9h:53 (GMT+7) - Thứ bẩy, 21/09/2024 Theo dõi MXH:

"Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì" (Lc 3,10-18)

Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2023 – “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng” (Rm 12, 12)

10h:51 (GMT+7) - Thứ năm, 16/11/2023

WHĐ (15.11.2023) – Hôm 14.11, phòng báo chí Toà thánh đã công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 38 với chủ đề: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng” (Rm 12, 12). Năm nay, ngày Giới trẻ Thế giới sẽ được cử hành theo cấp giáo phận vào Chúa nhật ngày 26.11.2023, lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ. Sau đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha: 

 

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA
CHO NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI

Lần thứ 38, ngày 26.11.2023

“Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng” (Rm 12,12)

Các bạn trẻ thân mến,

Tháng 8 vừa qua, cha đã gặp gỡ hàng trăm ngàn người trẻ cùng độ tuổi với các con từ khắp nơi trên thế giới quy tụ về Lisbon để tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới. Trong thời kỳ đại dịch, giữa rất nhiều điều bất ổn, chúng ta hy vọng rằng khoảnh khắc gặp gỡ tuyệt vời này với Đức Kitô và với những người trẻ khác có thể diễn ra. Niềm hy vọng này đã thành hiện thực, và đối với nhiều người hiện diện – trong đó có cả cha - sự kiện đó đã vượt quá sự mong đợi. Cuộc gặp gỡ của chúng ta ở Lisbon thật tuyệt vời, một trải nghiệm đích thực về sự đổi mới, và một sự bùng nổ của ánh sáng và niềm vui!

Vào cuối Thánh lễ bế mạc tại “Cánh đồng ân sủng”, cha đã nói về chặng tiếp theo của cuộc hành hương xuyên lục địa của chúng ta: Seoul, Hàn Quốc, vào năm 2027. Nhưng, trước đó, cha mời các con đến Rôma vào năm 2025 để mừng Năm Thánh Giới Trẻ, nơi các con cũng sẽ là “Những người hành hương của Hy vọng”.

Là người trẻ, các con thực sự là niềm hy vọng hân hoan của một Giáo hội và của một nhân loại luôn chuyển động. Cha muốn nắm tay các con và cùng các con bước đi trên lộ trình hy vọng. Cha muốn nói với các con về vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của chúng ta, cũng như của tất cả anh chị em trong gia đình nhân loại (x. Hiến chế Gaudium et Spes, 1). Trong hai năm chuẩn bị cho Năm Thánh này, trước hết chúng ta sẽ suy niệm lời của Thánh Phaolô, “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng” (Rm 12, 12), và sau đó chúng ta sẽ đào sâu lời của ngôn sứ Isaia, “những người cậy trông Ðức Chúa thì chạy hoài mà không mỏi mệt” (Is 40, 31).

Niềm vui này đến từ đâu?

Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng” là lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô dành cho cộng đoàn tín hữu Rôma, một cộng đoàn đang trong thời kỳ bị bách hại khắc nghiệt. Thật vậy, “Vui mừng vì có niềm hy vọng” được Thánh Tông đồ rao giảng xuất phát từ mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô, và từ quyền năng phục sinh của Người. Niềm vui này không phải là thành quả của những nỗ lực, kế hoạch, hoặc kỹ năng của con người, mà là năng lượng phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Niềm vui của Kitô hữu đến từ chính Thiên Chúa, từ việc biết rằng chúng ta được Ngài yêu thương.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, khi suy tư về trải nghiệm của ngài tại Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2011 ở Madrid, đã nêu lên câu hỏi: “Niềm vui đến từ đâu? Niềm vui được giải thích như thế nào? Chắc chắn có nhiều yếu tố phối hợp với nhau. Nhưng điều cốt yếu là sự chắc chắn đến từ niềm tin: Tôi được mong muốn. Tôi có một vai trò trong lịch sử. Tôi được đón nhận, tôi được yêu thương”. Đức Bênêđictô giải thích rõ: “Cuối cùng, chúng ta cần có cảm thức mình được đón nhận vô điều kiện. Chỉ khi Thiên Chúa đón nhận tôi và tôi xác tín về điều đó thì tôi mới biết chắc chắn rằng: thật tốt đẹp khi tôi hiện hữu… Thật tốt đẹp khi tồn tại như một con người, ngay cả trong những thời điểm khó khăn. Đức tin mang lại cho con người hạnh phúc từ sâu thẳm tâm hồn” (Diễn văn trước Giáo triều Rôma, ngày 22.12.2011).

