LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
Chủ đề: Chúa Giê-su : tấm bánh bẻ ra vì sự sống trần gian.
Kính thưa quý cố ông bà và anh chị em,
Của ăn tuyệt đối cần cho sự sống. Mọi loài, mọi vật phải dành hầu hết thời gian để kiếm tìm của ăn, con người cũng không ngoại lệ.
Cha Antonio de Mello kể câu chuyện ngụ ngôn : Khi tạo thành thế gian, Chúa trao phó thế giới cho con người quản trị và bẵng đi một thời gian rất dài, dài lắm..., Ngài nảy ý muốn thị sát trần gian. Ngài lập đoàn tiền trạm đi khảo sát trước. Sau nhiều ngày bôn ba đây đó, các thiên thần đã gởi Chúa bản phúc trình : rất nhiều người thất nghiệp (do ảnh hưởng Covid-19) và đa phần đói khát. Ngay lập tức, Chúa phán với đạo binh thiên quốc : “Phen này xuống trần gian, ta sẽ là bánh cho người đói khát và là công việc cho kẻ thất nghiệp”.
Lời tuyên bố của Chúa, trong câu chuyện, mạc khải chân lý căn bản : sáng tạo và quan phòng là mối bận tâm của Cha trên trời. Ngài lo lắng cho thụ tạo được tồn tại và phong nhiêu : “Ta đến, để cho chúng được sống và sống dồi dào” (Jn 10, 10).
Thưa anh chị em, câu chuyện kể trên, mở lối chúng ta vào phụng vụ Lời Chúa lễ kính mình máu thánh Chúa hôm nay. Các bài sách thánh, vừa tuyên đọc, cung cấp những yếu tố giúp độc giả “ngộ” ra cách thức Thiên Chúa đổ “tình yêu và sự sống” vào lòng chúng ta thế nào !
Bài đọc I, trích sách Đệ Nhị Luật, vẽ lại toàn cảnh hành trình trong sa mạc suốt 40 năm của dân Chúa trên đường về đất hứa. Trên con đường ấy : đầy dẫy chướng ngại vật, khó khăn chất chồng, đói khát triền miền, nguy hiểm đủ thứ đe dọa... Xét về phương diện tự nhiên, dân Chúa không thể nào vượt qua. Họ sẽ chết dần, chết mòn, bởi đã đi vào cửa tử : “ Người đã dẫn anh em đi trong sa mạc mênh mông, khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước...” (Dnl 8, 15).
Vẽ lại những điều đó, Môse muốn dạy Israel 2 điều :
*Một là : Kinh nghiệm về sự mong manh, mỏng giòn, yếu đuối của con người tự nhiên. Họ sẽ chết nếu cứ liều mạng dấn thân vào sa mạc mênh mông, khủng khiếp, đầy dẫy thú dữ đang rảo quanh rình rập... Israel đã từng thối chí khi phản đối Môse, người đã dẫn họ vào sa mạc : “Phải chi chúng tôi chết đi bởi tay Yahvé trong đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và được ăn bánh thỏa thuê ! Thật các ông đã đem chúng tôi ra sa mạc này để làm cả lũ phải chết đói ở đây” (Xh 16, 3).
*Hai là : Qua thử thách gian truân, dân Chúa sẽ trưởng thành hơn trong đời sống đức tin, đức cậy, đức mến, bởi nhận ra rằng : họ sẽ không bao giờ gục ngã khi có Chúa là bạn đồng hành. Ngài sẽ kíp ra tay nâng đỡ, giải thoát họ một cách đáng kinh ngạc và đầy ngoạn mục : Man-na mưa xuống từ trời và nước vọt ra từ tảng đã hoa cương cháy bỏng.
Như vậy, bài sách Đệ Nhị Luật là bản tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa “Tình yêu và sự sống”, Đấng không bao giờ từ chối lời con cái nài van, mà còn ban tặng vượt quá điều họ dám cầu xin.
Thánh Phao-lô cũng đã từng trải qua tình trạng y hệt thời dân Chúa trong sa mạc. Đối với ngài, dầu sự dữ có sối xả đổ ập xuống, cũng không bao giờ đè bẹp, vùi dập được kẻ tin tưởng, cậy trông vững vàng : “chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu thương chúng ta” (Cf. Ph 4, 13).
