CHÚA NHẬT 21 MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM A
Is 22,19-23; Rm 11,33-36; Mt 16,13-20
THIÊN CHÚA TRAO QUYỀN CHO NGƯỜI ĐƯỢC CHỌN
I – HIỂU LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Is 22,19-23)
Bài đọc I nằm trong bối cảnh của Sách ngôn sứ Isaia từ chương 13, 1 đến 23,18, ghi lại những lời sấm chống lại nhiều nước. Bài đọc này nằm ở chương Is 22 đề cập tới Giêrusalem, thủ đô của Giuđa, nơi đó có viên tể tướng triều đình là Sépna bị Isaia phê phán nặng nề. Sépna sẽ bị truất phế : “Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ, Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị” (Is 22,19). Chức tể tướng đó sẽ được trao cho Engiakim, một nhân vật sẽ nhắc dân chúng nhớ đến vinh quang của vua Đavít : “Quyền bính của ngươi, Ta sẽ trao vào tay nó” (Is 22,21).
Tể tướng triều đình (được coi như là ‘người quản lý’) có địa vị cao và có quyền hành lớn trong triều đình (chỉ đứng sau vua). Ông còn nắm giữ mọi quyết định của triều đình : “Chìa khóa nhà Đavít, Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được” (Is 22,22).
Chiều khóa ở đây là biểu tượng cho quyền bính. Engiakim nắm trong tay “chìa khóa nhà Đavít” được hiểu là ông được nắm mọi uy quyền tối cao trong triều đình vua Đavít.
2. Bài đọc II (Rm 11,33-36)
Bài đọc II nằm ở đoạn cuối trong phần trình bày về giáo thuyết của thư gửi tín hữu Rôma (Rm 1 – 11). Từ chương 12 của thư này, thánh Phaolo trình bày những lời khuyên nhủ giúp các tín hữu sống đức tin cho xứng với việc thờ phượng Chúa.
Qua đoạn văn này, thánh Phaolô muốn dạy rằng: ý định và tư tưởng của Thiên Chúa vượt quá sự hiểu biết của loài người. Nói cách khác, đoạn văn này muốn trình bày một cách gián tiếp quyền bính tuyệt đối của Thiên Chúa với ba phương diện: (1) Người không mắc nợ ai (giàu có tuyệt đối); (2) Người không cần ai làm cố vấn (khôn ngoan tuyệt đối); và (3) Người không cần ai chỉ dẫn (thông minh tuyệt đối).
Do đó, thánh Tông đồ dâng lên Thiên Chúa lời ca tụng sự khôn ngoan và quyền năng tối caocủa Thiên Chúa: “Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời” (Rm 11,36b). Loài người phải lấy đức tin mà nhận biết rằng muôn vật muôn loài đều do Thiên Chúa mà có và mọi sự phải qui hướng về Người (Rm 11,36a).
3. Bài Tin Mừng (Mt 16,13-20)
Bối cảnh và bố cục
Trình thuật Mt 16,13-20 được coi như là trung tâm và bản lề của Tin Mừng Mt vì nó vừa là đoạn kết thúc, vừa là cao điểm của phần đầu sách Tin Mừng bàn về sứ vụ của Đức Giêsu ở Galilê trong tư cách là Đấng Mêsia (4,17 – 16,20).
Có lẽ bản văn Mt 16,13-20 được lấy từ nguồn Mc 8,27-30, nhưng có thay đổi một số chi tiết. Chẳng hạn, thêm “Giêrêmia” (16,14) ; thêm “Con Thiên Chúa hằng sống” sau “Đấng Kitô” (16,16). Và các câu 17-19 là của riêng Mt.
Khác với các tác giả Tin Mừng khác, trong trình thuật này, Mt chú trọng đến căn tính của Đức Giêsu và vai trò của Phêrô là người được Đức Giêsu trao quyền tối thượng lãnh đạo Hội thánh (16,18-19).
Trình thuật được chia thành bốn ý chính: 1) Bối cảnh (16,13a); 2) Ý kiến về căn tính Đức Giêsu (16,13b-17); 3) Trao quyền cho Phêrô (16,18-19); 4) Kết luận: lệnh cấm (16,20).
