14h:25 (GMT+7) - Thứ tư, 9/10/2024 Theo dõi MXH:

"Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì" (Lc 3,10-18)

Diễn từ của ĐTC Phanxicô dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục

21h:25 (GMT+7) - Thứ tư, 20/04/2022

DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
KỶ NIỆM 50 NĂM THIẾT LẬP THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

Đại sảnh Phaolô VI
Thứ Bảy, ngày 17 tháng 10 năm 2015

Thưa các vị thượng phụ, hồng y, giám mục và anh chị em,

Đang khi tham dự Đại hội Toàn thể Thường kỳ (lần thứ 14) này, hết thảy chúng ta đều cảm thấy vui mừng, và cùng nhau ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa vì đây là dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập định chế Thượng Hội đồng Giám mục. Từ Công đồng Vaticanô II đến Đại hội hiện nay, chúng ta ngày càng cảm nhận rõ nét hơn sự cần thiết và vẻ đẹp của việc “đồng hành với nhau”.

Nhân dịp vui mừng này, tôi muốn gởi lời chào thân ái đến Đức Hồng y Tổng Thư ký Lorenzo Baldisseri, cùng với Đức cha Phó Tổng Thư ký Fabio Fabene, các giới chức, các tham vấn viên, cùng các cộng tác viên của Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, những người âm thầm làm việc mỗi ngày cho đến chiều tối. Cùng với các vị, tôi chào mừng và tri ân các nghị phụ Thượng Hội đồng và các tham dự viên trong Đại hội, cùng tất cả những ai hiện diện trong đại sảnh này.

Lúc này đây, chúng ta cũng muốn nhớ đến những vị trong suốt 50 năm qua, đã làm việc, phục vụ cho Thượng Hội đồng, khởi đi từ các Tổng Thư ký, lần lượt là: đức Hồng y Wladyslaw Rubin, đức Hồng y Jozef Tomko, đức Hồng y Jan Pieter Schotte và đức Tổng Giám mục Nikola Eterovic. Nhân dịp này, tôi cũng muốn bày tỏ lòng chân thành biết ơn những vị, còn sống hay đã qua đời, với sự dấn thân quảng đại cùng khả năng uyên bác, đã góp phần để Thượng Hội đồng luôn diễn tiến thuận lợi.

Ngay khi khởi đầu sứ vụ Giám mục Rôma, tôi đã có ý nêu bật giá trị của Thượng Hội đồng, vốn làm nên một trong những di sản quý giá nhất của Công đồng Vaticanô II[1]. Theo ý Chân phước Phaolô VI, Thượng Hội đồng Giám mục cần phải diễn tả lại hình ảnh của Công đồng đại kết, đồng thời phản ánh được tinh thần và phương pháp của Công đồng đó[2]. Chính vị Giáo hoàng này đã đoán trước rằng tổ chức Thượng Hội đồng “có thể sẽ ngày một hoàn hảo hơn”[3]. Hai mươi năm sau, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã lặp lại ý đó khi khẳng định rằng “có lẽ dụng cụ này sẽ còn có thể hoàn thiện hơn. Có lẽ trách nhiệm mục vụ mang tính hiệp đoàn được thể hiện trong Thượng Hội đồng còn có thể hoàn hảo hơn”[4]. Cuối cùng, năm 2006, Đức Bênêđictô XVI đã chuẩn nhận một số thay đổi trong Ordo Synodi Episcoporum [Quy định Thượng Hội đồng Giám mục], có quy chiếu đến các điều khoản thuộc Bộ Giáo luật [Hội thánh Tây phương] và Bộ Giáo luật của các Hội thánh Đông phương, được ban hành trong thời gian đó[5].

Chúng ta phải tiếp tục đi trên con đường này. Thế giới nơi chúng ta đang sống và được kêu gọi yêu thương và phục vụ, ngay cả giữa những mâu thuẫn của nó, đòi hỏi Hội thánh tăng cường sự hợp tác trong mọi lãnh vực thuộc sứ vụ của mình. Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội thánh của thiên niên kỷ thứ ba. Điều Chúa yêu cầu chúng ta, theo một nghĩa nào đó, hoàn toàn đã bao hàm trong hạn từ “sinod”. Cùng đi với nhau - bao gồm giáo dân, mục tử và giám mục Roma - là một khái niệm dễ diễn tả bằng lời, nhưng không dễ thực hành.

