Chúa Nhật XXIV Thường Niên (B)
Chủ đề :
Lòng cậy trông không làm chúng ta thất vọng.
Kính thưa quý anh chị em,
Một thanh niên đạo đức có dịp đi leo núi để thêm trải nghiệm cuộc sống. Tới một sườn dốc dựng đứng, không may trượt chân lao xuống, anh bứu được vào cành cây. Nhìn phía dưới sâu thăm thẳm, phía trên ngút ngàn, sợ hãi, anh dồn dập cầu nguyện xin Chúa cứu, vì luôn tin rằng : “Ai xin thì sẽ được” (Mt 7, 7).
Quả thật, lòng cậy trông không làm anh tuyệt vọng. Chúa hiện đến trên đỉnh núi phủ lấp mây trời, Ngài với gọi : “Ta đã nghe tiếng con kêu cầu, Ta đến cứu con đây”.
Mau mau, Chúa ơi, tay con rã rời, không thể bám thêm được nữa, anh thét gào !
Từ đỉnh non cao, Chúa ra lệnh : “Hãy buông tay ra !” Không chịu được nữa, anh thét lên : “Ngu gì mà bỏ tay ra !”
Thưa anh chị em,
Ngu gì mà bỏ tay ra là câu trả lời của chúng ta, những kẻ ưa chuộng sự khôn ngoan theo kiểu thế gian trước những thử thách, nghịch cảnh trong đời.
Chúa luôn hành động theo cách thức riêng, không theo kiểu nghĩ phàm nhân. Ngài là “Tình yêu và sự sống”, nên chẳng thể là vị thần ưa thích cảm giác mạnh, tạo những ấn tượng ngoạn mục, những dòng quảng cáo rầm rộ, giật gân. Người hành động, cốt vì hạnh phúc và sự sống trần gian, theo một “biện chứng” : buông bỏ để nhận lãnh, phó thác cậy trông để được giữ gìn, hy sinh vác thập giá theo Chúa để được hưởng phúc vinh quang. Đây là con đường của tình yêu huyền nhiệm, chỉ những ai được Cha lôi kéo, giáo hóa, mới an tâm, vui tươi, hạnh phúc bước đi trong sự tín thác cậy trông, mới dám đặt cược đời mình trong sự buông bỏ dứt khoát.
Thật và rất thật, họ là những người hùng của đức cậy trông, nhẫn nại hoạt động trong lòng tín thác vững vàng. Họ đã làm nên những kỳ tích trường tồn sánh ngang cùng tuế nguyệt.
Những lý chứng nêu trên mở lối chúng ta vào phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Suy gẫm tường tận các bài sách thánh để thâm tín rằng : lòng cậy trông vững vàng nơi Thiên Chúa không làm chúng ta thất vọng.
Bài đọc I, trích sách ngôn sứ Isaia, diễn tả lối sống của người công chính : dịu dàng, hiền lành, khiêm tốn, chịu đựng mọi bất công người đời gây nên cho mình trong tinh thần tín thác, cậy trông vững vàng nơi Chúa, Đấng giải án tuyên công, trả lại quyền lợi cho người bị áp bức.
Lời ngôn sứ xem ra nghịch lý với người đương thời, dường như, nó làm nhụt ý chí đấu tranh, cam chịu bị bóc lột..., tạo lợi thế cho kẻ mạnh, cho nhà cầm quyền độc đoán.
Chắc chắn Isaia không phò tá sự dữ, không chủ trương cam chịu, ru ngủ dân bằng những ảo tưởng hão huyền, nhưng đề cao tinh thần phó thác, cậy trông nơi Thiên Chúa. Lòng cậy trông của người công chính là : nhất quyết sống “Lời” và giới răn Chúa, dẫu có phải chịu thiệt thòi hay bị bách hại.
Cái nghịch lý trong tư tưởng ngôn sứ lại được an bài bằng một “biện chứng” tình yêu đầy tính thuyết phục : buông bỏ để được nhận lãnh, vét cạn để được đong đầy, liều mất mạng sống vì Tin Mừng, thì giữ được sự sống thật, chết đi cho con người cũ, con người tội lỗi, sẽ được nên người mới, công chính, thánh thiện vẹn toàn.