Ý nghĩa bản văn
1. Bối cảnh (16,13a)
Đức Giêsu đến tận Xêdarê Philipphê. Thành này cách Biển Hồ chừng gần năm mươi cây số về phía bắc, ở Paneas[1], thuộc lãnh thổ của Philipphê tiểu vương (4 trCN – 34 sCN), con vua Hêrôđê Cả. Vào khoảng năm 2 trCN, Philiipphê tái thiết thành này và đặt tên là Xêdarê để tôn vinh hoàng đế Auguttô. Gọi là Xêdarê Philipphê để phân biệt với Xêdarê miền duyên hải[2].
Người ta không hiểu tại sao Đức Giêsu lại đưa các môn đệ tới vùng xa xôi này. Có lẽ Đức Giêsu muốn các môn đệ của Người hiểu sứ mệnh của Người không phải chỉ cho “chiên lạc nhà Israel”, mà còn cho dân ngoại nữa, như trường hợp người phụ nữ xứ Canaan (15,21 tt).
2. Ý kiến về căn tính Đức Giêsu (16,13b-17)
Đức Giêsu không hỏi ý kiến các môn đệ về giáo lý Người giảng dạy, nhưng lại hỏi về chính bản thân Người: “Người ta nói Con Người là ai?” (16,13b). Tước hiệu “Con Người” được mượn từ Đn 7,13-14, là một tước hiệu chỉ Đấng Mêsia, nhưng chỉ một cách mặc nhiên hơn là minh nhiên[3].
Câu hỏi về căn tính của Đức Giêsu trên đây được đặt ra hai lần: một là để biết ý kiến của dân chúng (16,13b), hai là ý kiến của chính các môn đệ (16,15).
+ Về phía dân chúng, có nhiều phát biểu khác nhau[4]. Ý kiến về Đức Giêsu là ông Gioan Tẩy giả đã thấy trong lời tuyên bố của Hêrôđê (14,2). Người khác cho rằng Đức Giêsu là Êlia vì ông này đến “để chỉnh đốn mọi sự” (17,11) và họ thấy điều này phù hợp với lời rao giảng và việc làm của Đức Giêsu. Còn ý kiến khác cho rằng Đức Giêsu là ông Giêrêmia (chỉ được Mt ghi lại) vì có một thời ngôn sứ này rất nổi tiếng (2 Mcb 2,1) được coi là đấng trung gian cầu bầu như Môsê (Xh 32,11). Hơn nữa, ngôn sứ Giêrêmia đã từng bị bách hại, bắt bớ, nên họ cho rằng vai trò của phù hợp với sứ mạng của Đức Giêsu. Tuy nhiên, điểm chung của các ý kiến này là họ xem Đức Giêsu như là một ngôn sứ[5]. Sau này, Mt còn nói là đông đảo dân chúng cho rằng Người là một ngôn sứ xuất thân từ Nadarét miền Galilê (21,11.46).
+ Về ý kiến của các môn đệ. Ông Simôn Phêrô được thánh sử Mt đưa vào bản văn quan trọng này. Ông đã tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (16,16). So với các bản văn song song (Mc 8,29; Lc 9,20; Ga 6,69), lời tuyên xưng dài hơn vì thêm cụm từ “Con Thiên Chúa hằng sống”. Đối với Mt, việc thêm này giúp xác định rõ hơn căn tính của Đức Giêsu, bởi vì Người không chỉ là “Đức Giêsu Kitô, con Đavít, con Abraham (như Mt viết ở 1,1), mà còn là “Con Thiên Chúa hằng sống” nữa.
Lời tuyên xưng này không phải bởi nghe và thấy hoặc do trí óc con người, nhưng là đến từ mạc khải của Thiên Chúa: “Này anh Simôn, con ông Giôna[6], anh là người có phúc, vì không phải phàm nhân[7] mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy” (16,17). Cho nên cái “phúc” của Phêrô là được Chúa Cha mạc khải cho biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống. Lời tuyên xưng này khẳng định Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia các ngôn sứ đã loan báo và đây là lời tuyên xưng căn tính thần linh của Đức Giêsu. Lời tuyên xưng của Phêrô còn là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi Đức Giêsu đặt ra “Con Người là ai?”.
