MÙA CHAY: SUY NGẪM TỪ NỖI BUỒN CHÁN
Têrêsa Phạm Thuỷ (TGPSG)
WGPSG (09.3.022)-- Trong cuộc đời, mỗi người chúng ta đều khó tránh khỏi những lúc cảm thấy cô đơn buồn chán: tâm hồn rơi vào khoảng không vô định, không muốn làm gì, không thiết tha gì, chỉ muốn buông theo dòng đời trôi nổi. Tại sao vậy? Cũng là bản thân mình thôi, sao có lúc rất hăng hái vui tươi, không ngại vất vả, sẵn sàng hy sinh, không ngại khó, nhưng cũng có khi lại cảm thấy rất yếu đuối, buồn chán, không đủ sức làm bất cứ điều gì?
Khi gặp phải tâm trạng buồn chán, tâm trí ở trong khoảng không trống rỗng vô định như thế, tôi phải làm gì? Lẩn trốn hay đối diện?
Có người trốn chạy cảm giác đó bằng cách làm việc này việc kia. Nếu đó là việc làm tích cực mang lại những điều ích lợi cho bản thân và mọi người thì đó là điều đáng hoan nghênh. Ngược lại có những người tìm cách lấp đầy cảm giác trống rỗng buồn chán bằng cách chạy theo những đam mê tội lỗi, để mặc bản thân buông thả trong những giải trí không lành mạnh, cuối cùng khiến bản thân rơi vào tình trạng u mê hơn. Và cứ như vậy, cái vòng luẩn quẩn lập đi lập lại, mãi hoài không thoát ra được.
Để thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn này, tôi thấy mình cần ý thức sâu xa hơn về bản chất con người. Con người mang trong mình khát vọng hạnh phúc tuyệt đối, vạn vật trần gian hữu hạn không thoả mãn được khát vọng ấy, nên con người vẫn luôn mãi khắc khoải, khao khát kiếm tìm. Thánh Augustino, trước khi được ơn trở lại với Chúa, đã đi tìm hạnh phúc ở nơi các tạo vật. Vẻ đẹp của chúng đã làm ngài say mê. Nhưng sau khi được thoả mãn với những vẻ đẹp và thú vui nhục dục, ngài vẫn cảm thấy nội tâm trống rỗng và buồn chán. Sau khi được ơn sám hối, ngài đã diễn tả tâm trạng này: “Chúa đã tạo dựng con cho Chúa, và lòng con những khắc khoải cho tới khi được an nghỉ trong Chúa”.
Như vậy, cuộc sống trần gian chỉ là một hành trình đi tìm hạnh phúc. Và hạnh phúc viên mãn thực sự chỉ có ở nơi Thiên Chúa, bởi chỉ có Ngài mới hoàn hảo. Mọi sự nơi trần gian này đều hữu hạn không thể lấp đầy những khát vọng vô biên của con người, khiến con người không thoát khỏi sự buồn chán sâu xa nếu chưa gặp được Thiên Chúa.
Hiểu như thế, khi gặp buồn chán, đau khổ, tôi cố gắng mang tất cả vào cầu nguyện, vào cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Trong thinh lặng, tôi nhìn thẳng vào nỗi buồn chán vu vơ trống rỗng của tôi. Tôi nói với Chúa về chính sự buồn chán ấy. Tôi gặp được Chúa - Đấng là nguồn hạnh phúc, tôi gặp được chính mình, và còn gặp Đức Giêsu là mẫu gương giúp tôi biến đau khổ và buồn chán thành của lễ hy sinh. Niềm tin vào Đức Giêsu, cùng với mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài, giúp tôi biết mình từ đâu đến, sống để làm gì và đi về đâu.
Tôi nhìn lên Chúa Giêsu, người Anh Cả đã đi bước trước trong cuộc lữ hành đức tin. Ngài sống những năm tháng ở trần gian trong thân phận người phàm với những thăng trầm của kiếp người, những lầm than vất vả, những khổ đau, nhất là trong 3 năm cuối đời. Đặc biệt nhất trong biến cố Vượt Qua, Ngài rơi vào cảnh buồn sầu ở vườn Cây Dầu. Các môn đệ đã để mặc Ngài chìm trong sự cô đơn sợ hãi trước những cực hình Ngài sắp chịu.
Điểm son trong mọi biến cố của cuộc đời Ngài là Ngài luôn hướng về Chúa Cha, luôn cầu nguyện với Chúa Cha. Khi đối mặt với những khó khăn thử thách, Ngài cũng sợ hãi và cầu xin cùng Chúa Cha: “Lạy Cha nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này…” (Mt 26, 39).
Khi tôi buồn chán, mệt mỏi chẳng muốn làm gì, tôi liên tưởng hình ảnh Đức Giêsu bị té ngã khi Ngài vác thánh giá. Sức nặng của cây thập giá và những roi đòn đã khiến ngài quá mệt mỏi. Lúc đó chắc hẳn ngài cũng muốn nghỉ ngơi, buông xuôi. Nhưng Ngài luôn gượng dậy ôm lấy cây thánh giá, đi trọn hành trình cứu độ, chấp nhận cái chết đau thương để rồi phục sinh vinh hiển. Hình ảnh đó thôi thúc tôi đón nhận thánh giá là những đau khổ buồn chán không thể tránh khỏi của thân phận làm người, can đảm đi theo Ngài trong cuộc hành trình thập giá với hy vọng chắc chắn sẽ được phục sinh viên mãn trong hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài.
Như vậy, thay vì trốn chạy những buồn chán, đau khổ, tôi đối diện trực tiếp với nó, đón nhận nó trong cầu nguyện. Khi chấp nhận thân phận mỏng manh của kiếp người, nỗ lực chu toàn bổn phận trách nhiệm trong hiện tại, tôi thấy nhẹ nhàng hơn, bình an hơn.
Trong cầu nguyện, nỗi buồn chán đau khổ của tôi được thánh hoá cùng với những đau khổ của Chúa Giêsu trong thân phận con người, vẫn đang tái diễn nơi những anh chị em đang gặp đau khổ qua những hình thức khác nhau. Cầu nguyện giúp tôi kín múc được sức mạnh tinh thần, giúp tôi không bị lạc lõng giữa dòng đời nổi trôi, giúp cho đau khổ và sự buồn chán của tôi trở thành phương tiện của ơn cứu rỗi.