WHĐ (23.06.2023) – Sáng hôm 23.06.2023, Đức Thánh Cha đã dành cho các nghệ sĩ buổi tiếp kiến riêng tại Nhà nguyện Sistine, nhân cuộc gặp gỡ kỷ niệm 50 năm khai trương bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại của Bảo tàng Vatican.
Sau đây là nội dung bài diễn văn của Đức Thánh Cha:
DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO CÁC NGHỆ SĨ NHÂN DỊP KỶ NIỆM 50 NĂM KHAI TRƯƠNG
BỘ SƯU TẬP NGHỆ THUẬT HIỆN ĐẠI CỦA BẢO TÀNG VATICAN
Nhà nguyện Sistine
Thứ Sáu, ngày 23.06.2023
Chào buổi sáng và chào mừng anh chị em. Tại Nhà nguyện Sistine này, chúng ta được bao quanh bởi nghệ thuật… và bởi các nghệ sĩ: chính là anh chị em. Xin chào anh chị em!
Cảm ơn anh chị em vì đã nhận lời mời của tôi; tôi rất vui khi được ở bên anh chị em, bởi vì Giáo hội luôn có mối tương quan với các nghệ sĩ một cách vừa tự nhiên vừa đặc biệt. Là một tình bạn tự nhiên, bởi vì các nghệ sĩ coi trọng sự phong phú của sự hiện hữu của con người, của cuộc sống, và của thế giới, kể cả những mâu thuẫn và những khía cạnh bi thảm của nó. Sự phong phú này có nguy cơ biến mất khỏi tầm nhìn của nhiều chuyên ngành, vốn đáp ứng nhu cầu tức thời, nhưng lại khó có thể nhìn cuộc sống như một thực tại phức tạp và đa diện. Là nghệ sĩ, anh chị em nhắc nhở chúng tôi rằng chiều kích mà trong đó chúng tôi di chuyển, dù là vô thức, luôn là chiều kích của Thần Khí. Nghệ thuật của anh chị em giống như một cánh buồm căng tràn sức gió của Thần Khí và đẩy chúng tôi tiến về phía trước. Do đó, tình bạn của Giáo hội với nghệ thuật là một điều gì đó hết sức tự nhiên. Nhưng, đồng thời, đó cũng là một tình bạn đặc biệt, nhất là nếu chúng ta nghĩ về nhiều giai đoạn lịch sử mà chúng ta đã cùng nhau đi qua, và là một phần di sản của tất cả mọi người, dù là tín hữu hoặc không tín ngưỡng. Lưu tâm đến điều này, chúng ta hãy hướng tới một mùa hoa trái phong phú mới trong thời đại của chúng ta, được sinh ra từ bầu khí lắng nghe, tự do và tôn trọng. Mọi người cần những hoa trái ấy, những hoa trái rất đặc biệt ấy.
Romano Guardini đã từng viết rằng: “Trạng thái của người nghệ sĩ không khác gì trạng thái của một đứa trẻ và thậm chí trạng thái của một người có tầm nhìn xa trông rộng” (L’opera d’arte, Brescia, 1998, 25). Tôi thấy hai so sánh này rất thú vị. Đối với Guardini, “tác phẩm nghệ thuật mở ra một không gian mà chúng ta có thể bước vào, và ở trong đó, chúng ta có thể hít thở, di chuyển và gặp gỡ các vật thể và con người khi chúng mở ra trước mắt chúng ta” (sđd., 35). Chính trong cuộc gặp gỡ với nghệ thuật, các ranh giới trở nên linh hoạt hơn và những giới hạn trong kinh nghiệm và hiểu biết của chúng ta mở rộng hơn. Mọi thứ dường như cởi mở và dễ tiếp cận hơn. Chúng ta trải nghiệm tính tự phát của đứa trẻ tràn đầy trí tưởng tượng và trực giác của người nhìn xa trông rộng nắm bắt thực tế.