Sau khi tái xác nhận rằng Dân Thiên Chúa được hợp thành bởi tất cả những người đã chịu phép Rửa cùng được kêu gọi “trở nên ngôi nhà thiêng liêng và hàng tư tế thánh”[6], Công đồng Vaticanô II tuyên bố rằng “Toàn thể tín hữu được Đấng Thánh xức dầu (x. 1 Ga 2,20.27) nên không thể sai lầm trong đức tin, họ biểu lộ thuộc tính đặc biệt này qua cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi “từ các Giám mục đến các tín hữu bé mọn nhất” đều đồng thuận về những điều liên quan đến đức tin và phong hoá”[7]. Đây là lời tuyên bố về tính không thể sai lầm “in credendo” [khi tin] được nhiều người biết đến.

Trong Tông huấn Evangelii gaudium [Niềm vui Tin Mừng] tôi đã nhấn mạnh rằng “Dân Thiên Chúa là dân thánh, nhờ việc xức dầu này, trở nên không thể sai lầm “in credendo” [khi tin]”[8], và còn thêm: “Mọi người đã được rửa tội, dù ở vị trí nào trong Hội thánh hay với mức độ hiểu biết đức tin như thế nào, đều là chủ thể tích cực của việc loan báo Tin Mừng, và sẽ là bất cập nếu chỉ nghĩ đến một mô hình truyền giáo do các tác nhân ưu tú chuyên trách trong khi các tín hữu khác chỉ thụ động hưởng nhờ”[9]. Cảm thức đức tin ngăn cản sự phân chia cứng nhắc giữa Ecclesia docens [Hội thánh giảng dạy] và Ecclesia discens [Hội thánh học hỏi], vì ngay cả Đàn chiên cũng sở hữu một “khứu giác” riêng để phân định những nẻo đường mới được Chúa hé mở cho Hội thánh[10].

Chính xác tín này đã hướng dẫn tôi khi tôi ước mong dân Chúa được hỏi ý kiến trong hai giai đoạn chuẩn bị Thượng Hội đồng về gia đình, như đang làm và vẫn thường làm với mỗi “Lineamenta” [bản dự thảo]. Chắc chắn, việc thỉnh ý như thế, dù sao đi nữa, cũng chẳng thể đủ trong việc lắng nghe cảm thức đức tin. Nhưng làm thế nào có thể nói về gia đình mà không hỏi ý kiến các gia đình, lắng nghe niềm vui mừng và hy vọng, nỗi buồn phiền và ưu sầu của họ[11]? Với hai bản câu hỏi được gởi đến các Giáo hội địa phương, ít ra chúng ta đã có thể lắng nghe những câu trả lời của một số gia đình xoay quanh các vấn đề đụng chạm đến họ và qua đó họ có biết bao điều cần phải nói.

Hội thánh hiệp hành là Hội thánh lắng nghe, với ý thức rằng lắng nghe “không chỉ là nghe”[12]. Đây là việc lắng nghe lẫn nhau trong đó mỗi người đều có điều gì đó để học biết. Giáo hữu, giám mục đoàn, giám mục Roma: tất cả đều lắng nghe nhau, và tất cả đều lắng nghe Chúa Thánh Thần, “Thần khí sự thật” (Ga 14,17), để biết “điều Thần Khí nói với các Hội thánh” (Kh 2,7).

Thượng Hội đồng Giám mục là điểm hội tụ sự năng động lắng nghe này, được thực hiện ở mọi bình diện trong đời sống Hội thánh. Tiến trình Thượng Hội đồng khởi đầu qua việc lắng nghe dân Chúa, vốn “cũng tham dự vào chức năng ngôn sứ của Chúa Kitô”[13], theo một nguyên tắc được Hội thánh thiên niên kỷ thứ nhất đề cao: “Quod omnes tangit ab omnibus tractari debet” [Điều gì liên quan đến mọi người thì phải được mọi người bàn thảo]. Tiến trình Thượng Hội đồng sẽ tiếp tục bằng việc lắng nghe các mục tử. Qua các nghị phụ, các giám mục hành động như những người bảo vệ, giải thích và chứng nhân đích thực cho đức tin của toàn thể Hội thánh, là điều mà các ngài cần phải cẩn trọng phân định khỏi các trào lưu hay thay đổi của công luận”. Trước ngày họp Thượng Hội đồng năm ngoái, tôi đã khẳng định: “Đầu tiên, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần ban cho các nghị phụ Thượng Hội đồng ơn biết lắng nghe: Lắng nghe Thiên Chúa, để cùng với Ngài chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của Dân Ngài; lắng nghe Dân Ngài cho đến khi chúng ta hòa hợp với ý muốn mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đón nhận ý muốn đó”[14]. Cuối cùng, đỉnh cao của tiến trình Thượng Hội đồng là việc lắng nghe giám mục Roma, là người được mời gọi công bố với tư cách “mục tử và thầy dạy của mọi Kitô hữu”[15]: không khởi đi từ những xác tín cá nhân của ngài, nhưng như chứng tá tối cao cho “fides totius Ecclesiae” [đức tin của toàn thể Hội thánh], “bảo đảm cho Hội thánh tuân phục và phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, với Tin Mừng của Chúa Kitô và với truyền thống của Hội thánh”[16].