3. Trao quyền cho Phêrô (16,18-19)
Những câu 16,18-19 mô tả sứ mạng mới của ông với hai hình ảnh[8].
a) Phêrô là Tảng Đá và trên tảng đá này, Đức Giêsu sẽ xây Hội thánh (16,18)
Đức Giêsu khẳng định lời tuyên xưng của ông Phêrô được Chúa Cha mạc khải. Người còn đặt cho ông một tên mới và trao cho ông sứ mạng: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, trên đó Đức Giêsu sẽ xây dựng Hội thánh của Thầy” (16,18). Ở đây Đức Giêsu ngỏ lời với ông Simôn bằng một tên mới và loan báo sứ vụ mới. Người gọi ông là “Phêrô”, nghĩa là “Tảng Đá”. Ở Ga 1,42 và trong các thư của thánh Phaolô (1 Cr 1,12; Gl 1,18), tên này có dạng gốc tiếng Aram là “Kêpha”[9]. Danh xưng này là một sáng tạo mới của Đức Giêsu (vì Người nói tiếng Aram).
Đây là kiểu chơi chữ được Đức Giêsu dùng một lần duy nhất ở Mt 16,18: anh là Petros và trên petra này[10] … Tên Petros không phải là lần đầu tiên được dùng ở đây, mà ta đã thấy ở nhiều đoạn trước (4,18; 8,14; 10,2; 14,28). Tuy nhiên, những bản văn trước không cho biết tại sao có tên này được dùng và nó mang ý nghĩa gì. Nói cách khác, tên này đã được dùng mà không được gải thích. Chỉ trong đoạn văn 16,18-19 này, người ta mới thấy nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Đặt tên mới là trao ban một sứ mạng. Trong Cựu Ước, Abram được đổi thành Abraham vì Thiên Chúa sẽ đặt ông làm cha nhiều dân tộc (St 17,1-8). Cũng thế, ông Simôn được gọi là Phêrô vì Đức Giêsu sẽ đặt ông làm thủ lãnh của Hội thánh Người.
Theo văn mạch, Phêrô được Đức Giêsu khen về lời tuyên xưng và được Người đặt tên là Tảng Đá, và làm nền móng cho Hội thánh (ekklesia) của Người[11]. Hội thánh ở đây là cộng đoàn những người tin vào Đức Giêsu, diễn tả cùng một lời tuyên xưng như Phêrô, được ví như một tòa nhà. Vì thế, “xây trên đá này” nghĩa là xây trên lời tuyên xưng đức tin nền tảng của Phêrô: “Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (16,16).
b) Phêrô được trao chìa khóa Nước Trời (16,19)
Sách Khải huyền cho biết chỉ mình Đức Giêsu có chìa khóa này: Khi Người đã mở thì không ai có thể đóng, và khi Người đóng lại thì không ai có thể mở được (Kh 3,7). Khi trao quyền cho Phêrô “chìa khóa Nước Trời”, Đức Giêsu cũng trao cho ông quyền đóng và mở để bảo vệ tòa nhà Hội thánh[12]. Trong cộng đoàn Hội thánh, ông hành động nhân danh Đức Giêsu, với quyền cầm buộc và tháo cởi; thậm chí ông còn có nhiệm vụ tuyên bố điều gì bị cấm và điều gì được phép trong cộng đoàn Hội thánh.
Như người quản lý giữ gìn nhà cho chủ của mình, ông Phêrô có trọng trách giữ gìn toà nhà Hội Thánh của Đức Giêsu. Sau này ở 23,13 Đức Giêsu tố cáo các kinh sư lạm dụng “chìa khoá” và giải thích Luật Môsê để ngăn cản người ta vào Nước Trời. Là người quản lý, chứ không phải canh cổng, ông Phêrô thay Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, giảng dạy muôn dân. Như thế, những gì ông Phêrô quyết định nhằm mục đích giảng dạy về Đức Giêsu đều được “trên trời” tức là Thiên Chúa chuẩn nhận.