Nghệ sĩ là một đứa trẻ - tôi không có ý xúc phạm anh chị em - điều này có nghĩa là nghệ sĩ có được sự tự do để kiểm soát sự độc đáo, mới lạ và sáng tạo, và do đó mang đến cho thế giới những điều mới mẻ và chưa từng có. Khi làm như vậy, các nghệ sĩ bác bỏ ý kiến cho rằng con người là “sinh vật hướng tới cái chết”. Chắc chắn là con người phải đối diện với cái chết, nhưng chúng ta không phải là sinh vật hướng tới cái chết, mà là sinh vật hướng tới sự sống. Một nhà tư tưởng vĩ đại như Hannah Arendt đã khẳng định rằng dấu ấn của con người là khả năng mang lại sự mới mẻ cho thế giới. Đây là một phần của sự phong phú của chúng ta như là con người: mang đến sự mới mẻ. Ngay cả trong tự nhiên, sự sinh sản mang lại sự mới mẻ khi mỗi đứa trẻ được sinh ra trên thế giới. Sự mở ra và mới mẻ. Với tư cách là nghệ sĩ, anh chị em đạt được điều này bằng cách khẳng định sự độc đáo riêng của mình. Trong các tác phẩm, anh chị em luôn đặt một thứ gì đó của bản thân mình, với tư cách là những hữu thể độc nhất giống với tất cả chúng tôi, vì ích lợi của việc sáng tạo một điều gì đó vĩ đại hơn. Với tài năng của mình, anh chị em mang lại một điều gì đó khác thường; anh chị em làm phong phú thế giới với một điều gì đó mới mẻ. Tôi nghĩ đến những lời trong sách Tiên tri Isaia khi Thiên Chúa phán: “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?” (Is 43, 19). Trong Sách Khải Huyền, Thiên Chúa cũng phán như vậy: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (21, 5). Do đó, sự sáng tạo của người nghệ sĩ có thể được xem là sự chia sẻ niềm đam mê sáng tạo của chính Thiên Chúa, niềm đam mê mà nhờ đó Ngài đã tạo dựng muôn vật. Anh chị em là những người chia sẻ giấc mơ của Thiên Chúa! Anh chị em có những đôi mắt biết quan sát và ước mơ. Chỉ nhìn thôi thì chưa đủ; chúng ta còn cần có khả năng ước mơ. Như một nhà văn Mỹ Latinh đã nói, con người chúng ta có hai con mắt: một để nhìn những gì chúng ta thấy, và một để nhìn những gì chúng ta hy vọng và mơ ước. Khi ai đó thiếu đi hai con mắt này, hoặc chỉ có thể nhìn mọi thứ bằng một mắt này hoặc một mắt kia, thì đã bị mất đi một thứ gì đó. Khả năng nhìn thấy những hy vọng và ước mơ… khả năng sáng tạo nghệ thuật… Chỉ nhìn thôi thì chưa đủ; chúng ta cũng cần phải ước mơ. Là con người, chúng ta khao khát một thế giới mới mà chúng ta sẽ không nhìn thấy trọn vẹn với đôi mắt của chính mình, nhưng chúng ta khao khát, chúng ta tìm kiếm, chúng ta mơ ước về thế giới mới đó.
Vì vậy, với tư cách là nghệ sĩ, anh chị em có khả năng mơ về những phiên bản mới của thế giới, để đưa sự mới lạ vào lịch sử. Phiên bản mới của thế giới. Đó là lý do tại sao Guardini cũng nói rằng anh chị em giống như những người có tầm nhìn xa trông rộng. Anh chị em có một chút giống với các vị ngôn sứ. Anh chị em có thể nhìn thấy sự vật ở cả chiều sâu và từ xa, giống như những người lính canh tập trung nhìn vào đường chân trời và phân định những thực tại sâu sắc hơn. Khi làm như vậy, anh chị em được mời gọi thoát ra khỏi sức hấp dẫn của vẻ đẹp bên ngoài và nhân tạo được cho là phổ biến hiện nay và thường đồng lõa với các cơ chế kinh tế tạo ra sự bất bình đẳng. Đó không phải là một vẻ đẹp thu hút, vì đó là một vẻ đẹp vô hồn, không có sức sống. Một vẻ đẹp giả tạo, mỹ phẩm, một lớp trang điểm che giấu thay vì biểu lộ. Trong tiếng Ý, từ “trang điểm” cũng có nghĩa là “đánh lừa”, vì luôn luôn có một chút lừa dối trong đó. Anh chị em muốn tránh xa vẻ đẹp ấy, thay vào đó, nghệ thuật của anh chị em là một nghệ thuật cố gắng hành động như một lương tâm phê phán xã hội, phô bày những sự thật hiển nhiên. Anh chị em muốn làm cho mọi người phải suy nghĩ, phải tỉnh táo; anh chị em muốn phơi bày thực tế ngay cả trong những mâu thuẫn của nó, cũng như trong những điều mà việc che giấu sẽ thoải mái và thuận tiện hơn. Giống như các vị ngôn sứ trong Kinh thánh, đôi khi anh chị em đối diện với những điều không thoải mái; chỉ trích những huyền thoại sai lầm, và những thần tượng mới ngày nay, những lời nói sáo rỗng, những cạm bẫy của chủ nghĩa tiêu thụ, những âm mưu quyền lực. Đây là một khía cạnh thú vị trong tâm lý của các nghệ sĩ: khả năng tiến về phía trước và vượt lên trên, trong sự căng thẳng giữa thực tại và ước mơ.
