Cha Luca Trần Hùng Sỹ (+) và các tân chức
cùng Đức cha Tađêô Lê Hữu Từ
2. Trong khung cảnh một số trào lưu vào những năm đầu thế kỉ 20
Giai đoạn cha Luca Trần Hùng Sỹ được đào tạo trong chủng viện cũng là thời điểm mà trong nhiều lĩnh vực, xã hội Việt Nam có những thay đổi quan trọng.
Những năm đầu thế kỉ 20, nhiều người trong giới trí thức Việt Nam như Phan Bội Châu, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh nhận thấy chữ quốc ngữ là một phương tiện để dân chúng có thể dễ dàng tiếp nhận văn minh phương Tây:
Chữ quốc ngữ là hồn trong nước,
Phải đem ra tính trước dân ta.
Nhận thức này đã khiến nhiều nhóm khích lệ việc sử dụng chữ quốc ngữ, trong đó phải kể tới phong trào truyền bá chữ quốc ngữ. Điều này dẫn đến việc sách báo chữ quốc ngữ xuất hiện ngày càng nhiều và dần dần thay thế cho sách báo Hán-Nôm vốn chiếm vị trí hầu như độc tôn trước đó.
Bên cạnh phong trào phổ biến chữ quốc ngữ là cuộc cách tân trong lãnh vực văn chương. Phong trào thơ mới tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt, với rất nhiều tên tuổi như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận. Những cuốn tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn cũng thổi một luồng gió mới vào xã hội Việt Nam. Không chỉ là phương tiện phổ biến những tư tưởng mới và đả phá nếp sống cũ, những bộ tiểu thuyết của nhóm này như Hồn bướm mơ tiên (1933), Nửa chừng xuân (1934), Đoạn tuyệt (1934),Thoát ly (1937) còn mang nét hấp dẫn đặc biệt vì lối hành văn mới mẻ với những câu văn ngắn gọn mạch lạc. Có thể nói rằng trong giai đoạn này nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã làm nên một cuộc cách mạng trong văn chương và ngôn ngữ Việt Nam.
Song song với hai trào lưu về chữ viết và văn chương kể trên, cuộc cách tân âm nhạc được cho là chịu ảnh hưởng nhiều của môi trường công giáo. Vào đầu thế kỉ 20, một số người Việt Nam bắt đầu tiếp nhận và sáng tác theo phong cách âm nhạc phương Tây. Nhiều ca khúc được sáng tác trong giai đoạn này như Bẽ bàng (1935), Nghệ sĩ hành khúc (1936) Tiếng sáo chăn trâu (1935), Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm (1937), Đêm thu (1940) Con thuyền không bến (1941), Thiên thai (1941), Giọt mưa thu (1942)… đã gây được tiếng vang lớn và dần dần hình thành một trào lưu âm nhạc mới mẻ, để lại dấu ấn lâu dài trong nền tân nhạc Việt Nam. Trong giới công giáo, tại Hà Nội, Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh ra đời với những tên tuổi đã đi vào lịch sử thánh ca Việt Nam như Hùng Lân, Nguyễn Khắc Xuyên, Hoài Đức… Tại các giáo phận Bùi Chu, Hải Phòng, Thanh Hóa, nhiều nhóm nhạc sĩ công giáo cũng sáng tác và ấn hành những tập thánh ca khác nhau.
3. Và môi trường sáng tác tại chủng viện
Như đã nói, xuất phát điểm của nền tân nhạc Việt Nam vốn ít nhiều chịu ảnh hưởng của môi trường công giáo. Trong giai đoạn này, tại các chủng viện, khá nhiều linh mục tu sĩ Việt Nam sáng tác các bài thánh ca với ảnh hưởng của thánh ca Tây phương.
Trong lời giới thiệu bản viết tay tập Nhạc Thần, nhạc sĩ Hùng Sỹ ghi nhận rằng những năm 1933-1940, tại giáo phận Phát Diệm, một số tập thánh ca tiếng Việt dựa theo cung Latinh hoặc cung nhạc Pháp đã được ấn hành. Trước năm 1945, những bài hát trong thánh lễ và chầu Mình Thánh đều bằng tiếng Latinh. Sau giai đoạn này, những tập sách hát tiếng Việt xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Riêng tại chủng viện, nhiều tập Ca Thánh của các nhạc sĩ Phát Diệm như G.B. Bách, Phương Linh, Hùng Sỹ, Đồng Châu, F.X. Lương, Mai Văn Điệu, Phi Long, Lưu Hương, Tiến Hưng, Lê Cương, Trần Hùng Dũng, Mai Lạc Thiện, Nguyễn Khắc Tuần, Phạm Đình Nhu, Vinh Hạnh, Long Nghị, Trung Hiếu, Cao Khâu… được in ấn và phổ biến rộng rãi. Năm 1945, một trong những thành viên của nhóm Ca Thánh, cũng là bạn cùng lớp với Hùng Sỹ, nhạc sĩ Phương Linh, tức thầy Rôcô Trần Hữu Linh, đạt giải nhất trong cuộc thi sáng tác nhạc cho thiếu nhi do nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tổ chức, với bài Trăng thu chèo thuyền.