Niềm hy vọng của tôi ở đâu?

Tuổi trẻ là giai đoạn tràn đầy hy vọng và ước mơ, được thúc đẩy bởi những thực tế tươi đẹp làm phong phú cuộc sống của chúng ta: sự huy hoàng của công trình sáng tạo của Thiên Chúa, mối tương quan của chúng ta với những người thân yêu và bạn bè, những trải nghiệm của chúng ta về nghệ thuật và văn hóa, khoa học và công nghệ, những nỗ lực của chúng ta để hoạt động vì hòa bình, công lý và tình huynh đệ, và rất nhiều điều khác nữa. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một thời đại mà đối với nhiều người, kể cả những người trẻ, niềm hy vọng dường như không còn nữa. Thật không may, nhiều người cùng độ tuổi với các con đang chịu cảnh chiến tranh, xung đột bạo lực, bắt hại và nhiều hình thức khó khăn khác, đang bị bao vây bởi sự tuyệt vọng, sợ hãi và trầm cảm. Họ có cảm giác như đang ở trong một nhà tù tối tăm, nơi ánh sáng mặt trời không thể lọt vào. Tỷ lệ tự tử cao trong giới trẻ ở một số quốc gia là bằng chứng rõ ràng cho điều này. Trong những bối cảnh như vậy, làm sao chúng ta có thể cảm nghiệm được niềm vui và hy vọng mà Thánh Phaolô nói đến? Trái lại, có nguy cơ là chúng ta sẽ rơi vào trạng thái tuyệt vọng, khi nghĩ rằng làm điều tốt là vô ích, bởi vì nó sẽ chẳng được ai đánh giá cao hoặc thừa nhận. Chúng ta có thể tự nhủ giống như ông Gióp: “Vậy thì hy vọng của tôi ở chỗ nào, hạnh phúc của tôi, ai là người nhìn thấy?” (17,15).

Khi nghĩ đến những bi kịch của nhân loại, đặc biệt là nỗi đau khổ của những người vô tội, chúng ta cũng có thể lặp lại một số Thánh Vịnh và hỏi Chúa: “Tại sao?” Nhưng đồng thời chúng ta cũng có thể là một phần trong câu trả lời của Thiên Chúa về vấn đề. Được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh và giống Ngài, chúng ta có thể trở thành dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa, mang lại niềm vui và hy vọng ngay cả trong những hoàn cảnh dường như vô vọng. Cha nghĩ đến cuốn phim “Cuộc sống tươi đẹp” (Life is Beautiful), trong đó một người cha trẻ, với sự tinh tế và sáng tạo tuyệt vời, đã biến thực tế khắc nghiệt thành một loại phiêu lưu và trò chơi. Ông giúp cậu con trai nhỏ của mình nhìn mọi thứ bằng “đôi mắt hy vọng”, bảo vệ cậu khỏi nỗi kinh hoàng của trại tập trung, gìn giữ sự ngây thơ của cậu, và ngăn chặn sự độc ác của con người đánh cắp tương lai của cậu. Những câu chuyện như thế không chỉ là hư cấu! Chúng ta thấy những điều tương tự diễn ra trong cuộc đời của rất nhiều vị thánh, vốn là những chứng nhân của niềm hy vọng ngay cả giữa sự gian ác tàn khốc nhất của con người. Chúng ta hãy nghĩ đến Thánh Maximilian Mary Kolbe, Thánh Josephine Bakhita, Chân phước Józef và Wiktoria Ulma cùng 7 người con của họ.

Khả năng khơi lên niềm hy vọng trong tâm hồn con người đã được Thánh Giáo hoàng Phaolô VI mô tả một cách tuyệt vời: “Một Kitô hữu hoặc một nhóm Kitô hữu khi sống giữa cộng đoàn của mình… có thể chiếu giãi một cách đơn giản và tự phát niềm tin của họ vào các giá trị lâu bền, và niềm hy vọng của họ vào một điều gì đó không thể nhìn thấy và thậm chí không dám mơ ước” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 21).