Anh chị em thường làm điều này với sự châm biếm, châm biếm là một đức tính tuyệt vời. Khiếu hài hước và châm biếm là hai đức tính chúng ta cần trau dồi hơn nữa. Kinh thánh chứa đầy những câu chuyện châm biếm, giễu cợt về tính tự mãn, bất lương, bất công và độc ác ẩn dưới vỏ bọc của quyền lực và thậm chí cả sự thánh thiêng. Anh chị em cũng có thể giúp để phân định lòng đạo đức chân chính, thường bị thể hiện cách sáo rỗng và tầm thường hóa.
Là những người nhìn xa trông rộng, những người nam nữ có sự phân định, có lương tâm phê phán, tôi cảm thấy anh chị em là đồng minh trong rất nhiều điều mà tôi canh cánh trong lòng, chẳng hạn như bảo vệ sự sống con người, công bằng xã hội, quan tâm đến người nghèo, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, tình huynh đệ nhân loại phổ quát. Tôi quan tâm đến lòng nhân đạo của con người, chiều kích nhân văn của nhân loại. Vì đó cũng là đam mê cao cả của Thiên Chúa. Một trong những điều đưa nghệ thuật đến gần hơn với đức tin là việc cả hai đều có khuynh hướng gây ra sự xáo trộn. Cả nghệ thuật và đức tin đều không thể để mọi thứ đơn giản như chúng là: nghệ thuật và đức tin thay đổi, chuyển đổi, di chuyển, và biến đổi mọi thứ. Nghệ thuật không bao giờ có thể là liều thuốc gây mê; nghệ thuật mang lại bình an, nhưng không hề ru ngủ lương tâm, mà thức tỉnh lương tâm.
Là nghệ sĩ, anh chị em thường cố gắng khám phá chiều sâu của thân phận con người, những vực thẳm đen tối của phận người. Chúng tôi tất cả không phải là ánh sáng, và anh chị em nhắc nhở chúng tôi về điều này. Đồng thời, cần phải thắp lên ánh sáng hy vọng trong bóng tối của phận người, giữa sự ích kỷ và thờ ơ. Giúp chúng ta thoáng thấy ánh sáng, vẻ đẹp cứu độ.
Nghệ thuật luôn gắn liền với cảm nghiệm về cái đẹp. Như Simone Weil đã viết: “Cái đẹp quyến rũ xác thịt để vào được tâm hồn” (L’ombra e la grazia, Bologna, 193). Nghệ thuật chạm đến các giác quan để làm phấn chấn tinh thần, và nghệ thuật làm được điều đó thông qua cái đẹp, vốn phản ánh những điều tốt đẹp, công bằng và chân thực. Cái đẹp là dấu chỉ của sự hoàn hảo; Cái đẹp khiến chúng ta thốt lên một cách tự nhiên: “Ôi, đẹp biết bao!” Cái đẹp làm cho chúng ta cảm thấy cuộc sống hướng đến sự viên mãn, trọn vẹn. Vì vậy, trong cái đẹp đích thực, người ta bắt đầu trải nghiệm lòng khao khát Thiên Chúa. Nhiều người ngày nay hy vọng rằng nghệ thuật có thể ngày càng trở lại với việc trau dồi cái đẹp. Tất nhiên, như tôi đã nói, cũng có một loại vẻ đẹp phù phiếm, giả tạo, hời hợt, thậm chí không thực. Vẻ đẹp thẩm mỹ.
