Hồi ấy, tôi vừa bước vào lớp Một nhưng trong tâm trí vẫn còn nhớ như in việc bố mẹ cho anh trai “đi chơi” mà không cho tôi đi. Vì nhà nghèo nên chuyện đi xa ra khỏi lũy tre làng là đã thấy thích thú lắm rồi dù chẳng biết là đi công việc gì, mãi sau này khi lớn lên tôi mới biết dịp đi hành hương ấy, anh trai tôi đã được chữa lành-hết căn bệnh nháy mắt liên tục. Năm ấy (2007) tận triều sông Hoàng Long- Nho Quan-Ninh Bình cách nhà tôi chừng 3-4 tiếng đồng hồ đi xe, đã nổi lên vụ tượng Đức Mẹ Đồng Đinh bị kẻ xấu xúc phạm đập vỡ, nhưng nơi ấy nhiều người đến xin được ơn.
Chạy thầy chạy thuốc đã nhiều mà con không khỏi, mẹ tôi nghe tin lành đồn xa, mẹ chuẩn bị cho cuộc hành hương về suối Mẹ tại Đồng Đinh. Trước ngày đi mẹ tôi lấy thêm nhiều hàng để gửi bán luôn cho ngày hôm sau, bố mẹ dành dụm tiền cả mấy tháng từ khi nghe tin để ao ước và đặt niềm tin mãnh liệt vào chuyến đi ấy. Sáng dậy, tôi không thấy bố mẹ và anh đâu òa lên khóc, chẳng ai đưa đi học, thấy trên chiếc phản úp lồng bàn có 2 chiếc bánh đúc và mẩu giấy ghi vội: “Bố mẹ đưa anh đi hành hương, con đi học rồi về ở nhà không được đi đâu, tối là bố mẹ và anh về.” Hồi đó, tôi đánh vần từng chữ vì mới học tập đọc mà. Đọc xong, có buồn có tủi nhưng yên tâm hơn cho dạ dày no căng với chiếc bánh đúc rồi đi học. Tôi vẫn còn nhớ như in dòng chữ ấy bởi việc viết tin vắn gửi lại khi người khác không có nhà hoặc đang ngủ là thói quen của gia đình tôi khi tôi từ tấm bé, bởi việc “đi thưa về gửi” đã ngấm trong máu và không trực tiếp được thì sẽ có những kiểu như vậy để rèn luyện nên chúng tôi.
Tiếp chuyện hành hương, ngày hôm ấy tôi đi học về luẩn quẩn ở nhà mãi, hồi làng xóm còn hay mất điện, trời mùa hè nóng nực. Tôi đợi hoài đợi mãi mà mọi người chưa về, tôi lên phản lấy quạt mo phẩy phẩy vài cái rồi ngủ lúc nào không biết. Chừng khuya gia đình tôi mới về, tôi nhớ anh tôi khều vai và lay tôi dậy, “anh có quà cho mày này, dậy không hay mai lấy”. Con nít nghe thấy quà là quên hết nỗi buồn lúc sáng cả nhà đi mà bỏ tôi ở nhà. Chiếc chuỗi nhỏ hạt cườm anh mang về từ Đức Mẹ Đồng Đinh tặng cho tôi, tôi vẫn giữ tới bây giờ dù dây đã mục. Bố mẹ và anh tôi kể rất nhiều chuyện về chuyến đi ấy. Mỗi bữa cơm đều mang ra kể, hôm kể mọi người đi hành hương quá đông, thuyền bè tấp nập để chở người viếng Đức Mẹ, hôm kể bao nhiêu người quỳ lạy trước Mẹ để khóc vì Mẹ ở đó cũng không được yên, nhìn những vết chém, mảnh vỡ đập nát ai nấy cũng đều nghẹn lòng. Bố mẹ tôi kể đến đó cũng bùi ngùi, các bữa ăn vẫn cứ mang cuộc hành hương đó ra để chia sẻ. Rồi một hôm, anh tôi kể chuyện cười tít mắt thì bố mẹ tôi đã thấy không còn tình trạng nháy mắt nữa, bố mẹ tôi lúc đó liền nói đọc kinh Kính Mừng tạ ơn Đức Mẹ tại Đồng Đinh đã nhận lời cầu nguyện tha thiết của gia đình mình cho con chúng con được lành bệnh. Tuổi ngây ngô, hồn nhiên, lớn lên trong bầu khí xóm đạo và lòng sùng kính Chúa, Đức Mẹ và các thánh- những người luôn ban cho ta những điều tốt đẹp, tôi luôn nhớ sự kiện ấy đã làm thay đổi gia đình tôi trở nên tốt đẹp hơn trong cách bố mẹ lo toan, yêu thương con cái. Không còn những ngày chạy vạy đủ nơi, hỏi đủ người đủ đường để chữa bệnh cho con, không còn chắt chiu từng chút từng chút để chỉ mong muốn gặp thầy gặp thuốc. Từ ấy, sự chắt chiu của gia đình là để tích góp dành những chuyến đi hành hương Đức Mẹ Đồng Đinh.