Thượng Hội đồng luôn hành động “cum Petro et sub Petro” [với thánh Phêrô và dưới quyền thánh Phêrô], do đó không chỉ hành động cùng với thánh Phêrô nhưng còn dưới quyền thánh Phêrô. Việc này không hạn chế tự do, nhưng bảo đảm cho sự hiệp nhất. Thật vậy, do thánh ý Chúa, Đức Giáo Hoàng “là nguyên lý và nền tảng vĩnh viễn, hữu hình của sự hợp nhất giữa các giám mục cũng như giữa các tín hữu”[17]. Nối kết với nguyên lý này, Công đồng Vaticanô II sử dụng ý niệm “hierarchica communio” [sự hiệp thông phẩm trật]: Các giám mục liên kết với giám mục Roma bởi mối dây hiệp thông giám mục (cum Petro), đồng thời về mặt phẩm trật thì phụ thuộc vào ngài như phụ thuộc thủ lãnh của giám mục đoàn (sub Petro)[18].

Là chiều kích làm nên Hội thánh, tính hiệp hành mang lại cho chúng ta nguyên tắc giải thích phù hợp nhất để hiểu về chính thừa tác vụ phẩm trật này. Nếu chúng ta hiểu rằng, như thánh Gioan Kim Khẩu đã nói, “Hội thánh và Synod là những từ đồng nghĩa”[19] - bởi vì Hội thánh khác nào đàn chiên của Thiên Chúa “cùng đi với nhau” trên các nẻo đường lịch sử đến gặp Chúa Kitô - thì chúng ta cũng hiểu rằng trong Hội thánh không ai có thể “đứng trên” người khác. Ngược lại, trong Hội thánh, nhất thiết phải có ai đó “tự hạ mình xuống” phục vụ anh chị em, dọc dài cuộc hành trình này.

Để thiết lập Hội thánh, Chúa Giêsu đã đặt trên thượng tầng Hội thánh một tông đồ đoàn, trong đó Phêrô là “tảng đá” (x. Mt 16,18), là người phải “củng cố” đức tin của anh em (x. Lc 22,32). Thế nhưng trong Hội thánh này, như kim tự tháp lộn ngược, đỉnh thượng tầng lại nằm ở dưới đáy. Bởi thế những người hành xử quyền bính được gọi là “người thừa hành”: vì, theo nghĩa gốc của từ, họ là những người hèn mọn nhất. Chính khi phục vụ dân Thiên Chúa, mỗi giám mục - đối với phần đàn chiên được ủy thác - trở nên “vicarius Christi”[20], đại diện Chúa Kitô, Đấng đã cúi xuống rửa chân cho các Tông đồ trong bữa Tiệc ly (x. Ga 13,1-15). Và, cũng trong viễn tượng này, chính đấng kế vị thánh Phêrô không khác nào “servus servorum Dei” [tôi tớ các tôi tớ của Thiên Chúa][21].

Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó! Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, hôm qua, hôm nay và mãi mãi, quyền bính duy nhất là quyền bính phục vụ, quyền lực duy nhất là quyền lực thập giá, theo như lời Thầy đã nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 10,25-27). Giữa anh em thì không được như vậy: qua cách diễn tả này chúng ta chạm tới phần cốt lõi mầu nhiệm Hội thánh - “Giữa anh em thì không được như vậy” - và nhận được sự soi dẫn cần thiết để hiểu về tính phẩm trật của việc phục vụ.

Trong Hội thánh hiệp hành, Thượng Hội đồng Giám mục chỉ là sự biểu lộ hiển nhiên nhất của tính năng động hiệp thông, nguồn cảm hứng cho mọi quyết định của Hội thánh.