Hy vọng, một nhân đức “bé nhỏ”

Thi sĩ người Pháp Charles Péguy, ở phần đầu bài thơ về niềm hy vọng, đã nói về ba nhân đức Đối thần – Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến – như ba chị em cùng bước đi bên nhau:

Cô bé út Đức Cậy đi bên cạnh hai người chị của mình, hầu như không được ai chú ý …
Nhưng chính cô bé Đức Cậy ấy, lại là người điều khiển mọi thứ.
Bởi vì Đức Tin chỉ nhìn thấy những gì đang hiện hữu.
Và Đức Mến chỉ yêu những gì đang hiện hữu.
Nhưng Đức Cậy yêu mến những gì sẽ xảy ra.

Chính cô bé Đức Cậy là người giúp hai người chị tiếp tục bước đi;
Cô bé là người dẫn dắt họ,
và khiến tất cả cùng nhau bước đi
(Cánh cửa mầu nhiệm của nhân đức thứ hai).

Cha cũng bị thuyết phục về tính khiêm tốn, nhỏ bé nhưng thiết yếu này của Đức Cậy, nhân đức về niềm hy vọng. Hãy thử nghĩ một chút. Làm sao chúng ta có thể sống mà không có hy vọng? Ngày tháng của chúng ta sẽ như thế nào? Hy vọng là muối cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Hy vọng, ánh sáng chiếu rọi trong màn đêm

Theo truyền thống Kitô giáo trong Tam Nhật Vượt Qua, Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày của hy vọng. Nằm giữa Thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh, Thứ Bảy Tuần Thánh giống như điểm trung gian giữa nỗi tuyệt vọng và niềm vui của các môn đệ vào buổi sáng Phục Sinh. Đó là nơi hy vọng phát sinh. Vào Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội thinh lặng tưởng niệm việc Đức Kitô xuống ngục tổ tông. Chúng ta thấy điều này được mô tả qua nhiều biểu tượng, cho thấy Đức Kitô, rạng ngời ánh sáng, đi xuống những vực sâu tăm tối nhất và xuyên qua chúng. Thiên Chúa không chỉ đơn thuần nhìn những trải nghiệm của chúng ta về cái chết với lòng trắc ẩn, hoặc chỉ gọi chúng ta từ xa; nhưng Ngài còn bước vào những trải nghiệm địa ngục của chúng ta như ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và chinh phục bóng tối (x. Ga 1, 5). Điều này được thể hiện một cách tuyệt vời qua một bài thơ bằng tiếng Xhosa của Nam Phi: “Ngay cả khi niềm hy vọng đã lịm tắt, thì qua bài thơ này, tôi đánh thức hy vọng. Niềm hy vọng của tôi được đánh thức vì niềm hy vọng của tôi ở nơi Chúa. Tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ nên một! Hãy vững niềm hy vọng, vì kết quả tốt đẹp đang đến gần”.

Nếu chúng ta nghĩ kỹ về điều đó, thì đây là niềm hy vọng của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã đứng vững dưới chân thập giá của Chúa Giêsu, tin chắc rằng “kết quả tốt đẹp” đang gần kề. Đức Maria là người nữ của niềm hy vọng, Mẹ của niềm hy vọng. Trên đồi Canvê, “trông cậy mặc dầu không còn gì để trông cậy” (x. Rm 4, 18), Mẹ không bao giờ dao động trong niềm xác tín về sự phục sinh mà Con Mẹ đã loan báo. Chính Mẹ là người lấp đầy sự thinh lặng của Thứ Bảy Tuần Thánh bằng sự chờ đợi yêu thương và tràn đầy hy vọng, đồng thời gợi lên nơi các môn đệ niềm xác tín rằng Chúa Giêsu sẽ đánh bại tử thần và sự ác sẽ không phải là tiếng nói cuối cùng.

Niềm hy vọng Kitô giáo không phải là sự lạc quan dễ dãi, cũng không phải là liều thuốc an thần cho những người cả tin, nhưng đó là sự chắc chắn, bắt nguồn từ tình yêu và đức tin, rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta và Ngài luôn trung thành với lời hứa của Ngài: “Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng” (Tv 23, 4). Niềm hy vọng Kitô giáo không phải là sự phủ nhận đau khổ và cái chết; nhưng là sự tán dương tình yêu của Đức Kitô phục sinh, Đấng luôn ở bên chúng ta, ngay cả khi Người dường như ở rất xa chúng ta. “Chính Đức Kitô là ánh sáng hy vọng rạng rỡ cho chúng ta và soi đường chúng ta trong đêm tối, vì Người là “sao mai chiếu rạng’” (Tông huấn Christus Vivit, số 33).

