Chúa Nhật VI Phục Sinh (B)
Chủ đề :
Thiên Chúa không thiên tư tây vị, đón nhận tất cả để biến đổi nên hoàn hảo hơn.
Kính thưa quý anh chị em,
Mạnh Tử, học trò của đức Khổng Tử, than thở : Bao nhiêu năm theo thầy, được dạy dỗ chu đáo, cẩn thận, nhưng con vẫn ân hận, thiếu xót, vì chưa học được điều cốt lõi của thầy. Con chưa nhìn người và đánh giá họ một cách vô tư, vẫn còn bị cảm tính tự nhiên chi phối : “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, chỉ mình thầy mới nhìn nhận và đánh giá người khác một cách vô tư.
Đức tính của thầy Khổng Tử là hình ảnh mờ nhạt phản chiếu Thiên Chúa là tình yêu và sự sống đích thực : “không thiên tư tây vị, ai kính sợ Người, thực hành đức công chính đều được Người vui lòng đón nhận” (Cv 10, 34).
Tình yêu thần linh lớn lao đến độ, bất chấp sự yếu hèn, tội lỗi phàm nhân, đón nhận và nâng con người lên tận trời, dành địa vị làm con Thiên Chúa, chia sẻ đồng một danh phận với Đức Kitô.
Những gợi ý trên giúp chúng ta mở lòng đón nhận phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Các bài đọc, chúa nhật 6 phục sinh năm B, trình bày hoạt động của Đấng Phục Sinh, hiện thân của lòng thương xót Chúa Cha, tuân đổ trên thế gian vô lượng, vô ngần.
Bài đọc I, trích sách Tông Đồ Công Vụ, ghi nhận cách thức Chúa sửa sai quan niệm Do Thái dựa trên những tiêu chí cực đoan, vụ luật, về thanh sạch/ô uế, thánh thiện/tội lỗi, công chính/bất lương. Quan niệm vụ luật như thế, tự thân là bất công, kỳ thị, ngập lụt trong văn hóa loại trừ, không bao giờ phản ảnh được sự công chính của Thiên Chúa.
Trước khi Phê-rô đến nhà Co-nê-li-ô, vào giờ thứ sáu, ông đi cầu nguyện và được thị kiến, thấy một bao lớn thả xuống từ trời. Trong bao có đầy dẫy con vật : toàn là vật dơ. Chúa bảo hãy giết mà ăn. Phê-rô từ chối, vịn lẽ là vật dơ, bị cấm. Tiếng từ trời phán bảo : cái Thiên Chúa cho là sạch, ngươi chớ bảo là dơ. Ngay giờ đó, có người đến tìm. Phê-rô nhận ra ý Chúa muốn, ông chỗi dậy cùng đi với họ (cf. Cv 10).
Tại nhà Co-nê-li-ô, Đấng Phục Sinh làm nên hai điều kỳ diệu là cho dân ngoại hưởng tình yêu sự sống và dạy các môn đệ biết sống yêu thương như Chúa, biết mở lòng đến với muôn dân trong một tình yêu không giả dối.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su dạy sống yêu thương, không qua cổng thông tin tri thức, nhưng bằng con đường cảm nghiệm. Tình yêu, như một chất bổ dưỡng tinh thần, thấm vào tâm hồn qua những gì chủ thể yêu thương ban tặng.
Giê-su yêu mến các môn đệ trong chính tình yêu cội nguồn Chúa Cha. Tình yêu tuyệt đối, vô vị lợi, hối thúc Người tự hiến trên bàn thờ thập giá, để ban ơn cứu độ cho cả thế gian. Tình yêu ấy là thế này : “Trong khi chúng ta còn là tội nhân, Đức Kitô, theo kỳ hẹn, mà chết vì chúng ta là kẻ có tội” (Rm 5, 8). Thập giá là bằng chứng lớn lao nhất minh chứng Giê-su đã yêu hết mình.
