HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH:
HIỆP THÔNG, THAM GIA VÀ SỨ VỤ
Văn phòng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Giáo hội Công giáo đã bước vào giai đoạn khởi sự tiến trình Thượng Hội Đồng 2023 với chủ đề “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ”, bắt đầu từ các giáo phận khắp nơi trên toàn thế giới từ ngày 17.10.2021. Riêng tại Việt Nam, từ ngày 28.11.2021, Chúa nhật I Mùa Vọng. Từ tháng 9.2022 đến tháng 3.2023 là giai đoạn II diễn ra ở cấp châu lục. Giai đoạn III diễn ra ở cấp Giáo hội hoàn vũ từ tháng 3.2023 đến tháng 10.2023, với Đại hội thường lệ lần 16 của Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Vatican vào tháng 10.2023.
1. Tinh thần và mục đích của Thượng Hội Đồng 2023
- Mục đích của Thượng Hội Đồng (THĐ) đặt ra lần này là toàn thể Giáo hội được mời gọi suy tư và sống chính bản chất của Giáo hội hiệp hành: Dân Thiên Chúa đang lữ hành cùng nhau trong tình hiệp thông, tham gia và đồng trách nhiệm thực thi sứ vụ Loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay.
- Giáo hội hiệp hành (synodal) thể hiện qua sự tham gia đồng trách nhiệm của mọi tín hữu đã rửa tội, theo ơn gọi của mỗi người, cùng với quyền bính Đức Kitô đã ủy thác cho tập đoàn các Đức Giám mục đứng đầu là Đức Giáo hoàng. Sự tham gia đó dựa trên sự kiện các tín hữu, nhờ ấn tín rửa tội và thêm sức, có tư cách và được kêu gọi để phục vụ lẫn nhau qua các ơn huệ mà họ nhận được từ Chúa Thánh Thần. Giáo hội, Dân Thiên Chúa cùng tiến bước như thế, lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần từ các dấu chỉ của thời đại, qua việc lắng nghe mọi người thuộc mọi thành phần Dân Chúa, và cả những người thuộc các niềm tin khác ngoài Kitô giáo.
- Tiến trình THĐ giai đoạn giáo phận là nền tảng cho các giai đoạn tiếp theo, trong đó toàn thể Dân Chúa được tạo điều kiện để có được kinh nghiệm hiệp hành trên hành trình hướng tới một Giáo hội ngày càng có tính hiệp hành hơn. Như vậy, sẽ là cơ bản việc tổ chức các cuộc qui tụ (trong tinh thần cầu nguyện thờ phượng) theo nhóm, hội nghị, hay công nghị, từ các giáo hội địa phương đến giáo hội hoàn vũ, để các mục tử và dân Chúa gặp gỡ, lắng nghe và phân định thần khí. Lắng nghe Chúa Thánh Thần và lắng nghe dân Chúa. Gặp gỡ, lắng nghe để cuối cùng đi đến phân định nhờ Lời Chúa. Lời Chúa giúp ta mở ra với phân định thiêng liêng và soi sáng tiến trình phân định ấy, vì mỗi lần hội họp đó là một biến cố ân sủng, tiến trình chữa lành được Thánh Thần hướng dẫn. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói “THĐ là một hành trình phân định thiêng liêng” nhờ Lời Chúa hướng dẫn. “Những ngày này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, như đã mời gọi anh thanh niên trong Phúc âm (x. Mc 10,17-30), từ bỏ chính mình, giải thoát mình khỏi những gì là thế tục, và cả những khép kín và những khuôn mẫu mục vụ nhàm chán, để tra vấn chính mình về những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta trong thời đại này, và đâu là nơi Ngài muốn dẫn chúng ta đến”[1].
2. Thực hiện tiến trình THĐ giai đoạn giáo phận
Như vậy, mỗi giáo phận chúng ta từ nay đến tháng 8 năm 2022 sẽ :
- Khai mạc THĐ cấp giáo phận bằng một cử hành phụng vụ. HĐGMVN đã thống nhất quyết định các giáo phận cử hành Thánh lễ khai mạc tiến trình THĐ ở giáo phận ngày 28.11.2021, Chúa Nhật I Mùa Vọng. Các giáo xứ và cộng đoàn trong giáo phận sẽ hiệp thông với đức Giám mục chủ tọa thánh lễ tại nhà thờ giáo phận qua các thánh lễ cử hành tại cộng đoàn mình cùng ngày.