Tôi tin rằng có một tiêu chí quan trọng để phân định sự khác biệt của vẻ đẹp, đó là sự hài hòa. Vẻ đẹp đích thực, thật ra là sự phản ánh của sự hài hòa. Các nhà thần học nói về tình phụ tử của Thiên Chúa, về tư cách làm con của Đức Kitô, nhưng khi mô tả Chúa Thánh Thần, họ nói về sự hài hòa: Ipse harmonia est. Thần Khí tạo nên sự hài hòa. Chiều kích nhân tính của tâm linh... Vẻ đẹp đích thực luôn là sự phản ánh của sự hài hòa. Nếu tôi có thể nói như vậy, hài hòa là đức tính hữu hiệu của cái đẹp, là tinh thần sâu xa nhất của cái đẹp, nơi Thần Khí Thiên Chúa, Đấng hài hòa vĩ đại của thế giới, đang hoạt động. Sự hài hòa tồn tại khi các yếu tố tuy khác biệt nhau nhưng vẫn hợp thành một thể thống nhất, khác với từng bộ phận và khác với tổng thể của các bộ phận. Điều này không hề dễ dàng; chỉ có Thần Khí mới có thể làm cho điều này trở nên khả thi: những khác biệt không trở thành xung đột, nhưng hòa nhập với nhau trong sự đa dạng, và sự hiệp nhất không phải là đồng nhất nhưng mở ra cho sự đa dạng. Như tại Lễ Ngũ Tuần, sự hài hòa đã làm nên những điều kỳ diệu này. Tôi thích nghĩ về Chúa Thánh Thần như là Đấng cho phép những sự xáo trộn lớn nhất xảy ra – hãy nghĩ về buổi sáng của ngày Lễ Ngũ Tuần – và sau đó tạo ra sự hài hòa. Một sự hài hòa nhưng không phải là sự cân bằng, bởi vì hài hòa được phát sinh trước hết từ sự mất cân bằng; hài hòa là một cái gì đó nhiều hơn là sự cân bằng. Sứ điệp này thật hợp thời biết bao! Chúng ta đang sống trong thời đại của các hình thức thực dân hóa ý thức hệ và xung đột gay gắt do phương tiện truyền thông điều khiển; một sự toàn cầu hóa tiêu chuẩn hóa mọi thứ cùng tồn tại với bất kỳ nhóm lợi ích cụ thể nào khép kín và thu mình lại.
Đây là nguy cơ của thời đại chúng ta. Thậm chí, Giáo hội có thể bị ảnh hưởng. Xung đột có thể diễn ra dưới sự giả vờ hiệp nhất, từ đó nảy sinh chia rẽ, bè phái và những hình thức tự kỷ ái mộ. Chúng ta càng cần phải làm cho nguyên tắc hài hòa hiện diện trong thế giới của chúng ta nhiều hơn và loại bỏ sự đồng nhất. Là nghệ sĩ, anh chị em có thể giúp chúng tôi nhường chỗ cho Thần Khí. Khi nhìn thấy công trình của Thần Khí, Đấng tạo ra sự hài hòa từ những khác biệt nhưng không phá hủy hoặc tiêu chuẩn hóa sự khác biệt mà đưa sự khác biệt vào sự hài hòa, chúng ta mới hiểu được cái đẹp thực sự là gì. Cái đẹp là tác phẩm của Thần Khí, Đấng tạo nên sự hài hòa. Anh chị em hãy để thiên tài nghệ thuật của mình theo đuổi tiến trình này!
Anh chị em thân mến, tôi rất vui khi có cuộc gặp gỡ hôm nay. Trước khi tạm biệt, tôi có một điều nữa muốn nói với anh chị em, vốn là một điều tôi rất tâm đắc. Tôi muốn xin anh chị em đừng quên những người nghèo, những người rất gần gũi với trái tim của Đức Kitô, những người bị ảnh hưởng bởi nhiều hình thức nghèo khó ngày nay. Người nghèo cũng cần nghệ thuật và cái đẹp. Một số người đang sống cuộc sống hết sức khó khăn, và do đó, họ thậm chí còn cần nghệ thuật và cái đẹp hơn nữa. Họ thường không có tiếng nói để làm cho mình được lắng nghe. Anh chị em có thể chọn trở thành thông dịch viên cho lời nài xin thầm lặng của họ.
Xin cảm ơn anh chị em, và một lần nữa, tôi khẳng định sự quý trọng của tôi dành cho anh chị em. Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng các công trình của anh chị em đáng giá với những người nam, nữ trên trái đất này, đồng thời tôn vinh Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, và là Đấng mà tất cả mọi người đều tìm kiếm, kể cả qua chứng tá của các tác phẩm nghệ thuật. Và cuối cùng, xin anh chị em hãy hiệp ý cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (23. 06. 2023)