Phần chúng ta, được hưởng lợi bởi tình yêu tự hiến Giê-su, đã được sống lại làm một với Chúa, thì hãy luôn tìm kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, lòng trí hãy suy tưởng những sự trên trời, chứ đừng nghĩ tưởng những sự dưới đất.
Chúa Giê-su mời gọi môn đệ ở lại trong tình yêu của Người, cụ thể, tuân giữ các giới răn của Người.
Tình yêu “vâng phục” giữ cho Chúa Giê-su ở lại trong tình yêu Chúa Cha, thì kẻ vâng giữ lệnh truyền Giê-su, cũng ở lại trong tình yêu của Người như vậy.
Chúa Giê-su không dạy môn đệ yêu thương trừu tượng, lý thuyết, môi miệng, nhưng thực hành yêu thương nhau không giả dối, cách cụ thể : họ đói, các con hãy cho họ ăn, kẻ mình trần hãy cho áo mặc, kẻ đau yếu, tù đày hãy săn sóc, viếng thăm. Đó là những hoa trái tốt đem lại sự sống, người môn đệ được sai đi gặt hái thu vào kho lẫm Nước Trời.
Trong bài đọc II, thánh Gio-an hối thúc chúng ta sống yêu thương thật tình, vì tình yêu Chúa đổ vào lòng chúng ta, như một dòng chảy xuất phát từ cội nguồn Thiên Chúa.
Đối với Gio-an, ai sống yêu thương, người ấy nhận biết và ở lại trong Thiên Chúa. Họ đã được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, trở nên con cái Thiên Chúa, con cái của ánh sáng, vì Thiên Chúa là tình yêu. Ngược lại, kẻ không yêu thương thì không nhận biết Thiên Chúa, chưa được sinh lại bởi Thánh Thần, cuộc đời họ còn đang bị giam hãm bởi tối tăm, ích kỷ, ghen ghét, thù hận và đủ thứ tệ đoan.
Thiên Chúa là tình yêu cội nguồn, nhờ Ngôi Lời nhập thể, trong Thánh Thần, tuân đổ trên chúng ta hồng ân sự sống, để chúng ta được ơn tái sinh làm con Thiên Chúa. Đây là ân huệ Chúa ban cách nhưng không, nên người môn đệ phải kiên trì ở lại trong tình yêu Chúa, mới có thể góp phần tích cực làm Danh Cha vinh hiển, Nước Cha trị đến.
Thưa anh chị em,
Giáo huấn Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thực hành hai điều :
· Một là : phải có tâm tư của Chúa, nhất quyết gột rửa khỏi lòng chúng ta óc bè phái, kỳ thị, thiên tư tây vị.
Thánh Phao-lô, trong thư gởi giáo đoàn Cô-rin-tô, đề cao đức ái, coi đó là nhân đức các thiên thần. Người tín hữu phải biết tha thứ, cảm thông trong mọi hoàn cảnh, không vui mừng trước sự dữ, bất công, nhưng phải biết chia vui cùng lòng chân thật.
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng hối thúc chúng ta can đảm nói không với văn hóa loại trừ, gắn bó và thực hành văn hóa toàn thể.
· Hai là : lo sao cho mình luôn có Chúa, luôn ở lại trong tình yêu Chúa. Dấu chỉ nhận biết hệ tại ở việc tuân giữ các giới răn, được tóm gọn trong việc yêu mến Chúa hết lòng và yêu anh chị em như chính mình. Ở lại trong tình yêu Chúa là khăng khít với sự lành, kính trọng và cổ võ sự sống trong mọi giai đoạn.
Khao khát lắng nghe, thực hành Lời Chúa, siêng năng cử hành bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và hòa giải. Đời sống kitô nhờ đó mà được tăng trưởng về mọi phương diện, dần đạt tới tầm vóc của Đức Kitô, góp phần làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Amen.