4h:42 (GMT+7) - Thứ tư, 4/10/2023 Theo dõi MXH:

"Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì" (Lc 3,10-18)

Hiểu và sống Lời Chúa: Chúa nhật I Mùa Vọng năm A

8h:59 (GMT+7) - Thứ tư, 23/11/2022

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM A

Is 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44

CANH THỨC ĐÓN CHÚA ĐẾN

I – HIỂU LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Is 2,1-5)

Ngôn sứ Isaia thi hành sứ vụ vào thế kỷ VIII trước CN (khoảng năm 740-700), phần lớn dưới triều vua Akhát (vua của Giuđa). Vào thời gian ấy, trước sự đe dọa ngày càng gia tăng của Átsua, các nhà lãnh đạo lúc đó chủ trương phải liên minh quân sự với các nước bên cạnh để bảo vệ vương quốc. Nhưng Isaia lên tiếng phản đối, vì theo ông, chỉ nên cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa mà thôi. Vì thế, để củng cố niềm tin của mọi người, ông loan báo một cuộc hành hương của tất cả các dân tộc về núi Chúa.

Bài đọc I thuật lại những gì Isaia đã thấy về Giêrusalem và Giuđa, nơi mà Thiên Chúa sẽ thiết lập một vương quốc hòa bình. Vì thế, Isaia dùng hai hình ảnh: 1) Hình ảnh đám đông đang đi – diễn tả cảnh người Do thái đông đúc đổ về Giêrusalem hành hương vào các dịp lễ lớn (lễ Vượt Qua, lễ Lều…) – qua hình ảnh này, ông muốn loan báo: sẽ đến một ngày Giêrusalem sẽ qui tụ mọi dân tộc trên trái đất; 2) Hình ảnh tất cả các đạo quân trên khắp địa cầu tiêu hủy khí giới: biến giáo mác thành dụng cụ cầy bừa để xây dựng một niềm hòa bình hạnh phúc. Hình ảnh này muốn nói rằng: Nếu tất cả các dân tộc nghe Lời Chúa dạy, thì họ phải là những người có tinh thần xây dựng hòa bình. Họ sẽ chọn Thiên Chúa làm trọng tài giữa các dân (Is 2,4).

2. Bài đọc II (Rm 13,11-14)

Thư thánh Phaolô trong bài đọc II nhắn nhủ các tín hữu thành Rôma về những thái độ cần phải có, trong khi trông chờ Ngày Chúa quang lâm. Thánh nhân khuyên họ hãy “mặc lấy Đức Kitô” (13,14) và hãy trở thành con cái ánh sáng, nghĩa là sống theo hình ảnh của Đức Kitô.

Các tín hữu phải loại bỏ những thói hư tật xấu, những việc làm đen tối, như: chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng, ghen tương… Họ hãy cầm lấy vũ khí của sự sáng, đó là: tiết độ, công bình, yêu thương, tha thứ, quảng đại và bác ái … Vì thế, thái độ phải có để đón Chúa đến là: tỉnh thức và sẵn sàng. Các tín hữu được mời gọi chu toàn bổn phận của mình trong giây phút hiện tại ở bất cứ môi trường nào. Mọi giây phút trong cuộc đời, Chúa đều có thể gõ cửa tâm hồn họ. Vì thế, thái độ tỉnh thức và sẵn sàng đòi họ giữ tâm hồn trong trắng và luôn kết hợp mật thiết với Chúa.

3. Bài TM (Mt 24,37-44)

Bối cảnh và cấu trúc

Bài Tin Mừng nằm trong bối cảnh của bài giảng cánh chung (Mt 24-25). Trong phần đầu của chương 24 (Mt 24,1-36), Đức Giêsu nhấn mạnh đến việc Con Người chắc chắn sẽ đến và đến một cách tỏ tường. Trong phần sau (24,37-44), Tin Mừng chuyển sang ý tưởng khác. Đó là, nếu Con Người đến một cách rõ ràng, thì biến cố ấy lại xảy ra cách bất ngờ, không ai có thể biết trước được.