4. Kết luận: lệnh cấm (16,20)
Có lẽ vì niềm tin của dân chúng và các môn đệ còn chưa hoàn chỉnh (quan niệm sai lầm về sứ mạng của Đấng Mêsia), nên Đức Giêsu đã buộc các môn đệ “không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô”. Nói cách khác, sở dĩ Người cấm các ông nói điều ấy vì dân chúng dễ hiểu lầm sứ mệnh của Người có tính cách thế tục. Hơn nữa vì Đức Giêsu chưa lên Giêrusalem để hoàn tất sứ vụ tại của Người thì người ta chưa hiểu đúng sứ mệnh của Người được.
II – SỐNG LỜI CHÚA
Các bài đọc Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay trình bày cho chúng ta về việc Thiên Chúa tuyển chọn và trao quyền cho những ai Người muốn.
1.Quyền bính đến từ Thiên Chúa và Người làm chủ cuộc đời mỗi người chúng ta
Việc Thiên Chúa thay đổi quyền bính của viên tể tướng trong vương quốc Giuđa (bài đọc I) cho thấy quyền bính phải đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa có toàn quyền trong việc sắp xếp địa vị và nhiệm vụ cho người này kẻ khác.
Vì sao mà Sépna vị tể tướng phải bị truất phế? Thưa, bởi vì ông đã đi ngược lại với Giao ước, ngược lại với giáo huấn của Chúa (liên minh với Aicập và thiếu tin tưởng nơi Chúa).
Engiakim được trao chìa khóa nhà Đavít là hình ảnh tiên trưng cho Đức Kitô. Người là Đấng nắm mọi uy quyền trên trời dưới đất : “Ta là Đấng Hằng Sống. Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1,18).
Vì thế, chúng ta được mời gọi xác tín: Chỉ có Chúa mới là chủ tối cao cuộc đời chúng ta. Những ai theo Chúa đều được mời gọi sống theo giáo huấn và chiếu chỉ Người ban. Tuy nhiên, trong Hội Thánh, Chúa trao quyền cho các Đấng kế vị các Tông đồ (là các Đức Giám Mục). Thánh Phaolo viết : “Không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa” (Rm 13,1).
+ Sống trong Hội Thánh, tôi có khiêm tốn để vâng theo giáo huấn của Hội Thánh qua các Đấng bậc được Chúa trao quyền lãnh đạo không? Tôi có tin rằng trong mọi hoàn cảnh cuộc đời (thuận lợi hay khó khăn), Chúa vẫn luôn đồng hành và nâng đỡ tôi không?
2. Thiên Chúa trao quyền lãnh đạo cộng đoàn cho ai tùy ý Người và người được trao quyền bính sẽ phục vụ theo tinh thần Phúc Âm
Việc xây dựng Hội Thánh là việc của chính Đức Giêsu Kitô: “Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Tuy nhiên, để lãnh đạo Hội Thánh ấy ở trần gian, Người sẽ trao quyền cho thánh Phêrô : “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời” (Mt 16,19). Điều này tương tự như Engiakim được trao “chìa khóa nhà Đavít” (trong bài I).
Phêrô là người như thế nào? Ông là người làm nghề đánh cá, có lẽ học thức không nhiều, địa vị xã hội không cao … Thế mà Chúa lại chọn ông làm đầu Hội Thánh. Thật khó hiểu theo cái nhìn của thế gian. Nhưng Thiên Chúa nhìn thấu bên trong con người. Theo thánh Phaolô, không ai có thể hiểu được ý định và tư tưởng của Thiên Chúa (bài đọc II).
Cũng nên ghi nhận: Hội Thánh được xây trên nền tảng lời tuyên xưng của thánh Phêrô, chứ không dựa trên sự khôn ngoan của con người. Qua dòng lịch sử Hội thánh, thánh Phêrô và những Đấng kế vị được trao ràng buộc và tháo cởi, nên mỗi chúng ta được mời gọi yêu mến, gắn bó, vâng phục Huấn Quyền của Hội Thánh, vâng phục các vị lãnh đạo Hội Thánh thay mặt Chúa ở trần gian.
Trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa dùng những con người như dụng cụ (là những ‘tôi tớ’) để thi hành thánh ý của Người : “Apôlô là gì? Phao ô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3,5-6).
+ Giả thiết tôi được trao một nhiệm vụ gì trong cộng đoàn giáo họ, giáo xứ, tôi ý thức mình phải thi hành quyền bính ấy với tinh thần nào? Hẳn phải là tinh thần Phúc Âm : khiêm tốn, đối xử hiền hòa, công bằng, xây dựng tình hiệp nhất, dấn thân và phục vụ vô vị lợi … Mỗi người chúng ta được mời gọi theo gương Đức Giêsu là Đấng đến “không phải là để được kẻ hầu người hạ nhưng là để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
[1]Miền Paneas cổ xưa thì ngày nay được gọi là Banias. Đây là nơi rất đẹp, nằm ngay dưới chân núi Hécmon. Người thời xưa thờ thần Baal. Sau này, người Hilạp đã thay thế thần Pan và thần Nymphe.
[2]Kinh Thánh, Ấn bản 2011, Bản dịch của CGKPV, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2011, chú thích h.
[3]Có chỗ Đức Giêsu muốn đồng nhất mình với « Con Người » một cách rõ rệt (Mt 8,20 ; 11,19 ; 16,13) ; chỗ khác, Người như không muốn đồng nhất mình với « Con Người » (Mt 16,27 ; 24,30).
[4]Phân đoạn này thuộc dạng tường thuật (kể lại cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và các môn đệ), nên các động từ đều ở ngôi thứ ba.
[5] Theo truyền thống Do thái, ngoại trừ ông Gioan Tẩy Giả được chính vua Hêrôđê Antipa coi là đã sống lại qua Đức Giêsu (Mt 14,1-2), còn “vị ngôn sứ” mà ông Môsê đã nói cho dân Israel ở Đnl 18,15 là chính Đức Giêsu (Cv 3,22-26; Ga 6,14; 7,40).
[6]Cụm từ này nguyên văn trong tiếng Hilạp là «Σίμων Βαριωνα » (Simôn Bar-giôna) được dịch sát nghĩa « Simôn con của Giôna » (Ga 1,40-42).Người Do thái có thói quen đặt thêm tên bố, đến nỗi có khi tên kép ấy lấn át và làm người ta quên tên thật (là Simôn). Nhiều người Do thái mang tên như thế : Bar-timê, Bar-giêsu.
[7]Cụm từ ‘phàm nhân’ dịch sát phải là ‘thịt và máu’ (không thấy trong các Tin Mừng khác) là kiểu nói diễn tả con người tự nhiên với tất cả sức lực riêng của con người.
[8]Phân đoạn này là của riêng Mt, gồm các câu nói trực tiếp, động từ và các đại từ được dùng ở ngôi thứ nhất và thứ hai.
[9]Danh từ này trong tiếng Aram thuộc về giống đực (nam tính).
[10]Trong tiếng Việt, lối chơi chữ này rất chỉnh : Anh là Tảng Đá, trên tảng đá này… Trong tiếng Pháp cũng thế : Tu es Pierre et sur cette pierre…
[11] Chữ ‘Hội thánh’ trong tiếng Hilạp là ‘ekklesia’ được dịch từ tiếng Hipri ‘Qahal’ có nghĩa là ‘cộng đồng’, ‘cuộc tập họp’ do Thiên Chúa tuyển chọn (Đnl 4,10). Họ là dân Thiên Chúa chọn cùng họp nhau để thờ phượng Người. Vậy Hội Thánh là Dân mới của Thiên Chúa, là cộng đoàn sẽ do Đức Giêsu triệu tập giống như một toà nhà có ông Phêrô làm nền tảng vững chắc. Chữ ‘ekklesia’ chỉ xuất hiện ở đây và Mt 18,17.
[12] Có lẽ Mt muốn nhắc đến Is 22,15-22 nói về ông Engiakim thay thế ông Sépna, một tổng quản hoàng cung, được trao “chìa khoá nhà Đavít” để ông có quyền “đóng” hay “mở”.