ĐOÀN CHIÊNG ĐỒNG BÀI RA MẮT CHỦ CHIÊN PHÁT DIỆM
Sáng thứ Bảy, 03.06.2023, đoàn cồng chiêng giáo xứ Đồng Bài đã đến chào thăm ra mắt Đức Tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng, vị Chủ chăn mới của giáo phận, tại Nhà Chung Phát Diệm. Cùng đi với đoàn có cha chính xứ Gioan B. Bùi Văn Kế, cha phó xứ, Đại diện Ban Chấp hành của giáo xứ.
Đồng Bài là một trong số ít giáo xứ của giáo phận Phát Diệm có nhiều anh chị em dân tộc Mường. Bản thân cha chính xứ hiện nay cũng xuất thân từ dân tộc này. Đây cũng là một trong số ít giáo xứ trẻ nhất giáo phận, mới chỉ được thành lập năm 2007. Số giáo dân hiện nay khoảng hơn 1500 nhân danh.
Tuy là giáo xứ trẻ, nhưng Đồng Bài có nét văn hóa cổ truyền từ bao đời nay. Cồng chiêng chính là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hoá tinh thần của người Mường, từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt xuôi tay, họ luôn gắn bó với cồng chiêng. Âm thanh của cồng chiêng như tiếng núi rừng đồng vọng, như sông suối miền trung du hòa nhịp, tất cả như hòa quyện với nhịp sống của anh chị em Mường.
Anh chị em Mường sử dụng cồng chiêng rất linh hoạt, tuỳ theo từng nghi lễ có thể sử dụng đơn chiếc, hoặc dàn nhỏ từ 2 - 3 chiếc, nhưng thường thì sử dụng theo dàn nhiều người. Một dàn chiêng đầy đủ có 12 chiếc, do 12 người cầm, tấu theo những bản nhạc, điệu thức khác nhau. Tên của chiêng cũng được gọi theo thứ tự từ 1 đến 12. Chiêng 1 nhỏ nhất, có âm cao nhất. Chiêng 12 lớn nhất có âm trầm nhất. Người Mường cho rằng đó là sự biểu thị của 12 tháng trong năm. Có 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; Vì thế dàn cồng chiêng được chia làm 3 loại: 4 chiêng trầm, 4 chiêng bổng và 4 chiêng né.
Cách riêng, với anh chị em tín hữu, cồng chiêng thường xuyên được sử dụng trong các buổi rước kiệu, lễ trọng, như mời gọi nâng tâm hồn lên ca ngợi Thiên Chúa, như lời cầu của muôn dân bay lên trước Thiên Nhan.
Trong khi tiếp đoàn, Đức Cha mới dí dỏm nói đoàn chiêng cũng là đoàn chiên đến chào chủ chiên.
Ước mong anh chị em giáo xứ Đồng Bài ngày càng thăng tiến về mọi mặt, nhất là đời sống đức tin trong nét văn hóa cổ truyền.
BTT