Cũng vào năm 1945, ca khúc đầu tiên của nhạc sĩ Hùng Sỹ chào đời với nhan đề Tiếng lòng Cha[1]. Bài hát mang nét nhạc da diết, ca từ có lẽ chịu ảnh hưởng của tiếng Việt mang sắc thái của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Cũng phải ghi nhận thêm rằng ở tuổi 24, nhạc sĩ Hùng Sỹ cho thấy vốn văn hóa cùng ý hướng hội nhập khi dùng từ “tri âm” để diễn tả mối tương quan thân tình giữa Chúa Giêsu và người tín hữu.
Ở lại miền Bắc trong biến cố di cư 1954, nhạc sĩ Hùng Sỹ tiếp tục sáng tác và sau đó tập hợp các tác phẩm trong thời gian sáng tác 50 năm, 1945-1995, với bộ Ca Thánh Mới gồm ba phần chính: các bài Thánh vịnh đáp ca - các bài thánh ca dùng trong thánh lễ - các bài tự cho về Chúa, Đức Mẹ, các thánh. Các ca khúc của nhạc sĩ Hùng Sỹ mang một số đặc tính nổi bật. Dễ xướng âm: vì ở phần khóa nhạc, nhạc sĩ Hùng Sỹ thường dùng rất ít các dấu thăng và giáng. Chuẩn mực về từ ngữ: đối với các bài ca nhập lễ hay ca hiệp lễ, đặc biệt là Thánh vịnh đáp ca, nhạc sĩ Hùng Sỹ thường lấy nguyên văn theo bản dịch Sách Lễ Rôma hoặc Sách Bài Đọc. Về điểm này, nhạc sĩ Hùng Sỹ cũng rất chú ý tới các dấu trong tiếng Việt để lời ca và dấu nhạc tương hợp với nhau, không bị gượng ép hoặc bị lệch ý nghĩa.
Thay lời kết
Sau khi chịu chức linh mục, cha Luca Trần Hùng Sỹ đã coi sóc một số xứ đạo sau đây:
- Từ 1957-1978, chính xứ Phương Thượng
- Từ 1978-2002, chính xứ Dưỡng Điềm, kiêm nhiệm nhiều 11 xứ đạo ở vùng lân cận, từ Như Sơn, Tín Thuận tới Tôn Đạo.
Bên cạnh những bài thánh ca, cha Luca Trần Hùng Sỹ cũng để lại một số tác phẩm lịch sử như cuốn Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo, cuốn Trăm năm Phát Diệm và một số bài viết khác là những tư liệu lịch sử quí giá.
Ngày 1-4-2002, cha Luca Trần Hùng Sỹ về nghỉ hưu tại Tòa Giám Mục Phát Diệm. Ngày 27-7-2005, cha qua đời tại Tòa Giám Mục, thọ 83 tuổi.
Như một nghĩa cử tri âm, chúng tôi hân hạnh giới thiệu bản in mới tập Ca Thánh Mới của linh mục nhạc sĩ Luca Trần Hùng Sỹ sắp được xuất bản vừa để lưu giữ những bài thánh ca từng một thời rất phổ biến tại giáo phận Phát Diệm, vừa để tập ca khúc này “trình diện với ‘làng nhạc’ Phát Diệm và Việt Nam”, như lời chính tác giả ghi trong tập nhạc chép tay.
Vinhsơn Trần Minh Thực, PSS
Và Ban truyền thông Phát Diệm
[1] Cha Giám đốc tiểu chủng viện Phúc Nhạc Luca Mai Học Lý thường đổi tên đẹp hơn cho các thầy.
[2] Thời điểm tai thầy bị điếc hẳn vào khoảng năm 1950.
[3] Các cha cùng lớp với thầy Luca Trần Hùng Sỹ chịu chức năm 1949 là Gioan Baotixita Đoàn Như Bách, Giuse Trần Minh Chiêu, Giuse Đoàn Phi Hùng, Rôcô Trần Hữu Linh, Grêgôriô Trần Phương Phi, Phaolô Trí, Gioan Tuất, Giuse Tụng.