Sáng hôm nay, mùng Hai Tết Dương lịch 2020, phái đoàn Caritas Phát Diệm cùng quý cha Tòa Giám mục đã vượt quãng đường đến thăm anh chị em bệnh nhân trại phong Cẩm Thủy- Thanh Hóa để chia sẻ niềm vui Giáng Sinh và Năm mới.
.jpg)

Phái đoàn gồm 12 người, do cha Antôn Phan Văn Tự, Đại Diện Đức Giám quản làm trưởng đoàn, tiếp theo có cha giám đốc Caritas giáo phận, cha chánh văn phòng, quý cha, quý tu sĩ và giáo dân trong ban.
Đúng 06:00 đoàn khởi hành từ Phát Diệm và sau hơn hai tiếng vượt qua những đường làng quanh co, xe đã dần vào ngõ Trại phong Cẩm Thủy tại làng Tô, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy Thanh Hóa lúc 8:30. Một khung cảnh chìm trong sương núi rừng heo hút thanh vắng hiện ra trước mắt chúng tôi.


.JPG)
Trung tâm được thành lập cách đây hơn 50 năm (1967) là nơi ẩn náu cho hàng trăm bệnh nhân phong vượt qua nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần và cũng là nơi không còn xa lạ với nhiều người trong phái đoàn. Chỉ trong ít phút, anh chị em bệnh nhân đã đến đông đủ đón tiếp đoàn và vui vẻ ôn lại những kỷ niệm xưa.

Hiện tại trung tâm còn 33 bệnh nhân, trong đó một số ở nhà riêng xung quanh trong làng. Cha Đại diện và cha giám đốc Caritas bày tỏ tâm tình được gặp lại các gia đình anh chị em nơi đây và quý Ngài cũng cầu chúc cho mọi người chuẩn bị đón Xuân mới được bình an, hạnh phúc và dồi dào ơn trên.


Vị đại diện bệnh nhân đáp từ cám ơn
Thật là cảm động khi chứng kiến những con người tật nguyền, có khi mắt đã kém mà vẫn nhận ra những gương mặt thân quen, cách riêng cha Đại diện là người đến thăm họ đều đặn mỗi năm một đôi lần trong suốt 30 năm qua. Cũng có người tỏ ra ngờ ngợ rồi chợt gọi tên thầy chủng sinh hơn chục năm về trước từng đến sống với họ cả tháng trời và bây giờ đã trở thành linh mục. Bầu khí cuộc viếng thăm vì thế càng trở nên ấm áp, thân tình, dường như không còn mặc cảm ngăn cách.


Nhớ lại khi xưa nơi làng phong này có một điều ám ảnh các bệnh nhân ghê gớm. Ngoài nỗi đau “bệnh hủi”, còn một nỗi đau tinh thần khác mang tên “khe hủi”. Chuyện là vì gần trung tâm có một khe nước chảy xuống từ núi Lang Trắng, là nơi tắm, giặt cho tất cả các bệnh nhân phong cùi. Nhưng trớ trêu thay từ khi những "người hủi" xuất hiện thì những người "bình thường" khác cũng dần xa lánh. Từ thượng nguồn cho tới hạ nguồn, người ta thậm chí không dám cho trâu, bò uống nước, hay dẫn nước vào ruộng lúa, đơn giản vì sợ lây bệnh hủi. May mắn thay, y khoa đã có thể chữa khỏi bệnh phong và “khe hủi” lâu nay cũng không còn là nỗi ám ảnh đối với họ.

Sau những giây phút hàn huyên chia sẻ, phái đoàn lại lên đường và nhiều anh chị em không khỏi lưu luyến tiễn theo xe. Trên đường về, chúng tôi còn được nghe cha Đại diện kể một kỷ niệm năm xưa có một bệnh nhân cụt tay, dù không cùng niềm tin tôn giáo, đã đọc cho con dâu viết thư gửi cho ngài với một lời nhắn rất thân thương: “Bố đừng bỏ rơi chúng con nhé!”.