Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày tuyên phong các thánh tử đạo Việt Nam (1988-19.06-2023), xin giới thiệu với quý độc giả Văn tế Bà thánh Đê, nữ thánh duy nhất trong số 117 vị thánh tử đạo Việt Nam.
BBT
VĂN TẾ BÀ THÁNH ĐÊ[1]
Danh: Lê Thị Thành
Anê: thánh hiệu
Anh hùng tử đạo
Đuốc sáng giáo dân !
Khải hoàn vang dội, cờ chiến thắng vượt chín tầng mây xanh,
Thiên tuế dập dìu, áo vinh quang thêu muôn giọt máu đỏ.
Nhớ linh xưa:
Tin Mừng gieo Cửa Bạng[2] cánh buồm bay lấp ló
Đạo Chúa tới Văn-No[3] mầm Tin bén mơn man.
Ánh Tình Yêu soi Đất Việt muôn ngàn;
Đường thập giá ủ vườn Nam vạn hạt.
Nhìn đồng lúa sóng rung rinh bát ngát;
Thấy hạt tâm linh nảy nở vô ngần.
Đây ơn Chúa Thánh Thần;
Đó phúc đời tiên tổ.
Sách ghi:
Quê cha làng Bái Điền, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa chào đời cuối Trịnh Sâm (1781)[4];
Đất mẹ xứ Phúc Nhạc, phủ Yên Khánh, trấn Ninh Bình quy tổ đầu Thiệu Trị (1841).
Công dung ngôn hạnh soi kỳ vĩ;
Dũng chí can trường sánh minh quân.
Lập gia đình: phu phụ thủy chung, một tổ ấm giản dị đơm xuân;
Xây hạnh phúc: cháu con ngoan ngoãn, sáu cành[5] non tươi xinh kết trái.
Hư danh bổng lộc, dạy con không thèm đoái;
Ảo mộng chức quyền, răn cháu chẳng đánh hơi.
Khuyên siêng đọc kinh, siêng học hành, xưng tội chớ ươn lười;
Dạy chăm đi lễ, chăm làm việc, lần hạt cần sốt sắng.
Gương bác ái, đức công bằng, sống tốt Đạo, tình làng không e dãi nắng;
Việc ma chay, tục cưới hỏi, tô đẹp đời, nghĩa xóm chẳng ngại dầm sương.
Út Lucia Nụ còn khắc cốt lời khuyên ắp yêu thương;
Con Anna Năm cũng ghi tâm lẽ sống đầy hoan hỷ.
Này công khó đáng hưởng vui phỉ chí;
Đó phúc ân còn tràn đổ đầy nhà.
Hỡi ơi (Phục Sinh 1841):
Tổng đốc Trịnh Quang Khanh khét tiếng “hùm xám tỉnh Nam”[6] kéo quân dữ tràn qua;
Bề tôi Lê Thị Thành lừng danh “chiên hồng Phúc Nhạc”[7] cho chủ lành ẩn trốn.
Giữa thời bách hại, không quản gian nan, mấy phen gìn giữ bốn thừa sai nguy khốn[8];
Trong lúc giam cầm, chẳng hề nao núng, nhiều cuộc tuyên xưng một Đạo Chúa bình an.
Vì lợi lộc, một kẻ sẵn sàng làm giáo gian;
Bởi ơn trời, đoàn người kiên quyết xưng Đạo thật.
Tôn thờ Chúa, làm sao chối Đấng tác sinh vạn vật;
Mến yêu người, chẳng lẽ quên hàng chăm sóc muôn dân ?!
Trước công đường, quan án sát truyền lệnh đánh bầm tím tay chân;
Trong ngục thất, nữ anh hùng sấp mình dâng thắm tươi hồn xác.
Đẫm áo quần máu me bê bết;
Đầy môi miệng lời khấn thiết tha.
Thấy mẹ cực hình, con gái khóc thương: mẹ hỡi…Suối lệ xót xa;
Nhìn trời hi vọng, mẫu thân an ủi: con ơi….Hoa hồng diễm phúc !
Tra xiềng xích, trăm lần khổ nhục;
Khảo gông cùm, vạn bước tàn hơi.
Thêm bệnh kiết, thoắt đến phút lìa đời;
Cạn sinh lực, liền vào nơi vĩnh cửu.
Khi tắt thở: thi hài thánh tỏa hương thơm tuyệt diệu
Lúc về Trời: Gương mặt hiền tươi sắc mến vô biên.
Gieo trong đau khổ, cây tình Chúa vươn tới mọi miền;
Gặt giữa vinh quang, hạt chứng nhân sáng lên muôn thuở.
Đây phép lạ: máu hồng- hoa nở !
Đó kỳ công: tình thắm- tỏa hương !
Trên ngai tòa Phêrô, năm Kỷ Dậu (1909) nên Chân Phước muôn phương;
Trước cửu trùng vĩnh Quốc, niên Mậu Thìn (1988) xứng Thánh Nhân vạn thuở.
Cúi đầu:
Đoàn con kính nhớ
Thánh Nữ cầu thay
Giúp hậu thế vững tin sống Đạo, vượt biển đời hăng say
Theo tiền nhân bền chí gieo Mầm về Thiên Quốc bất diệt !
Cứu gia đình vướng phong ba, hưởng thụ trào lưu xô tan tác;
Ngăn chồng vợ rơi bão tố, cá nhân chủ nghĩa xé tả tơi.
Đừng cho bấy tội tình ám ảnh muôn đời;
Chớ để bao lầm lỡ hoành hành truyền kiếp.
Vòng vây xiết chặt!
Tan rã phân ly!
Hỡi bao tổ ấm để phụng rẽ loan chia;
Ôi lắm gia đình lìa con nheo vợ nhóc.
Hãy soi gương bất khuất !
Mau lập phúc trường tồn !
Đình Chẩn, mừng khai mạc năm thánh, 30 năm tuyên thánh các thánh tử Đạo Việt Nam 19.06.2018
Hội trường Bà thánh Đê-Nhà Chung Phát Diệm.
[1] Bà Đê: là cách gọi theo tục địa phương bấy giờ, gọi tên con trai cả.
[2] Cha Alexandre De Rhodes (Đắc Lộ), tông đồ đầu tiên của Đàng Ngoài cập Cửa Bạng Thanh Hóa năm 1627.
[3] Theo truyền thống, Văn No hay Văn Nho là địa danh xứ Hảo Nho ngày nay theo cách gọi của cha Đắc Lộ.
[4] Bà Đê sinh năm Tân Sửu (1781) mất đúng năm Tân Sửu (1841), thọ 60 tuổi, hết một chu kỳ tính theo lịch âm.
[5] Hai con trai: Đê và Trân ; bốn con gái: Thu, Năm, Nhiên, Nụ.
[6] Tỉnh Nam Định có quan tổng đốc Trinh Quang Khánh khét tiếng trấn áp Đạo.
[7] Cô Nụ thấy mẹ máu me bê bết đã khóc lóc thảm thiết thì bà Đê đã an ủi con: Áo hoa hồng Chúa ban cho mẹ đấy con!
[8] Bốn cha: Berneux và Galy (người Pháp); cha Thành, cha Ngân.
Nguồn: vanthoconggiao.net