Mức độ đầu tiên trong việc thực thi tính hiệp hành là ở nơi các Giáo hội địa phương. Sau khi đã nhắc lại thiết chế cao quý của Công nghị giáo phận, trong đó các linh mục và giáo hữu được kêu gọi hợp tác với giám mục vì thiện ích của toàn thể cộng đồng Hội thánh[22], Bộ Giáo Luật dành nhiều phần nói về những thiết chế thường được gọi là các “tổ chức hiệp thông” của Giáo hội địa phương: hội đồng linh mục, hội đồng tư vấn, hội kinh sĩ và hội đồng mục vụ[23]. Chỉ có thể bắt đầu hình thành một Hội thánh hiệp hành khi những tổ chức này nối kết với “cơ sở” và khởi đi từ dân chúng, từ những vấn đề hằng ngày của họ: dẫu cho đôi khi những phương tiện này hoạt động trì trệ, thì vẫn phải thấy được giá trị của chúng trong việc tạo ra các cơ hội lắng nghe và chia sẻ.

Mức độ thứ hai là mức độ giáo tỉnh và giáo miền, các công nghị địa phương và cách đặc biệt là các Hội đồng Giám mục[24]. Chúng ta phải suy tư để sao cho qua những tổ chức này, các định chế trung gian mang tính hiệp đoàn có thể hoạt động tốt hơn, ngay cả bằng cách bổ sung và cập nhật một số phương cách tổ chức Hội thánh cổ thời. Công đồng ước mong - và ước mong này vẫn chưa thành toàn - rằng các tổ chức như thế góp phần làm gia tăng tinh thần hiệp đoàn giám mục. Chúng ta đang ở giữa hành trình, ở lưng chừng con đường. Như tôi đã từng khẳng định, trong Hội thánh hiệp hành “Đức Giáo Hoàng không nên thay thế hàng giám mục địa phương trong việc phân định mọi vấn đề phát sinh trong địa phận của các ngài. Theo nghĩa này, tôi nhận thấy nhu cầu phải thực hiện “tản quyền” một cách lành mạnh”[25].

Mức độ cuối cùng là mức độ của Hội thánh hoàn vũ. Ở đây là Thượng Hội đồng Giám mục, đại diện hàng giám mục Công giáo, trở nên sự diễn tả tính hiệp đoàn giám mục bên trong một Hội thánh hiệp hành hoàn toàn[26]. Hai cách diễn đạt khác nhau: “tính hiệp đoàn giám mục” và “Hội thánh hiệp hành hoàn toàn”. Mức độ này biểu thị “collegialitas affectiva” [tính hiệp đoàn tâm cảm], mà đối với một số trường hợp có thể cũng trở nên “hiệu quả” [effective], giúp nối kết các giám mục lại với nhau và với Đức Giáo Hoàng trong việc chăm sóc dân Thiên Chúa[27].

Sự dấn thân xây dựng một Hội thánh hiệp hành - là sứ vụ mà Chúa kêu gọi tất cả chúng ta, mỗi người trong vai trò được Chúa ủy thác - rõ ràng có liên quan đến vấn đề đại kết. Vì lý do này, mới đây trong buổi tiếp kiến phái đoàn đại biểu của Tòa Thượng phụ Constantinốp, tôi đã nhắc lại niềm xác tín rằng “việc cẩn thận xem xét cách triển khai nguyên lý hiệp đoàn và sự phục vụ của vị chủ tọa trong đời sống Hội thánh sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện các mối quan hệ giữa các Hội thánh chúng ta”[28].

Tôi tin rằng, trong Hội thánh hiệp hành, ngay cả việc thực thi quyền tối thượng của thánh Phêrô cũng có thể được soi tỏ rõ ràng hơn. Tự thân, Đức Giáo Hoàng không đứng trên Hội thánh, mà ở bên trong Hội thánh như một người đã chịu phép Rửa giữa những người đã chịu phép Rửa và ở bên trong giám mục đoàn như một giám mục giữa các giám mục, đồng thời với tư cách đấng kế vị thánh Phêrô, ngài được gọi để hướng dẫn Hội thánh tại Roma vốn chủ trì tất cả các Hội thánh trong tình yêu thương[29].