Đức Giêsu nhắc lại câu chuyện Nôê để minh họa cho ý tưởng ấy. Nhưng để hiểu rõ hơn đoạn văn đọc trong Phụng vụ hôm nay, cần đọc thêm câu Mt 24,36, vì ý tưởng của câu 36 nằm trong những câu 37-44 và từ ngữ “ngày và giờ” còn được nhắc lại trong các câu 42 và 44.

Bài Tin Mừng có thể chia làm ba phân đoạn: a) Bài học thời Nôê (24,37-39); b) Cuộc phân rẽ vào thời cuối cùng (24, 40-41); c) Dụ ngôn tên trộm ban đêm: tỉnh thức và sẵn sàng (24,42-44).

            Giải thích

a) Bài học thời Noê (24,37-39)

Trước hết, Đức Giêsu muốn so sánh ngày ông Nôê vào tàu tương tự ngày “Con Người quang lâm” (24,37). Sách Sáng thế kể việc ông Nôê đóng tàu (St 6,13-16) để chuẩn bị cho ngày Chúa đến trong lụt hồng thủy. Chỉ gia đình ông Noê được cứu thoát vì ông là người công chính và đi theo đường lối Chúa (St 6,9).

Qua ví dụ thời ông Nôê, Đức Giêsu muốn nói tới việc người ta không biết ngày ấy đến, nên họ cứ mê mải với những thú vui trần thế (24,38). Trước lụt hồng thủy, dân chúng chỉ biết ăn uống và cưới vợ lấy chồng… Các động từ “ăn uống”, “cưới vợ lấy chồng” được dùng ở dạng hiện tại phân từ (ở câu 38), ám chỉ những sinh hoạt thường nhật của họ. Họ không biết ngày Nôê vào tàu, và cuộc sống của họ chẳng có gì cần thay đổi. Khi lụt hồng thủy đến thì họ bị cuốn trôi đi mất vì trận lụt đến bất ngờ (24,39). Thật ra, lụt hồng thủy mới chỉ được loan báo, chứ chưa xảy ra. Cũng vậy, cuộc quang lâm (parousia) của Đức Giêsu cũng chỉ mới được loan báo, chứ chưa xảy ra. Điều này cho thấy biến cố ngày quang lâm sẽ bất chợt, thình lình, không ai ngờ … Tuy nhiên, mỗi người sẽ phải chịu trách nhiệm về tình trạng của mình khi Con Người đến.

Như vậy, vào thời Nôê, có hai hạng người: những người chỉ biết hưởng thụ cho bản thân và những người tỉnh thức biết lắng nghe lời cảnh báo của Chúa. Người chưa đến, nhưng ngày ấy đã được loan báo. Hãy rút ra bài học từ thời Noê, đừng để ngày ấy trở nên tai họa cho mình vì không biết. Trong văn mạch ở đây, ngày mà “Con Người quang lâm” (24,37.39) như lụt đại hồng thủy thời ông Nôê thì không ai biết được. Vì thế, mỗi người được mời gọi phải canh thức, đừng để ngày Chúa đến trở nên tai họa cho mình vì không biết.

b) Cuộc phân rẽ vào thời cuối cùng (24, 40-41)

Trong phân đoạn này, Đức Giêsu lấy hai ví dụ rút từ đời thường, đó là hình ảnh người đàn ông làm ruộng vườn và đàn bà xay bột chỉ công việc thường ngày. Hai người cùng làm một việc giống nhau có nghĩa là nhìn từ bên ngoài không thấy có sự phân biệt nào giữa họ. Tuy nhiên, khi ngày của Chúa đến, Người sẽ đem một người đi, và để một người ở lại.