Thưa anh chị em, Man-na và mạch nước Mê-ri-ba, đã bảo tồn sự sống cho dân lữ hành sa mạc, chỉ là hình bóng của ăn thật phải đến trong thời đại cuối cùng. Đức Kitô là bánh trường sinh có nguồn gốc từ trời, để ai ăn thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời.
Chúa Giê-su, trong bài Tin Mừng, đã mạc khải nguồn gốc của bánh : bởi trời ; bản tính của bánh : thịt Mình Máu Ngài ; hiệu quả của bánh : ăn sẽ được sống đời đời, ăn sẽ được thông hiệp với Chúa “Ta sống nhờ Cha, kẻ ăn Ta, cũng sẽ sống nhờ Ta như vậy” (Jn 6, 57). Nếu đem so sánh Man-na, nước mạch Mê-ri-ba với Mình Máu thánh Chúa, thì sự trổi vượt sẽ là vô tận : một đàng ăn, mà vẫn còn phải chết, còn đàng nầy ăn vào thì vĩnh viễn được sống muôn đời : “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ngươi đã ăn, và họ đã chết, ai ăn bánh này, sẽ sống muôn đời” (Jn 6, 58).
Anh chị em có biết địa chỉ nhận bánh sự sống này ở đâu không ?
Trên đồi Golgotha và ngày nay đang được tái thực hiện trên bàn thờ hằng ngày. Chúa Giê-su, tấm bánh bẻ ra vì sự sống trần gian. Một thân xác chết treo thập giá, hồn xác chia lìa chẳng phải cuộc đời Ngài bị nghiền nát đó sao ? Thân xác của Ngôi Lời nhập thể phải trải qua đau khổ sự chết, nếm giọt đắng đau thương khi bị bỏ rơi hoàn toàn, bị chôn vùi và chờ đợi Chúa Cha phục sinh từ trong kẻ chết...
Tuy nhiên, đó lại là “Tất yếu khách quan”, vì nếu không có thập giá, thì tìm đâu ra sự phục sinh và vì nếu không có hy tế thập giá, thì tấm bánh Giê-su vẫn nguyên vẹn, không hề có lợi ích gì cho sự sống trần gian : “Thầy đi thì có lợi cho chúng con hơn, vì nếu Thầy không đi, Đấng bầu chữa sẽ không đến với chúng con” (Jn 16, 7).
Thật và rất thật, thập giá đã nghiền nát, đã bẻ vụn tấm bánh Giê-su ra muôn mảnh. Thế nhưng, tấm bánh bẻ ra này mới có khả năng nuôi sống, Ngài mới có thể cho họ ăn no, ai muốn bao nhiêu tùy thích.
Nhưng, làm thế nào để đón nhận tấm bánh Giê-su ?
Thánh Phao-lô, trong bài đọc II, nhấn mạnh chiều kích cử hành “Bữa ăn của Chúa”, bữa ăn hiệp thông. Tình yêu và sự sống thần linh chỉ có thể đạt thấu chúng ta khi bẻ bánh tạ ơn và nâng chén chúc tụng, chúng ta được thông phần vào sự sống của chính Đấng đã hiến mình vì chúng ta. Khao khát cử hành “Bữa ăn của Chúa” là chúng ta đang từng ngày kín múc sự sống, để được sống dồi dào, sống phong nhiêu ơn gọi kitô hữu của mình.
Cùng với việc cử hành bí tích Thánh Thể, chúng ta còn được mời gọi vác thập giá theo Chúa. Thập giá phải chu toàn là cách hữu hiệu để làm cho tấm bánh đời ta cũng được bẻ ra dâng hiến để làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.
Những hy sinh nhỏ nhỏ thường nhật, những tha thứ thật lòng, những nghĩa cử sẻ chia quảng đại, đều là cách thức bẻ bánh cho đời, để cùng với Chúa Giê-su làm nên một tấm bánh duy nhất và rồi bẻ ra muôn phần nuôi sống trần gian.
Xin Chúa nâng đỡ và chúc lành cho mỗi người chúng ta trong ngày mừng kính Mình Máu thánh Chúa hôm nay. Amen.