Trong khi nhắc lại nhu cầu khẩn thiết phải suy tư về “sự hoán cải của chức vụ giáo hoàng”[30], tôi sẵn lòng lặp lại lời vị tiền nhiệm tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Là Giám mục Roma, tôi biết rõ [...] rằng sự hiệp thông trọn vẹn và hữu hình của tất cả các cộng đoàn - nơi đó, nhờ lòng trung thành với Thiên Chúa, Thần Khí của Người ngự trị - là ước muốn cháy bỏng của Chúa Kitô. Với cái nhìn này, tôi xác tín mình có trách nhiệm đặc biệt, nhất là khi nhận ra khát vọng đại kết của phần lớn cộng đồng Kitô giáo và khi lắng nghe yêu cầu đòi hỏi tôi phải tìm ra thể thức thực thi quyền tối thượng, có khả năng mở ra một tình thế mới, mặc dù không từ bỏ bất kỳ điều cốt yếu nào thuộc sứ vụ của quyền bính đó”[31].

Chúng ta còn mở rộng tầm nhìn đến cả nhân loại. Hội thánh hiệp hành như ngọn cờ giương cao giữa các quốc gia (x. Is 11,12) trong một thế giới, mặc dù kêu gọi cảm thông, liên đới và minh bạch trong việc quản trị công, nhưng vẫn thường trao nộp số phận toàn dân vào những bàn tay tham tàn của các nhóm người tuy ít nhưng đầy quyền lực. Với tư cách là một Hội thánh “đồng hành” với con người, chia sẻ những khó khăn cam go trong lịch sử, chúng ta hãy ấp ủ ước mơ sẽ có ngày qua việc tìm lại được phẩm giá bất khả xâm phạm của các dân tộc và chức năng phục vụ của chính quyền, xã hội dân sự cũng có thể được xây dựng trên sự công bình và tình huynh đệ, nhờ thế phát sinh một thế giới tốt đẹp hơn, nhân văn hơn cho những thế hệ tiếp nối[32].

Xin cám ơn.

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 127 (Tháng 1 & 2 năm 2022)
WHĐ (19.4.2022)


[1] x. Đức Phanxicô, Thư gởi Đức Hồng y Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, nhân dịp nâng Đức Ông Fabio Fabene, Phó Tổng Thư Ký lên hàng giám mục, 01.04.2014.

[2] x. Chân phước Phaolô VI, Diễn từ khai mạc phiên làm việc của Đại hội Toàn thể Thường kỳ Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ I, 30.09.1967.

[3] Chân phước Phaolô VI, Tự sắc Apostolica sollicitudo, 15.09.1965, Phần mở đầu.

[4] Thánh Gioan Phaolô II, Diễn từ bế mạc Đại hội Toàn thể Thường kỳ Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ VI, 29.10.1983.

[5] x. AAS 98 (2006), 755-779.

[6] Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium (21.10.1964), 10.

[7] Ibid., 12.

[8] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 24.11.2013, 119.

[9] Ibid., 120.

[10] x. Đức Phanxicô, Diễn từ nhân dịp gặp gỡ các giám mục hữu trách của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh (C.E.L.A.M) trong Hội nghị Phối kết chung, Rio de Janiero, 28.07.2013, 4, 4; ID., Diễn từ nhân cuộc gặp với giáo sĩ, những người sống đời thánh hiến và các thành viên của hội đồng mục vụ, Assisi, 04.10.2013.

[11] x. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 07.12.1965, 1.

[12] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 171.

[13] Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 12.

[14] Đức Phanxicô, Diễn từ nhân dịp canh thức cầu nguyện chuẩn bị cho Thượng Hội đồng về gia đình, 04.10.2014.

[15] Vatican I, Hiến chế tín lý Pastor Aeternus, 18.07.1870, ch. 4: Denz. 3074. Cũng x. Bộ Giáo luật, đk. 749, § 1.

[16] Đức Phanxicô, Diễn từ bế mạc Đại hội Toàn thể Ngoại thường Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ III, 18.10.2014.

[17] Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23. Cũng x. Vatican I, Hiến chế tín lý Pastor Aeternus, Phần mở đầu: Denz. 3051.

[18] x. Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22; Sắc lệnh Christus Dominus, 28.10.1965, 4.

[19] Thánh Gioan Kim Khẩu, Explicatio in Ps. 149: PG 55, 493.

[20] x. Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 27.

[21] x. Đức Phanxicô, Diễn từ bế mạc Đại hội Toàn thể Ngoại thường Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ III, 18.10.2014.

[22] x. Bộ Giáo luật, đk. 460-468.

[23] x. Ibid., đk. 495-514.

[24] x. Ibid., đk. 431-459.

[25] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 16. Cũng x. Ibid., 32.

[26] x. Vatican II, Sắc lệnh Christus Dominus, 5; Bộ Giáo luật, đk. 342-348.

[27] x. Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Pastores gregis, 16.10.2003, 8.