Hai động từ “đem đi” (paralambanō) và “để lại” (aphiēmi) được dùng ở thể bị động và mang ý nghĩa đối nghịch nhau. Theo ý nghĩa, paralambanō liên hệ đến sự ‘tuyển chọn’ của Thiên Chúa (24,31); trong khi đó, aphiēmi liên hệ đến sự ‘tiêu diệt’, đến ‘cái chết’ (22,25). Hiểu như thế, khi Chúa đến, Người sẽ phân biệt rõ ràng ‘ai được chọn’ và ‘ai không được chọn’; ‘ai được được đem đi’, ‘ai ở lại’. Cũng thế, chỉ khi lụt hồng thủy đến, người ta mới biết Nôê và gia đình ông được cứu (được tuyển chọn), trong khi những người khác bị tiêu diệt.

Nói cách khác, vào ngày Đức Giêsu quang lâm, sẽ có sự phân rẽ và chọn lựa tận căn: những ai sẵn sàng thì được Người đón vào sự sống vĩnh cửu, còn người không biết canh thức và sẵn sàng sẽ bị loại trừ. Cũng như chỉ khi lụt hồng thủy đến, người ta mới biết ông Noê và gia đình ông được cứu, trong khi những người khác lại bị tiêu diệt. Vì không biết khi nào mình sẽ được đem đi hay bị ở lại, nên mỗi người phải luôn luôn sẵn sàng và canh thức từng giây từng phút.

c) Dụ ngôn tên trộm ban đêm: tỉnh thức và sẵn sàng (24,42-44)

            Đức Giêsu dùng dụ ngôn “kẻ trộm” đêm khuya để cảnh báo cho chúng ta rằng Người sẽ đến thật bất ngờ, chúng ta không thể tiên liệu. Đây là hình ảnh mà Kinh thánh hay dùng để nói tới tính cách bất ngờ trong ngày Chúa đến (1 Tx 5,2; 2 Pr 3,10; Kh 3,3…).

Dụ ngôn bắt đầu với mệnh lệnh: “Hãy tỉnh thức” (24,42).  Tỉnh thức theo nghĩa đen là ‘không ngủ’ (26,38), nhưng theo nghĩa bóng là ‘canh chừng’ để cho mình được an toàn. Trong Tin Mừng Mt, mệnh lệnh ‘hãy tỉnh thức’ được Đức Giêsu dùng bốn lần để khích lệ dân chúng và các môn đệ hãy chú ý và sẵn sàng: hai lần loan báo Người sẽ đến (24,42; 25,13) và hai lần trong vườn Cây Dầu (26,38.41). Người ta phải chú ý để tránh tai họa ập tới như biến cố lụt hồng thủy thời ông Noê và như dụ ngôn kẻ trộm này. Trong cả hai trường hợp, canh thức là bảo vệ cho mình được an toàn và giữ cho mình luôn được hiệp thông với Thiên Chúa.

Nếu muốn chống ăn trộm, chủ nhà không được ngủ quên. Nói cách khác, nếu chủ nhà biết kẻ trộm sẽ đến vào canh nào, thì ông sẽ tỉnh thức để ngăn cản kẻ trộm đào ngạch, khoét vách nhà ông (24,43). Còn nếu ông không biết nó sẽ đến canh nào, nhưng chắc chắn nó sẽ đến, thì ông buộc phải canh thức suốt đêm để ứng trực sẵn sàng. Chính Đức Giêsu lấy điều này mà dạy các môn đệ và chúng ta hãy canh thức luôn luôn để sẵn sàng khi Người đến, vì chúng ta sẽ không biết ngày nào, giờ nào (24,44).

II – SỐNG LỜI CHÚA

            Mùa Vọng mời gọi các tín hữu hãy tỉnh thức trông mong, đón chờ Chúa đến. Chúa đến với mỗi người một cách khác nhau và luôn có sự bất ngờ. Ngày Chúa đến thì không ai biết trước. Vì thế, chúng ta được mời gọi phải luôn tỉnh thức.