Nuôi dưỡng niềm hy vọng

Sau khi được thắp lên trong chúng ta, đôi khi tia hy vọng có nguy cơ bị dập tắt bởi những lo lắng, sợ hãi và áp lực của cuộc sống thường nhật. Một tia lửa cần không khí để tiếp tục tỏa sáng, để phát triển thành ngọn lửa lớn của hy vọng. Chính làn gió nhẹ nhàng của Chúa Thánh Thần nuôi dưỡng niềm hy vọng và có một số cách thế để chúng ta hợp tác trong việc này.

Niềm hy vọng được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện. Cầu nguyện duy trì và canh tân niềm hy vọng. Cầu nguyện giúp thắp lên ngọn lửa hy vọng. “Cầu nguyện là sức mạnh đầu tiên của niềm hy vọng. Bạn cầu nguyện, và niềm hy vọng lớn lên, tiến về phía trước” (Bài Giáo lý, ngày 20.05.2020). Cầu nguyện giống như leo lên đỉnh núi: Khi ở trên mặt đất, nhiều khi chúng ta không thể nhìn thấy mặt trời vì mặt trời có thể bị mây che khuất, nhưng một khi chúng ta trèo lên tới đỉnh núi, ánh sáng và sức nóng của mặt trời sẽ bao phủ chúng ta. Với trải nghiệm này, một lần nữa chúng ta nhận ra rằng mặt trời luôn có đó, ngay cả khi mọi thứ xung quanh chúng ta có vẻ tối tăm và ảm đạm.

Các bạn trẻ thân mến, khi các con cảm thấy bị bao phủ bởi những đám mây của sợ hãi, hoài nghi, lo lắng và không còn nhìn thấy mặt trời nữa, hãy đi theo lộ trình cầu nguyện. Bởi vì “khi không còn ai lắng nghe tôi nữa, Thiên Chúa vẫn lắng nghe tôi” (Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, 32). Mỗi ngày chúng ta hãy dành chút thời gian để nghỉ ngơi trong Chúa, nhất là khi chúng ta cảm thấy bị lấn át trước những vấn đề của mình: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn. Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến” (Tv 62, 5).

Niềm hy vọng được nuôi dưỡng bằng những lựa chọn hàng ngày của chúng ta. Lời mời gọi hãy vui mừng vì có niềm hy vọng của Thánh Phaolô (x. Rm 12, 12) đòi hỏi chúng ta phải có những lựa chọn cụ thể trong cuộc sống đời thường. Cha mời gọi tất cả các con hãy chọn một lối sống dựa trên niềm hy vọng. Cha xin đơn cử một ví dụ: Trên mạng xã hội, việc chia sẻ những điều tiêu cực có vẻ dễ dàng hơn những điều khơi dậy hy vọng. Vì thế, gợi ý cụ thể của cha là thế này: mỗi ngày, hãy cố gắng chia sẻ một lời hy vọng với người khác. Hãy trở thành người gieo mầm hy vọng vào cuộc sống của bạn bè và mọi người xung quanh các con. Thật vậy, “hy vọng thì khiêm tốn, và đó là một nhân đức cần được vun đắp từng ngày… Mỗi ngày chúng ta cần nhớ rằng chúng ta sở hữu những hoa quả đầu mùa của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong chúng ta qua những điều nhỏ bé” (Suy niệm buổi sáng, ngày 29.10.2019).

Thắp lên ngọn đuốc hy vọng

Đôi lúc, khi đi chơi vào buổi tối với bạn bè, các con bật đèn pin trên điện thoại thông minh của mình để chiếu sáng. Trong những buổi hòa nhạc lớn, hàng nghìn bạn trẻ di chuyển những ngọn đèn hiện đại này theo nhịp điệu của âm nhạc, tạo nên một khung cảnh rất ấn tượng. Vào ban đêm, ánh sáng cho phép chúng ta nhìn mọi thứ theo một cách thế mới, và ngay cả trong bóng tối, vẫn có một vẻ đẹp nào đó tỏa sáng. Điều tương tự cũng xảy ra với ánh sáng hy vọng, đó là Đức Kitô. Nhờ Người, qua sự phục sinh của Người, cuộc đời chúng ta được soi sáng. Với Người, chúng ta nhìn mọi sự dưới một ánh sáng mới.