Cái dũng của người công chính, của bậc thánh nhân là “ngộ” ra điều hoàn hảo Cha trên trời cất giấu trong mọi thực tại trần gian. Họ luôn thâm tín, nhờ Chúa phù hộ giúp sức, có thể biến đổi cái nghịch lý nhân sinh thành điều thiện hảo đem lại tình yêu và sự sống muôn đời.
Chúa Giê-su, trong bài Tin Mừng, yêu cầu môn đệ một đức tin cá vị hóa, tôi tin-chúng tôi tin : “Thầy là Đức Kitô”, mới giữ được ngọn lửa yêu mến, lòng phó thác, cậy trông như thuở ban đầu.
Sau lời tuyên xưng : “Thầy là Đức Kitô”, Chúa cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người, đúng hơn là cấm không được nói với ai về danh xưng “Messiah/Kitô” (Đấng được xức dầu) cho đến khi Con Người từ cõi chết sống lại.
Nên biết, tước hiệu Messiah dễ bị hiểu lầm đối với não trạng Do Thái, với cả các Tông Đồ. Phê-rô bị trách “Sa-tan”, vì đó là tư tưởng phàm nhân, không phải của Thiên Chúa.
Người môn đệ chỉ có thể tuyên xưng đức tin và sống lòng cậy trông hoàn hảo sau biến cố “Tử nạn/Phục sinh”, nhờ Người, Cha rộng ban Thánh Thần cho thế gian.
Như vậy, lời loan báo : “Vác thập giá theo Chúa” (Mc 8, 35) mới trở nên “Vinh dự”, mới trở nên “Tin Mừng” cho kẻ dám đặt cược đời mình nơi thập giá.
Nhờ thấu hiểu tin mừng thập giá, các môn đệ Giê-su : tầng tầng, lớp lớp, không kể cho xiết, thuộc mọi thời đại, ngôn ngữ, mọi nước, mọi dân, vác trọn thánh giá cuộc đời theo Chúa.
Đúng là, lòng cậy trông, phó thác không làm chúng ta thất vọng !
Thánh Gia-cô-bê, trong bài đọc II, diễn tả lòng cậy trông bằng những việc làm do đức tin thúc đẩy, cụ thể là sự sẻ chia hiệu quả, đúng nhu cầu. Người môn đệ Giê-su không được phép khua chiêng, múa mép bằng những văn từ hoa mỹ bóng bảy, nhưng phải trỗi dậy, “Ép-pha-tha” (hãy mở ra), đi tới tận cùng nỗi đau nhân loại : “Họ đói, các con hãy cho họ ăn” (Mt 14, 16). Rõ thật, nhờ hành động, đức tin chân chính được biểu lộ !
Thưa anh chị em,
Lời dạy của thánh Gia-cô-bê được tuyên đọc hôm nay đang được cụ thể hóa cách đáng khâm phục qua những tấm lòng vàng mùa covid-19, với phương châm hành động “Ở đâu có nhu cầu cấp bách, ở đó có sẻ chia thật lòng !”
Thật cảm động những nghĩa cử cao đẹp : tất cả vì đồng bào đại nạn ! Từng đoàn y, bác sỹ, nhân viên y tế, công an, quân đội, tình nguyện viên... lăn xả vào vùng dịch, nhằm cứu đồng bào khỏi dầu sôi, lửa bỏng.
Viết những dòng này, tôi nhận thấy cay cay nơi khóe mắt và cũng rất khâm phục, tự hào về những con người, những nghĩa cử trân quý, họ cống hiến cho hạnh phúc của nhân dân.
Thưa anh chị em,
Giáo huấn Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta :
· Một là : thường xuyên tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô tử nạn/phục sinh, cụ thể : khiêm tốn, nhẫn nhục đón nhận thánh giá bổn phận Chúa trao với xác tín vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô, nơi Người, ơn cứu độ ta, sức sống của ta và sự phục sinh của ta.
· Hai là : Lấy việc làm nuôi dưỡng đức tin. Dốc quyết sống tinh thần liên đới sẻ chia thật lòng, tùy hoàn cảnh và khả năng Chúa ban. Luôn nhắc mình như một lời nguyệt tắt : “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rom 3, 10).
Xin Chúa thương nâng đỡ và chúc lành cho mỗi người chúng ta ! Amen.