1. Người Kitô hữu tỉnh thức bằng cách nào?

Tỉnh thức là sống đẹp ý Chúa mỗi ngày, là làm theo ý Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Hr 10,7.9). Chúng ta được mời gọi sống giáo huấn của Công Đồng Vatican II: “Vì không biết ngày và giờ, chúng ta phải theo lời Chúa dạy, luôn tỉnh thức, để khi cuộc đời độc nhất của chúng ta ở trần gian chấm dứt, chúng ta xứng đáng vào dự tiệc cưới với Người …” (LG, số 48).

Tỉnh thức là không ngủ mê trong ảo tưởng, trong tội lỗi, là không bám víu vào vật chất trần gian: “Được lợi lãi cả thế gian mất linh hồn nào ích gì?” (Mt 16,26). Chúng ta hãy nghe lời thánh Phaolô khuyên dạy mà sống tỉnh thức: “Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (1 Tx 5,4-6).

Tỉnh thức là để cho Lời Chúa hướng dẫn mà sống tích cực, lạc quan, vui tươi, quảng đại, sống có ý nghĩa trong cuộc đời … Để cho Lời Chúa thấm nhập vào lòng, chúng ta sẽ có bình an và là người đem lại bình an cho tha nhân. 

            2. Đâu là thái độ để chúng ta chuẩn bị đón Chúa đến? Đó là làm các việc lành phúc đức, sống bác ái, yêu thương. 

Biết rõ Chúa sẽ đến với mỗi người (có thể là lúc ta đang lo toan cuộc sống trần gian, đang làm việc, ăn uống, vui chơi, giải trí … như thời ông Nôê), chúng ta được mời gọi phải chuẩn bị trong tư thế sẵn sàng: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44).

Theo thánh Phaolô (trong bài II), trong khi chờ Chúa đến, chúng ta phải loại bỏ những thói hư tật xấu, những việc làm đen tối … không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, không cãi cọ tranh giành, ghen tương (Rm 13,12-13).

Chuẩn bị đón Chúa là sống yêu thương, công bình và bác ái với hết mọi người, nhất là những người nghèo khổ, đói khát: Khi Ta đói các ngươi cho ăn, Ta khát các ngươi cho uống … Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những người bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta (Mt 25,31-46).

Về việc bác ái, Mẹ Têrêxa Calcutta nêu gương cho chúng ta. Mẹ đã sống chứng nhân cho niềm tin vào Chúa khi quan tâm chăm sóc những người nghèo và yêu thương họ với một tâm hồn vĩ đại. Mẹ đã dạy: Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại”.

Trong bài giảng ngày Di dân và tị nạn 29/9/2019, tại Rôma, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh: “Kitô hữu không thể vô cảm trước những nỗi thống khổ của tha nhân”.

Xin cho chúng ta ý thức rằng sẽ có ngày Chúa đến với mỗi người để phán xét những việc làm của chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết tỉnh thức đón Chúa đến bằng các việc lành phúc đức.

Câu hỏi gợi ý suy niệm:

+ Chứng kiến nhiều người chết đột ngột, tôi có ý thức phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng đón chờ Chúa đến bằng việc chu toàn bổn phận hàng ngày đối với Chúa và tha nhân không?

+ Trong việc tỉnh thức đón Chúa đến, tôi có chuyên cần lắng nghe, suy niệm lời Chúa và cố gắng đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống không?

+ Tôi làm gì để đón Chúa? Tôi có mặc lấy Đức Kitô để sống bác ái, khiêm tốn, hiền hòa không hay tôi ích kỷ, ghen tương? Tôi có thờ ơ, vô cảm trước sự nghèo khó, đau khổ của tha nhân không?

