Chúa Nhật XVI Thường Niên (B)
Chủ đề :
Chúa Giê-su, Mục Tử tốt lành, đến để chiên được sống và sống dồi dào.
Kính thưa quý anh chị em,
Đại dịch Covid-19 tấn công nước Ý, rất nhiều bệnh nhân nhờ máy trợ thở được cứu sống.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin : cha Giuseppe Berardelli (72 tuổi) bị nhiễm bệnh, phải dùng đến máy trợ thở. Cạnh giường bệnh của cha, một thanh niên bị bệnh cũng đang trong tình trạng nguy kịch và rất cần máy trợ thở, nếu không có máy trợ thở, bệnh nhân sẽ chết vì phổi bị đông đặc.
Cha yêu cầu được nhường máy trợ thở cho thanh niên đó. Các bác sỹ không dám quyết định, nhưng vì sự cương quyết của cha, họ đã lấy máy cha đang thở đặt cho anh thanh niên và anh được cứu sống.
Phổi của cha bắt đầu bị đông đặc, sau 3 ngày, cha đã tắt thở trong bình an. Đám tang của cha không người đưa tiễn, vì phải cách ly tránh lây lan dịch bệnh. Tin này được loan đi, và mọi người cảm phục tinh thần hy sinh cao cả, cha đã vui lòng chịu chết để cứu sống người anh em. Cha đã áp dụng cho đời mình thân phận hạt lúa mì : thối rữa, mục nát, để hạt giống đâm chồi, nảy lộc, trổ sinh hoa trái cho đời.
Cha là mục tử tốt của đoàn chiên, khi dám hy sinh lợi ích cá nhân, cứu sống người anh em. Quyền lực của tình yêu thật là đặt thiện ích lên trên tư lợi bản thân. Quyền lực yêu thương đó nhất thiết phải phát xuất từ Thiên Chúa, cội nguồn tình yêu và sự sống. Trong quyền lực này, Thiên Chúa đã thực hiện những công trình kỳ diệu : cứu độ/ban sự sống thật cho nhân loại.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày chân dung vị mục tử nhân lành, Chúa Giê-su được sai đến, để chiên được sống và sống dồi dào.
Bài đọc I, trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a, gióng lên hồi chuông cảnh báo các mục tử nhà Israel, đã không chăm lo đến lợi ích đàn chiên, lại làm tan tác, thất lạc, suy yếu, giết chết những con chiên trong đàn.
Nguyên nhân phá hoại phải kể là những gương xấu họ đã làm gây hậu quả tiêu cực trên đoàn chiên. Lối sống bất công, ganh tỵ, vô cảm, hiếu chiến, gây chia rẽ, kích động hận thù, trục lợi..., đã làm mù mắt kẻ dẫn đường. Hậu quả : “Mù dắt mù cả hai sẽ lăn cù xuống hố” (Mt 15, 14).
Tuy nhiên, bài sách thánh cũng mở ra một viễn tượng huy hoàng cho đoàn chiên Chúa chăn nuôi. Chúa sẽ đến, cứu thoát, chăn dắt đàn chiên qua tấm lòng của vị mục tử nhân lành. Vị mục tử được chờ đợi, xuất thân từ dòng dõi vua Đavid, sẽ đem lại cho Israel ơn cứu độ và bình an bền vững.
Chúa Giê-su hội đủ mọi phẩm tính của vị mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước, đến để chiên được sống và sống dồi dào.
Bài Tin Mừng vừa tuyên đọc mô tả Chúa Giê-su là nguyên lý của sự hiệp thông phổ quát. Người quy tụ, dạy dỗ, huấn luyện và sai các môn đệ cứ từng hai người đi loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa với uy quyền của “Lời”.
Hôm nay tụ họp lại bên Chúa, các ông trình bày những việc đã làm, những điều đã giảng dạy, những phép lạ đã thực hiện, nhất là hân hoan vì thấy rằng ma quỷ cũng phải khiếp sợ, vâng phục.
Giê-su không muốn người tông đồ chỉ mãn nguyện với những thành công bề ngoài, những thứ có thể cướp mất lòng khiêm tốn, cậy trông, phó thác, vốn là những dụng cụ xấu phá hoại sự hiệp thông trong Hội Thánh.
Các Tông Đồ cần chăm chút đời nội tâm. Tìm kiếm sự thinh lặng, hồi tâm, gẫm suy Lời Chúa, nhằm làm mới lại mối tương quan với Chúa và tha nhân, mới hy vọng luôn ở lại trong Chúa. Giê-su hối thúc các môn đệ : “Hãy lánh vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31).
Kinh nghiệm tu đức dạy bài học rất thiết thực : cần phải có sự quân bình giữa hoạt động và cầu nguyện, bất cập hoặc thái quá, đều vương hại đến sự trọn lành kitô hữu.
Sau khi Thầy trò xuống thuyền, rút lui vào nơi hoang vắng. Nơi đây là trường Giê-su, ngôi trường hiền lành và khiêm nhường, ngôi trường đào luyện theo phong cách Giê-su. Bởi có được tâm tư của Chúa, nên khi thấy đoàn lũ dân chúng như bầy chiên không người chăn dắt, họ cũng biết chạnh lòng thương xót và muốn loan báo “Lời” cho họ.
Thưa anh chị em,
Người môn đệ Giê-su phải luôn mặc lấy tâm tư của Chúa mới có cái nhìn tích cực và đầy hy vọng vào một tương lai nhân loại đang dần tốt đẹp hơn, mặc dầu hiện tại thế giới này đang đầy dẫy tiêu cực và bóng tối. Họ ngập tràn hy vọng khi chủ động thắp lên một ngọn nến giữa bóng đên dầy đặc, dẫu chỉ một đốm sáng cũng còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối.
Thánh Phao-lô, trong bài đọc II, bộc bạch một tâm hồn tông đồ chan chứa niềm hy vọng, nhìn sự vật và mọi người trong ân sủng của Đức Kitô phục sinh : tất cả hiệp nhất nên một trong máu cứu chuộc của Chúa. Không có chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều là thụ tạo mới trong Đức Kitô.
Vậy chúng ta phải làm gì để sống tình hiệp thông trong Chúa ?
- Một là : Môn đệ phải có tâm tư của Chúa, nên cần phải thường xuyên gặp gỡ Chúa : cầu nguyện liên lỉ, siêng năng đọc và gẫm suy Lời Chúa, nhất là sống và thực hành lời Chúa dạy. Đó là chất liệu để loan báo “Lời”, cũng là gia sản ơn thánh để sẻ chia cho người muốn nghe loan báo Tin Mừng.
- Hai là : Người môn đệ không được phép từ chối làm việc lành khi có thể. Không được sống vô cảm trước hoàn cảnh của người anh em, trái lại, nhiệt tâm làm việc thiện không nao núng, sẵn sàng làm chứng cho Chúa khi thuận lợi cũng như trong nghịch cảnh, góp phần rất tích cực làm cho danh Cha vinh hiển, cho Nước Cha trị đến.
Xin Chúa thương nâng đỡ và chúc lành cho mỗi người chúng ta. Amen.