôn ngoan. Người ta đã tạo ra muôn vàn nẻo đường, vô số cây cầu nhằm nối kết con người với nhau.
Văn hóa gặp gỡ, hiệp thông có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Hiệp thông là chính danh Ngài.
Liên đới, hiệp thông được xây dựng trên nền tảng “tình yêu và sự sống”. Do vậy, Phải lấy Chúa làm khuôn mẫu. Tất cả những gì đi ngược với tình hiệp thông của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, đều là sự méo mó, biến dạng của tình liên đới đích thực.
Soi cuộc đời chúng ta vào tấm gương hiệp thông Thiên Chúa mới thấy cần phải hoán cải, canh tân.
Chúa đang ở đó mời gọi chúng ta hiệp thông với Ngài. Bước khởi đầu và cũng là bước căn bản, đó là, hoán cải, canh tân. Con đường đầy ắp niềm vui, chan chứa hy vọng, đến với Chúa là được đắm chìm trong “tình yêu và sự sống”.
Hoán cải, canh tân là được nảy nở phong nhiêu, tỏa hương thơm dường như khóm huệ ngoài đồng, chính Chúa sẽ cho nở hoa công chính và triều đại thái bình sẽ vô cùng vô tận.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta thực hành liên lỉ cuộc hòa giải, canh tân, dọn lòng đón Chúa, trong niềm vui và hạnh phúc.
Bài đọc I, trích sách ngôn sứ Isaia, diễn tả niềm vui gặp Chúa. Những hình ảnh cho thấy năng động cuộc gặp gỡ ở cả hai phía : Thiên Chúa và con người đều chủ động hướng về nhau, đều cố gắng tạo ra một môi trường tích cực, giúp cuộc gặp gỡ đạt kết quả cao nhất.
Về phía Thiên Chúa, qua miệng ngôn sứ, Chúa nói lời hòa bình, ngọt ngào, dịu dàng, khích lệ, an ủi dân vững lòng trông cậy, xúc tiến hòa giải, canh tân, vì thời phục dịch đã mãn, tội lỗi đã được thứ tha, Chúa ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi (cf. Is 40, 1-2).
Chúa đến khởi xướng công cuộc hòa giải, canh tân theo một lộ trình đã được định hướng : “Mọi thung lũng hãy lấp cho đầy, mọi núi đồi hãy san cho phẳng, đường cong queo hãy nắn cho ngay” (Is 40, 4).
Thiên Chúa ở đó ra hiệu bằng muôn vạn nẻo đường, có khi, bằng sự an ủi vỗ về như một người mẹ, có khi nghiêm khắc, cương nghị như một người cha, cốt làm sao để dân nhận ra lỗi lầm đã phạm hòa giải canh tân, để được Người yêu thương tha thứ.
Về phía con người, chuyên chăm nghe lời giáo huấn, khiêm tốn mở lòng tiếp nhận, để Lời Chúa hoạt động, biến đổi tận căn, mới có thể đứng chỗi dậy đứng vững trước mặt Con Người.
Chúa là người mở đường, nhưng chấp nhận để con đường nhân đức, con đường thiêng liêng trong tâm hồn được khởi sự lại là công việc của mỗi chúng ta. Chúng ta có sẵn sàng cộng tác với Chúa để bạt đồi cao là tính tự phụ, kiêu căng, hiếu chiến ? Chúng ta đã sẵn sàng chưa, để lấp đầy tính tham lam, ích kỷ đang ngày càng khoét sâu vào tâm trí chúng ta ? Chúng ta đã sẵn sàng uốn cho ngay thẳng tâm trí vạy vò, dối trá đang làm giặc trong lòng chúng ta ? Có sẵn sàng thể hiện lòng trung thực “có thì nói có, không thì nói không” trong mọi hoàn cảnh cuộc sống ?
Phải lấy Gio-an Tiền Hô làm khuôn mẫu trong việc thực thi ý Chúa, mới được coi là người tích cực, năng động chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ nhiệm mầu giữa Chúa và chúng ta.
Phàm ai nghe tiếng, mở cửa, thì Người sẽ vào dùng bữa tối với họ và cho họ quyền làm con Thiên Chúa.
Trong bài Tin Mừng, Thánh Gio-an được tuyên bố là người có phúc, vì được chọn làm ngôn sứ, là người dọn đường, sửa lối cho thẳng để đón Chúa ngự đến. Dân chúng hiểu đây là việc thiêng liêng, dọn đường tâm hồn, cụ thể, sống tinh thần hoán cải canh tân : “Mọi người kéo đến với ông, thú tội và xin được chịu phép rửa trong dòng sông Gio-đan” (Mc 1, 5).
Gio-an nêu gương sáng về một đời tận tụy, hy sinh, chu toàn bổn phận như một đầy tớ chuyên chăm, không đòi công lương, luôn tâm niệm mình là đầy tớ mà thôi.
Ông tự thú : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không xứng đáng cởi giây giầy cho Người. Tôi rửa anh em bằng nước, còn Người, Người rửa anh em trong Thánh Thần” (Mc 1, 7 – 8).
Thưa anh chị em,
Lời rao giảng của Gio-an có đặc tính siêu thời gian, sẽ đạt thấu chúng ta, những người cũng đang khao khát muốn đón và gặp Chúa.
Chúng ta cũng hãy thành tín và chuyên chăm lắng nghe và dốc lòng hoán cải canh tân kíp thời, vì Chúa đã đến gần.
Thánh Phê-rô nhìn ngày Chúa thực hiện lời hứa như có vẻ chậm trễ, nhưng kỳ thực là do sự nhẫn nại, khoan gián, vì muốn mọi người sám hối canh tân để được cứu độ, mà hoán cải cuộc đời thì luôn cần phải có thời gian.
Phê-rô mời gọi chúng ta sống đạo đức, thánh thiện trong khi chờ đợi Chúa đến. Đó là cách tỉnh thức, sẵn sàng của Tin Mừng.
Giáo huấn Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hoán cải, canh tân khi vay mượn những hình ảnh rất đẹp : bạt đồi cao, lấp hố sâu, nắn cho thẳng con đường, để Chúa ngự qua. Những hình ảnh ấy gợi lên tình trạng tâm hồn chúng ta với tất cả con người thật : tham, sân, si (danh, lợi, thú).
Lối sống này không phù hợp với Chúa, nên phải hoán cải bằng hành động mạnh, nghĩa là, cố gắng loại trừ bằng mọi giá và phải tích cực canh tân bằng tinh thần quảng đại, yêu thương và bác ái.
Bởi vậy, hoán cải là chết đi cho con người cũ với những đam mê, lầm lạc, còn canh tân là mặc lấy con người mới, trong Chúa Kitô trong sự chính trực, công minh và lòng đạo đức thánh thiện ở đời này, trong khi dẫy tràn niềm hy vọng Chúa đến.
Chúng ta sẽ cùng muôn vàn nhân chứng đi đón Chúa trên các tầng mây và như vậy, sẽ được ở cùng Chúa luôn mãi.
Xin Chúa nâng đỡ và chúc lành cho chúng ta trong ngày chúa nhật hôm nay. Amen.