Chúa Nhật V Mùa Chay (B)
Chủ đề :
Giao Ước vĩnh cửu được ký kết trong thập giá Đức Kitô.
Kính thưa quý anh chị em,
Lịch sử cứu độ được dệt bằng những giao ước giữa Thiên Chúa và dân. Khi chứng kiến muôn vàn giao ước, người ta tự hỏi lý do tại sao lại nhiều như vậy ? Câu trả lời rút ra từ kinh nghiệm sống của dân :
Thiên Chúa trung thành trong lời hứa và thánh thiện giữ lời giao ước đến muôn đời. Về phía dân, bất nghĩa và bất tín trung, luôn vi phạm lời cam kết giao ước, nên phá hỏng giao ước đã thiết lập.
Lập lại giao ước mới là bằng chứng của lòng thương xót và hay tha thứ của Cha trên trời, không muốn con người phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống.
Đếm số lượng giao ước là cách tuyên xưng tình yêu thủy chung, vững bền Thiên Chúa “Tình yêu và sự sống” ban tặng, để thế gian được sống và sống dồi dào.
Không có giao ước nào mà không nhằm ban tặng và phong nhiêu sự sống.
Khởi đầu lịch sử cứu độ, Chúa giao ước với Abraham, khi ban cho ông đất làm phần gia nghiệp, ban con cháu đông như sao trời cát biển và nhất là được Chúa ở cùng, với điều kiện ông phải vâng giữ lời Chúa. Khi vâng phục thánh ý Chúa, Abraham được kể là người công chính, được hưởng mọi phúc lành.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày một giao ước chung cục, “giao ước mới” được thực hiện trong thập giá, kí kết bằng : “Máu giao ước vĩnh cửu”, để nhiều người được cứu độ.
Bài đọc I, trích sách ngôn sứ Gê-rê-mi-a, phác họa một viễn tượng về thời đại Đấng cứu thế, sẽ thực hiện một giao ước mới mẻ hoàn toàn, không giống như những giao ước cũ. Những giao ước cũ này luôn luôn bị vi phạm, bị hủy bỏ, vì cớ tội lỗi của dân.
Giao ước mới được thực hiện trong Chúa Giê-su, là Thiên Chúa thật và là người thật, giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Cái mới mẻ của giao ước Giê-su là sự vâng phục tuyệt đối thánh ý Cha : “vâng lời và vâng lời cho đến chết trên thập giá, vì thế Thiên Chúa siêu tôn Người, và ban danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu” (Phl 2, 4 – 8).
Đấng thực hiện giao ước mới sẽ khắc ghi luật Chúa vào lòng dạ, vào tâm khảm con người, sẽ đặt thần khí mới vào lòng họ, để thay thế con tim chai đá, nhờ đó họ mau mắn nhận biết Chúa, được Người tha thứ mọi tội lỗi của chúng.
Lời sấm của Giê-rê-mi-a ứng nghiệm trọn vẹn nơi Chúa Giê-su, vị Thiên Chúa/Người, được đặt làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người.
Bài Phúc Âm diễn tả cách thức Giê-su thực hiện giao ước : tự hiến trong vâng phục. Hy tế thập giá không còn là hình phạt, mà trở thành bàn thờ tôn vinh Thiên Chúa.
Sự tôn vinh nơi thập giá đảm bảo hai chiều kích :
- Giê-su tôn vinh Cha bằng sự vâng phục cho đến chết. Cái chết trong tư cách con người của Giê-su làm chứng : con người có thể yêu mến Chúa trên hết mọi sự và dám chết cho Thiên Chúa. Hành động tôn vinh, trong tình yêu vâng phục, là tuyệt đối đẹp lòng Cha hơn cả.
- Chúa Cha tôn vinh Giê-su bằng cách đón nhận lễ hy sinh, cho Ngài sống lại từ trong cõi chết, đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, đặt làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, để Giê-su ban ơn cứu độ cho cả thế gian. Đó chính là “Giờ tôn vinh” Giê-su tuyên bố trong Tin Mừng.
Giao ước thập giá trổi vượt trên tất cả, mới mẻ, trường cửu và ban chiến thắng “chung cục” : hận thù được hòa giải, tội lỗi được tẩy sạch, thủ lãnh thế gian bị xét sử, sự chết bị đập tan. Nhờ thập giá, mọi phúc lành thiêng liêng trên trời được ban tặng như suối nguồn tuôn đổ ngập lút thế gian.
Bài đọc II, trích thư gởi tín hữu Do Thái, nhấn mạnh chiều kích vâng phục và tự hạ của Đức Giê-su, là nền tảng của ơn cứu độ. Khi còn sống kiếp phàm nhân, Giê-su dãi dầu học cho biết vâng phục qua những đau khổ xẩy đến, đã đạt tới mức thập toàn và nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.
Vâng phục trong mọi sự, đạt mức thập toàn nhất thiết phải xảy ra nơi thập giá, vì chỉ trong thập giá, trong sự chết, mới chứng tỏ sự vâng phục đến cùng.
Nội dung của bài đọc II là lời tuyên xưng giao ước mới, vĩnh viễn và rộng khắp, ban ơn cứu độ cho cả thế gian. Tác giả đoạn thư Do Thái giúp củng cố đức tin vào biến cố thập giá, không phải hổ thẹn vì cớ Đấng chịu đóng đinh, nhưng hãy luôn tự hào, vì đó là sự khôn ngoan, là ân phúc cứu độ trần gian.
Thưa anh chị em,
Giáo huấn Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy luôn vững lòng tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa, Đấng giầu lòng xót thương, nhẫn nại đến kinh ngạc trong việc giáo hóa con người. Giao ước là bằng chứng Chúa dùng mọi phương thế để giữ gìn sự sống trần gian.
Chiều dài giao ước là sự sửa soạn tâm lòng con người đón nhận Đức Kitô, Đấng thực hiện giao ước vĩnh cửu trong sự chết và sự phục sinh, bằng hình thức trao đổi diệu kỳ : Chúa chấp nhận đau khổ, để chúng ta được chữa lành, chấp nhận tù tội, để chúng ta được giải phóng, chấp nhận bị kết án, để chúng ta được giải án tuyên công, chấp nhận cái chết thập giá, để chúng ta được phục sinh vinh hiển.
Vậy chúng ta hãy đón nhận giáo huấn và đem ra thực hành bằng một đời sống đượm tình mến thương, mới thực sự bước đi trong ánh sáng của mùa cứu độ.
Nhiệt tâm làm việc thiện, chu toàn bổn phận trong vui vẻ là sống đức tin bằng việc làm. Chỉ những ai thực hành như vậy mới được kể là người khôn ngoan, đáng được Chúa chúc lành, cho gia nhập đoàn dân thánh hưởng tình yêu và sự sống thật, sự sống muôn đời. Amen.