- Đức Giám mục chỉ định nhân sự (hay một ban) Linh hoạt viên giáo phận giúp tham vấn tổ chức các cuộc họp thỉnh ý đa dạng, gồm các thành phần dân Chúa rộng hết sức có thể. Linh hoạt viên hiệp hành giáo phận và các điều phối viên của giáo xứ hay của các cộng đoàn địa phương trước hết cần được hướng dẫn tường tận về tinh thần, mục tiêu và tầm nhìn của tiến trình THĐ. Nên có những hội thảo huấn luyện để họ biết định hướng của tính hiệp hành, và các kĩ năng cơ bản dùng trong tiến trình hiệp hành.
- Tổ chức các cuộc “gặp gỡ - lắng nghe - phân định” tại các cơ sở địa phương khác nhau. Đây là công việc tiến hành dài và rộng nhất trong thời gian giai đoạn giáo phận này. Các cuộc hội họp hay hội nghị có thể tổ chức ở cấp giáo hạt, hay giáo xứ, nơi các hiệp hội hay liên hiệp các hội đoàn địa phương, các hội nghị liên dòng, linh mục đoàn, v.v…
Lí tưởng nhất là tạo cơ hội cho các thành phần khác nhau được họp nhóm và lắng nghe nhau. Có thể dùng các phương thế thích hợp tiếp cận cả những tín hữu ở “ngoại biên” (sống xa đức tin, xa Giáo hội). Trong suốt giai đoạn giáo phận, các linh hoạt viên giáo phận nên giữ liên lạc thường xuyên với nhóm điều phối viên các cuộc họp thỉnh ý hiệp hành toàn giáo phận để giám sát tiến độ, hỗ trợ những nơi cần thiết, và tạo điều kiện cho việc trao đổi các ý kiến, các cách thực hiện hay nhất, và các phản hồi nổi bật.
Nên ấn định cụ thể ngày gửi các ý kiến phản hồi từ các nhóm. Các ý kiến phản hồi là chất liệu giúp làm bản đúc kết của giáo phận vào cuối giai đoạn giáo phận (khoảng tháng 8.2022).
- Tổ chức hội nghị (hoặc công nghị) giáo phận như Hội nghị tiền-Thượng-Hội-Đồng giáo phận, có cử hành phụng vụ; có thể vào một ngày cuối giai đoạn giáo phận. Nên mở rộng mời nhiều thành phần đại diện trong khắp giáo phận tham gia với mục đích cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, suy tư và phân định con đường hiệp hành mà Thần Khí Chúa đang kêu gọi toàn giáo phận thực hiện (x. Phụ lục C của Cẩm Nang cho THĐ về Hiệp hành).
- Cuối cùng, chuẩn bị và đệ trình cho HĐGM bản đúc kết của giáo phận, dựa trên tất cả các phản hồi đã được thu thập và sắp xếp từ khắp giáo phận cũng như dựa trên diễn biến của hội nghị Tiền-Thượng hội đồng. Bản đúc kết cấp giáo phận phải phản ánh sự đa dạng của các quan điểm và ý kiến được bày tỏ, và đặc biệt chú ý đến kinh nghiệm sống của các tham dự viên, cả tích cực lẫn tiêu cực. Bản đúc kết này phải phản ánh trung thực tiếng nói của mọi người và bất cứ điều gì xuất phát từ sự phân định và đối thoại của họ, thay vì đưa ra các tuyên bố chung chung hoặc đúng đắn về mặt giáo lý. Đôi khi “ý kiến trái chiều của thiểu số” có thể là bằng chứng mang tính ngôn sứ cho những lời Thiên Chúa muốn ngỏ với Hội thánh.
3. Các chủ đề thảo luận
- Thượng Hội Đồng hiện nay đặt ra câu hỏi căn bản sau đây: Hội thánh hiệp hành “cùng nhau lữ hành” khi loan báo Tin Mừng: việc “lữ hành cùng nhau” hiện đang diễn ra thế nào trong Giáo hội địa phương của anh chị em? Để Hội thánh được lớn lên trong việc “lữ hành cùng nhau”, Chúa Thánh Thần đang mời gọi chúng ta thực hiện những bước đi nào? (Tài liệu Chuẩn bị THĐ, 26).
- Để giúp những người tham dự khám phá câu hỏi nền tảng này cách đầy đủ hơn, sau đây là những chủ đề làm nổi bật những phương diện quan trọng của việc “sống tinh thần hiệp hành” (30).