[28] Đức Phanxicô, Diễn từ với Phái đoàn Đại kết của Tòa Thượng phụ Constantinốp, 27.06.2015.

[29] x. Thánh Inhaxiô thành Antiochia, Epistula ad romanos, Phần mở đầu: PG 5, 686.

[30] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 32.

[31] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Ut Unum Sint, 25.05.1995, 95.

[32] x. Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 186-192; Thông điệp Laudato si', 24.05.2015, 156-162.

CÁC TIN KHÁC
Tinh thần truyền giáo của Đức cha Francois Pallu và Lambert de la Motte qua những yếu tố tu đức-chiêm niệm-thập giá trong Monita ad Missionarios đối chiếu với một số tài liệu trong truyền thống Dòng Mến Thánh Giá
Tinh thần truyền giáo của Đức cha Francois Pallu và Lambert de la Motte qua những yếu tố tu đức-chiêm niệm-thập giá trong Monita ad Missionarios đối chiếu với một số tài liệu trong truyền thống Dòng Mến Thánh Giá
Tinh thần truyền giáo của Đức cha Francois Pallu và Lambert de la Motte qua những yếu tố tu đức-chiêm niệm-thập giá trong Monita ad Missionarios đối chiếu với một số tài liệu trong truyền thống Dòng Mến Thánh Giá
Chi tiết >>
Khẩu hiệu trong linh đạo mục vụ của Đức Giáo hoàng Phanxicô
Khẩu hiệu trong linh đạo mục vụ của Đức Giáo hoàng Phanxicô
WHĐ (14/8/2024) - Làm sao để tóm gọn đường hướng mục vụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô? Đây là câu hỏi rất lớn, khi Giáo hoàng Phanxicô luôn cố gắng “tìm thấy Chúa trong mọi sự”. Theo đó, Đức Giáo hoàng đã đưa ra rất nhiều chương trình nghị sự dành cho Roma, và sau đó là cho toàn Giáo hội. Tuy nhiên, để dễ hiểu hơn về những chương trình này, chúng ta có thể nhìn thấy nơi khẩu hiệu của ngài.
Chi tiết >>
Tiểu sử 13 chân phước sẽ được tuyên thánh vào ngày 20/10/2024
Tiểu sử 13 chân phước sẽ được tuyên thánh vào ngày 20/10/2024
Tiểu sử 13 chân phước sẽ được tuyên thánh vào ngày 20/10/2024
Chi tiết >>
Cuộc đời và sự nghiệp cha Phêrô Trần Lục
Cuộc đời và sự nghiệp cha Phêrô Trần Lục
Cuộc đời và sự nghiệp cha Phêrô Trần Lục
Chi tiết >>
Mẹ Maria giúp ta biết Chúa Giêsu như thế nào?
Mẹ Maria giúp ta biết Chúa Giêsu như thế nào?
Mẹ Maria giúp ta biết Chúa Giêsu như thế nào?
Chi tiết >>
Lần xưng tội khởi đầu ơn gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô
Lần xưng tội khởi đầu ơn gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô
Lần xưng tội khởi đầu ơn gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô
Chi tiết >>
Chúa Giêsu sống lại…việc đó có làm thay đổi gì?
Chúa Giêsu sống lại…việc đó có làm thay đổi gì?
Chúa Giêsu sống lại…việc đó có làm thay đổi gì?
Chi tiết >>
Chúa Giêsu phải chịu chết trên Thập giá – Vì cớ làm sao?
Chúa Giêsu phải chịu chết trên Thập giá – Vì cớ làm sao?
Câu trả lời của cha Philippe Louveau, cha sở của giáo xứ Saint-Cyr-Sainte-Julitte de Villejuif, giáo phận Créteil, Pháp. Trình thuật về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô trên Thập giá gây chấn động. Vì sao Chúa Giêsu phải chịu chết? Đó là lời sửng sốt mà bất cứ ai cũng có thể thốt lên khi chứng kiến cảnh tượng bạo lực này trong các sự kiện. Xem ra có thể có nhiều câu trả lời và sự thực trong Kinh Thánh có nói đến.
Chi tiết >>
Tòa Giám mục Phát Diệm
75 Phát Diệm Đông – Kim Sơn – Ninh Bình
ĐT: (+84) 229 3862 058 – Fax: (+84) 229 3862 724
Email: tgmpdiem@gmail.com
Ban Truyền thông Phát Diệm
Email: bttphatdiem@gmail.com
Kết nối với chúng tôi
Copyright © 2011-2020 Ban Truyền thông Phát Diệm