Lm. Gioan B. Nguyễn Văn Hào, PSS

 

CÁC TIN KHÁC
Bài giảng Chúa Nhật XXVI Thường Niên-Trên Trời vui mừng vì một người tội lỗi hối cải
Bài giảng Chúa Nhật XXVI Thường Niên-Trên Trời vui mừng vì một người tội lỗi hối cải
Bài giảng Chúa Nhật XXVI Thường Niên-Trên Trời vui mừng vì một người tội lỗi hối cải
Chi tiết >>
Bài giảng Chúa Nhật XXV Thường Niên-Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1Tm2, 4).
Bài giảng Chúa Nhật XXV Thường Niên-Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1Tm2, 4).
Bài giảng Chúa Nhật XXV Thường Niên-Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1Tm2, 4).
Chi tiết >>
Bài giảng Chúa Nhật XXIV Thường Niên-Hãy luôn tha thứ thì sẽ được thứ tha
Bài giảng Chúa Nhật XXIV Thường Niên-Hãy luôn tha thứ thì sẽ được thứ tha
Bài giảng Chúa Nhật XXIV Thường Niên-Hãy luôn tha thứ thì sẽ được thứ tha
Chi tiết >>
Bài giảng Chúa Nhật XXIII Thường Niên-Sửa lỗi tha nhân trong đức ái Tin Mừng
Bài giảng Chúa Nhật XXIII Thường Niên-Sửa lỗi tha nhân trong đức ái Tin Mừng
Bài giảng Chúa Nhật XXIII Thường Niên-Sửa lỗi tha nhân trong đức ái Tin Mừng
Chi tiết >>
Bài giảng Chúa Nhật XXII Thường Niên-Thập giá : sức hấp dẫn nhiệm mầu
Bài giảng Chúa Nhật XXII Thường Niên-Thập giá : sức hấp dẫn nhiệm mầu
Bài giảng Chúa Nhật XXII Thường Niên-Thập giá : sức hấp dẫn nhiệm mầu
Chi tiết >>
Hiểu và sống Lời Chúa -Chúa nhật 21 thường niên năm A: Thiên Chúa trao quyền cho người được chọn
Hiểu và sống Lời Chúa -Chúa nhật 21 thường niên năm A: Thiên Chúa trao quyền cho người được chọn
Việc xây dựng Hội Thánh là việc của chính Đức Giêsu Kitô: “Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Tuy nhiên, để lãnh đạo Hội Thánh ấy ở trần gian, Người sẽ trao quyền cho thánh Phêrô : “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời” (Mt 16,19). Điều này tương tự như Engiakim được trao “chìa khóa nhà Đavít” (trong bài I).
Chi tiết >>
Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi (23.07.2023) – Người già và người trẻ cùng nhau lớn lên
Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi (23.07.2023) – Người già và người trẻ cùng nhau lớn lên
Vào lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật ngày 23.07.2023, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ 3. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi người già và người trẻ, ông bà và con cháu, cùng nhau lớn lên, lắng nghe nhau, nói chuyện với nhau và hỗ trợ nhau. Ngài nhắc nhờ đừng quên ông bà hay người lớn tuổi, vì họ đã từng trợ giúp khi chúng ta gặp khốn khó, đã hy sinh vì chúng ta. Đừng để họ nằm ngoài danh sách ưu tiên của chúng ta. Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha.
Chi tiết >>
Bài giảng Lễ Thánh Tâm: Người yêu thương họ đến cùng.
Bài giảng Lễ Thánh Tâm: Người yêu thương họ đến cùng.
Bài giảng Lễ Thánh Tâm: Người yêu thương họ đến cùng.
Chi tiết >>
Tòa Giám mục Phát Diệm
75 Phát Diệm Đông – Kim Sơn – Ninh Bình
ĐT: (+84) 229 3862 058 – Fax: (+84) 229 3862 724
Email: tgmpdiem@gmail.com
Ban Truyền thông Phát Diệm
Email: bttphatdiem@gmail.com
Kết nối với chúng tôi
Copyright © 2011-2020 Ban Truyền thông Phát Diệm