-
- AI LÀ BẠN ĐỒNG HÀNH TRÊN CUỘC HÀNH TRÌNH VỚI CHÚNG TA?
Trong Giáo hội và ngoài xã hội, chúng ta sát cánh bên nhau trên cùng một nẻo đường. Trong Giáo hội địa phương của chúng ta, ai là những người “cùng lữ hành” với tôi? Ai là những người dường như xa cách hơn? Chúng ta được kêu gọi để thăng tiến như thế nào với tư cách của những người đồng hành? Các nhóm và cá nhân nào vẫn còn ở bên lề?
- LẮNG NGHE
Lắng nghe là bước đầu tiên, đòi hỏi khối óc và con tim rộng mở, không thành kiến. Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta qua những tiếng nói mà đôi khi chúng ta không nhận ra. Giáo dân, đặc biệt là phụ nữ và giới trẻ, được lắng nghe ra sao? Điều gì làm chúng ta dễ lắng nghe hoặc ngăn cản chúng ta lắng nghe? Chúng ta lắng nghe những người ở vùng “ngoại biên” như thế nào? Những đóng góp của những người nam và nữ thánh hiến được đón nhận thế nào? Khả năng lắng nghe của chúng ta có những hạn chế nào, đặc biệt là lắng nghe những người có quan điểm khác với chúng ta? Nơi chốn nào dành cho tiếng nói của những người thiểu số, đặc biệt những người trải qua cảnh đói nghèo, ở bên lề hay bị xã hội loại trừ?
- PHÁT BIỂU
Mọi người đều được mời gọi can đảm và mạnh dạn lên tiếng, nghĩa là, làm sao bảo đảm được có tự do, chân lý và bác ái. Trong Giáo hội địa phương và trong xã hội chúng ta, điều gì tạo điều kiện hay điều gì cản trở việc nói ra cách can đảm, thẳng thắn và có trách nhiệm? Khi nào và cách nào để chúng ta nói lên được những gì là quan trọng đối với chúng ta? Mối tương quan với hệ thống truyền thông địa phương thì thế nào? Ai nói thay cho cộng đồng Kitô hữu và họ được chọn thế nào?
- CỬ HÀNH
Chỉ có thể “lữ hành cùng nhau” khi cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Trên thực tế, việc cầu nguyện và cử hành phụng vụ trong cộng đoàn của chúng ta truyền cảm hứng và hướng dẫn đời sống và sứ vụ của chúng ta như thế nào? Cử hành cầu nguyện và phụng vụ linh hứng cho những quyết định quan trọng nhất của cộng đoàn như thế nào? Các tín hữu được khích lệ ra sao để tích cực tham dự phụng vụ? Vị trí nào dành cho các tín hữu để họ tham gia vào thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ?
- ĐỒNG TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI SỨ VỤ CHUNG
Hiệp hành là để phục vụ cho sứ mạng của Hội thánh, mọi thành viên trong Hội thánh đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng này. Vì tất cả chúng ta đều là các môn đệ truyền giáo, mọi người đã chịu phép Rửa được mời gọi tham gia vào sứ vụ này của Hội thánh như thế nào? Điều gì cản trở người tín hữu tham gia tích cực sứ vụ này? Những lãnh vực nào của sứ vụ truyền giáo chúng ta đang bỏ bê ? Cộng đoàn hỗ trợ ra sao cho những thành viên của mình tham gia phục vụ xã hội theo những cách thức khác nhau (công tác xã hội và hoạt động chính trị, nghiên cứu khoa học, giáo dục, cổ võ công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người, chăm sóc môi trường, v.v…) ? Hội thánh đã giúp những thành viên này thế nào để họ phục vụ xã hội theo cách thức truyền giáo? Sự phân định những chọn lựa truyền giáo được thực hiện thế nào và bởi ai?
- ĐỐI THOẠI TRONG GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI
Đối thoại đòi hỏi kiên trì và nhẫn nại, nhưng cũng giúp hiểu biết lẫn nhau. Những dân tộc, sắc tộc khác nhau trong cộng đoàn chúng ta đối thoại được với nhau tới mức độ nào? Trong Giáo hội địa phương của chúng ta có những nơi nào và cách thức nào để đối thoại? Chúng ta khích lệ sự hợp tác với các giáo phận bạn, các dòng tu trong khu vực, các hiệp hội hay phong trào giáo dân, v.v… như thế nào? Chúng ta đề cập đến những bất đồng quan điểm hay những xung đột và khó khăn như thế nào? Chúng ta cần phải chú ý đến những vấn đề quan trọng nào trong Giáo hội và xã hội? Chúng ta có những kinh nghiệm nào trong việc đối thoại và hợp tác với tín đồ của các tôn giáo khác và với những người không gia nhập tôn giáo nào? Giáo hội đối thoại và học hỏi từ các lãnh vực xã hội khác như thế nào: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội dân sự và những người sống trong nghèo khó?