Ngay năm sau khi anh tôi được lành bệnh, bố mẹ đã cho cả gia đình đi hành hương Đức Mẹ tại Đồng Đinh rất nhiều lần. Chúng tôi được dạy Tạ ơn trước rồi mới Xin ơn. Hồi ấy, điện thoại chưa phổ biến như bây giờ để có thể chỉ vài cú chạm nháy nháy là có thể lưu giữ lại hình ảnh để giờ có thể mang ra khoe. Nhưng những khung cảnh của từng lần đi tay xách nách mang, đi từ sáng sớm để đến bên Mẹ vào bình minh cho đỡ đông, ấy vậy mà khi đến nơi mọi người đã ở đó tự bao giờ, đọc kinh hát viếng vang vọng, lúc nào bố mẹ cũng dắt tay chúng tôi không sợ lạc giữa biển người thì tôi luôn nhớ. Nhớ mãi, bởi hồi ấy cả miền Bắc chỉ có Đức Mẹ Đồng Đinh là nơi linh địa được giáo dân xuôi ngược lui tới viếng Mẹ. Khi đi học xa, tôi ít có dịp về quê, có khi về thì chỉ ở chút ít rồi lại đi nên không có dịp đi thăm Mẹ ở Đồng Đinh như trước. Nhưng mỗi dịp quan trọng trong bước ngoặt cuộc đời và có dịp ngang qua, tôi đều trở lại bên Linh địa Mẹ thánh thiêng tại Đồng Đinh. Được gặp Mẹ, được gặp những con người miền sông nước kéo vó nuôi nhau ấm áp, thấm đượm tình Chúa tình người.
Đến hôm nay, từ một nơi xa xôi, tôi thật xúc động khi được xem bộ phim Cuộc Hành Hương Vĩ Đại-Lịch sử Đức Mẹ Sầu Bi Đồng Đinh[1]. Tôi thấy câu chuyện các bậc tổ tiên xưa đã dựng cây Thánh giá, biểu tượng đức tin trên Núi Gò, bằng tre, luồng, rồi năm 1957 làm bằng bê tông, tuy bình dị mà thật vĩ đại.
Với tôi, cuộc hành hương về với Mẹ tại Đồng Đinh không chỉ luôn mãi là cuộc hành hương để tạ ơn vì được chữa lành cho những vết thương thể lý mà giúp cho tuổi thơ và quá trình lớn lên của anh em tôi được sống trong bầu khí thánh thiêng hiển hiện của niềm tin tôn giáo. Những cuộc hành hương thường chỉ nói về Đất Thánh- nơi linh thiêng lưu giữ những giá trị tôn giáo đặc trưng chứ không phải những nơi mê tín, du lịch suồng sã, ồn ào, mà “Đất Thánh không có khách hành hương là sự khiếm khuyết” (PierBattista Pizzaballa). Mà thực ra “việc hành hương này cho phép chúng ta có kinh nghiệm và tận mắt nhìn thấy những nơi thánh, chạm đến những nơi mang dấu ấn của Chúa Giêsu và từ đó với chính con người Chúa Giêsu”. (ĐHY Enrico Feroci)
Anh Jena, 9.11.2023