Như chúng ta được nghe kể rằng, khi ai đó đến gặp Thánh Gioan Phaolô II để nói chuyện với ngài về một vấn đề, câu hỏi đầu tiên của ngài là: “Bạn nhìn nhận điều này dưới ánh sáng đức tin như thế nào?” Khi được nhìn dưới ánh sáng của niềm hy vọng, mọi việc được nhìn nhận dưới một góc nhìn khác. Do đó, cha khuyến khích các con hãy bắt đầu nhìn mọi thứ theo cách này. Nhờ hồng ân hy vọng của Thiên Chúa, người Kitô hữu thấy mình tràn ngập một niềm vui khác, đến từ trong tâm hồn. Những thử thách và khó khăn vẫn luôn có đó, nhưng nếu chúng ta có một niềm hy vọng “tràn đầy đức tin”, chúng ta có thể đương đầu với những thử thách và khó khăn khi biết rằng chúng không có tiếng nói cuối cùng. Và chính chúng ta có thể trở thành ngọn đuốc nhỏ của niềm hy vọng cho người khác.

Mỗi người trong các con đều có thể là một ngọn đuốc như vậy, đến độ đức tin của các con trở nên cụ thể, gắn liền với thực tại, và nhạy cảm với nhu cầu của anh chị em mình. Chúng ta hãy nghĩ đến các môn đệ của Chúa Giêsu, một ngày nọ, trên một ngọn núi cao, họ đã chứng kiến Người biến hình trong ánh sáng vinh quang. Nếu các ông ở lại trên núi, thì đó sẽ vẫn là một trải nghiệm đẹp đẽ đối với họ, nhưng những người khác sẽ không được chia sẻ vẻ đẹp rực rỡ này. Các môn đệ cần phải xuống núi. Chúng ta cũng vậy, chúng ta không được chạy trốn thế gian, nhưng hãy yêu mến thời đại mà Thiên Chúa đã đặt để chúng ta vào, và không phải là không có lý do. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc khi chia sẻ ân sủng chúng ta đã lãnh nhận với anh chị em mà Chúa ban tặng chúng ta mỗi ngày.

Các con, những người trẻ thân mến, các con đừng ngại chia sẻ niềm hy vọng và niềm vui của Đức Kitô phục sinh với người khác! Hãy nuôi dưỡng tia lửa đã được nhen nhóm trong các con, nhưng đồng thời hãy chia sẻ nó. Các con sẽ nhận ra rằng ngọn lửa bùng sáng bằng cách cho đi! Chúng ta không thể giữ niềm hy vọng Kitô giáo cho riêng mình, như một cảm giác ấm áp, bởi vì niềm hy vọng ấy dành cho tất cả mọi người. Hãy gần gũi cách cụ thể với bạn bè của các con, những người mà bề ngoài có thể mỉm cười nhưng bên trong đang khóc vì thiếu hy vọng. Đừng để mình bị tiêm nhiễm bởi sự thờ ơ và chủ nghĩa cá nhân. Hãy luôn rộng mở, như những con kênh qua đó niềm hy vọng của Chúa Giêsu có thể tuôn chảy và lan tràn trong môi trường các con đang sống.

Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này!” (Tông huấn Christus Vivit, 1). Cha đã viết cho các con những lời này gần 5 năm trước, sau Thượng Hội đồng về Giới trẻ. Cha khuyến khích tất cả các con, đặc biệt là những người tham gia mục vụ giới trẻ, hãy đọc lại Tài liệu cuối cùng của năm 2018 và Tông huấn Christus Vivit. Đã đến lúc cùng nhau cân nhắc tình hình và hợp tác với niềm hy vọng hướng tới việc thực hiện đầy đủ Thượng Hội đồng đáng nhớ này.

Chúng ta hãy phó thác trọn cuộc đời mình cho Đức Maria, Mẹ của Niềm Hy vọng. Mẹ dạy chúng ta cách mang Chúa Giêsu, là niềm vui và niềm hy vọng của chúng ta, vào trong tâm hồn mình và trao tặng Chúa Giêsu cho người khác. Các bạn trẻ thân mến, cha chúc các con tận hưởng từng bước của cuộc hành trình mà các con đang thực hiện! Cha chúc lành cho các con và đồng hành với các con trong lời cầu nguyện. Và xin các con hãy cầu nguyện cho cha.

Rôma, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, ngày mồng 09.11.2023, Lễ Cung hiến Vương cung Thánh đường Latêranô.