- ĐẠI KẾT
Vị trí đặc biệt trên con đường hiệp hành của cuộc đối thoại giữa những Kitô hữu thuộc các tín phái khác nhau, liên kết với nhau bởi cùng một Phép Rửa. Cộng đoàn Giáo hội chúng ta có những mối tương quan nào với các thành viên của các truyền thống và tông phái Kitô giáo khác? Chúng ta chia sẻ điều gì và cùng cất bước hành trình như thế nào? Chúng ta rút ra được những hoa trái nào từ việc cùng nhau bước đi? Đâu là những khó khăn? Làm thế nào để chúng ta có thể cùng nhau đi bước tiếp theo tiến về phía trước?
- QUYỀN BÍNH VÀ THAM GIA
Hội thánh hiệp hành là Hội thánh tham gia và đồng trách nhiệm. Làm thế nào để cộng đoàn Giáo hội chúng ta nhận ra các mục tiêu phải theo đuổi, con đường để đạt tới và những bước đi phải thực hiện? Cách hành xử quyền bính hay cai quản trong Giáo hội địa phương của chúng ta thế nào? Việc thực hiện cách làm việc theo nhóm và tinh thần đồng trách nhiệm thì thế nào? Việc đánh giá được chỉ đạo thế nào và ai chỉ đạo? Các thừa tác vụ và trách nhiệm của giáo dân được khích lệ thế nào? Chúng ta đã có những kinh nghiệm hiệp hành sinh hoa kết quả ở cấp địa phương hay chưa? Các tổ chức và đoàn thể hiệp hành (các hội đồng mục vụ giáo xứ, hội đồng linh mục, v.v…) hoạt động ra sao ở cấp Giáo hội địa phương? Chúng ta có thể đẩy mạnh sự tiếp cận mang tính hiệp hành nhiều hơn trong việc chúng ta tham gia và lãnh đạo như thế nào?
- BIỆN PHÂN VÀ QUYẾT ĐỊNH
Theo phong cách hiệp hành, chúng ta đưa ra quyết định bằng cách biện phân những gì Chúa Thánh Thần đang nói qua toàn thể cộng đoàn. Chúng ta dùng những cách thức và quy trình nào để đưa ra quyết định? Có thể hoàn thiện chúng hơn được không? Chúng ta cổ võ việc tham gia đưa ra quyết định trong các cơ cấu phẩm trật như thế nào? Các cách thức đưa ra quyết định có giúp chúng ta lắng nghe toàn thể dân Chúa hay không? Đâu là mối tương quan giữa thỉnh ý và đưa ra quyết định, và chúng ta làm thế nào để thực hiện? Chúng ta dùng những phương tiện và thủ tục nào để thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình? Chúng ta có thể làm thế nào để thăng tiến trong việc cộng đoàn cùng biện phân thiêng liêng?
- TỰ ĐÀO TẠO TRONG TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH
Tính hiệp hành đòi hỏi phải sẵn sàng chịu biến đổi, đào tạo và không ngừng học hỏi. Cộng đồng Giáo hội chúng ta đào tạo những con người ngày càng có khả năng “cùng nhau lữ hành”, lắng nghe lẫn nhau, dấn thân vào sứ vụ và tham gia đối thoại như thế nào? Chúng ta đào tạo thế nào để thúc đẩy sự phân định và thực thi quyền bính theo phương cách hiệp hành?
Lưu ý: Làm sao đặt những câu hỏi đơn giản và thu hút các nhóm đối tượng khác nhau. Mỗi giáo phận, giáo xứ hay tu hội, hiệp hội, nhóm không cần phải nêu ra hết mọi câu hỏi nhưng nên nhận ra và tập trung vào những khía cạnh hiệp hành thích hợp nhất với bối cảnh của mình.
[1] Bài giảng của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng về Hiệp hành tại đền thờ Thánh Phêrô ngày 10.10.2021.