PHANXICÔ

 

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (14.11.2023)

CÁC TIN KHÁC
Năm Thánh 2025: 34 chương trình sự kiện đầu tiên được công bố trực tuyến
Năm Thánh 2025: 34 chương trình sự kiện đầu tiên được công bố trực tuyến
34 chương trình đầu tiên của các sự kiện chính của Năm Thánh đã được công bố trên trang web Năm Thánh 2025, trong phần “Lịch Năm Thánh”. Bằng cách tham khảo các chương trình khác nhau, có thể biết được thời gian và các hoạt động chính liên quan đến từng sự kiện...
Chi tiết >>
HĐGMVN- Thư mục vụ năm 2025 gửi cộng đoàn dân Chúa: "Cùng nhau loan báo Tin Mừng"
HĐGMVN- Thư mục vụ năm 2025 gửi cộng đoàn dân Chúa: "Cùng nhau loan báo Tin Mừng"
HĐGMVN- Thư mục vụ 2025 gửi cộng đoàn dân Chúa: "Cùng nhau loan báo Tin Mừng"
Chi tiết >>
HĐGMVN: Biên bản hội nghị thường niên kỳ II năm 2024
HĐGMVN: Biên bản hội nghị thường niên kỳ II năm 2024
WHĐ (20/9/2024) – Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024 tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao, giáo phận Phan Thiết, từ ngày 16 đến 20 tháng 9 năm 2024. Tham gia Hội nghị có đầy đủ 31 Giám mục đang phục vụ 27 giáo phận tại Việt Nam.
Chi tiết >>
Sứ điệp ĐTC Phanxicô nhân ngày thế giới di dân và tị nạn 2024
Sứ điệp ĐTC Phanxicô nhân ngày thế giới di dân và tị nạn 2024
Sứ điệp ĐTC Phanxicô nhân ngày thế giới di dân và tị nạn 2024
Chi tiết >>
HĐGMVN: Ngày II - Hội nghị thường niên kỳ II/2024
HĐGMVN: Ngày II - Hội nghị thường niên kỳ II/2024
Hội nghị đã lắng nghe Đức TGM Marek Zalewski, Đại diện thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam, chia sẻ thông tin của Toà Thánh và trao đổi một số nội dung cần thiết với Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Chi tiết >>
HĐGMVN: Ngày I - Hội nghị thường niên kỳ II/2024
HĐGMVN: Ngày I - Hội nghị thường niên kỳ II/2024
WHĐ (17/9/2024) - Hội nghị đã dành ngày thứ nhất cho các nội dung nghị sự: sứ vụ loan báo Tin Mừng, Năm Thánh 2025: cử hành và mục vụ.
Chi tiết >>
HĐGMVN: Khai mạc Hội nghị thường niên kỳ II/2024
HĐGMVN: Khai mạc Hội nghị thường niên kỳ II/2024
WHĐ (17/9/2024) - Chiều ngày 16 tháng 9 năm 2024, toàn thể Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã qui tụ để cùng Giáo phận Phan Thiết khánh thành và làm phép Nhà khách Trung tâm Thánh Mẫu Tà Pao.
Chi tiết >>
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tại Singapore ngày 12/9/2024 - Thứ Năm sau Chúa nhật 23 Thường Niên
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tại Singapore ngày 12/9/2024 - Thứ Năm sau Chúa nhật 23 Thường Niên
Lúc 5 giờ chiều ngày 12/9, ngày thứ hai trong chuyến tông du tại Singapore, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh Lễ tại sân vận động quốc gia Singapore với gần 50 ngàn tín hữu, trong có các tín hữu đến từ các quốc gia lân cận như Việt Nam, Malaysia, Brunei... Đức Thánh Cha đã có khoảng nửa tiếng trước thánh lễ chào thăm các tín hữu tại sân vận động, đặc biệt ngài hôn và trao chuỗi hạt cho các em nhỏ đến chào ngài. Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:
Chi tiết >>
Tòa Giám mục Phát Diệm
75 Phát Diệm Đông – Kim Sơn – Ninh Bình
ĐT: (+84) 229 3862 058 – Fax: (+84) 229 3862 724
Email: tgmpdiem@gmail.com
Ban Truyền thông Phát Diệm
Email: bttphatdiem@gmail.com
Kết nối với chúng tôi
Copyright © 2011-2020 Ban Truyền thông Phát Diệm